Rượu dân gian chứa thuốc trừ sâu, phân urê

,
Chia sẻ

Để rượu có độ trong, dân gian khi nấu xong rượu, thường cho thêm phân đạm urê hoặc thuốc trừ sâu, nhiều người uống rượu đã chết vì ngộ độc.

Đó là cảnh báo của Tiến sĩ Nguyễn Kim Sơn (Phó Giám đốc Trung tâm Chống độc – BV Bạch Mai).

Với thói quen uống rượu quá liều, uống khi bụng đói cồn cào hoặc uống cùng lúc nhiều loại rượu khác nhau, trong đó có không ít rượu kém chất lượng, rượu giả, nhiều “đệ tử của Lưu Linh” đã nhanh chóng phải nhập viện cấp cứu vì ngộ độc rượu.

Mới đây, Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai (78 Giải Phóng, Đống Đa, HN) vừa cấp cứu cho bệnh nhân N.V.T (44 tuổi, cư trú tại quận Hai Bà Trưng) mắc chứng nghiện rượu nặng. Bệnh nhân này có thói quen uống rượu từ lâu và khi không có rượu đã uống cồn pha với nước để thỏa mãn cơn thèm.

 

Để tăng thêm độ trong, rượu dân gian có thể được pha chế thêm phân đạm urê hoặc thuốc trừ sâu nên khi uống xong, nhiều người có thể bị tử vong do ngộ độc rượu.

 
Ông T. nhập viện trong tình trạng kích thích, vật vã, huyết áp tụt không đo được, suy hô hấp nặng, đồng tử giãn tối đa, không còn phản xạ với ánh sáng, tất cả những chỉ số xét nghiệm sinh hóa có được đều chống lại sự sống của người bệnh. Bác sĩ kết luận ông T. bị ngộ độc cồn công nghiệp methanol rất nặng.

Sau 30 giờ lọc máu liên tục, bệnh nhân đã qua cơn nguy hiểm và may mắn ông không bị tổn thương giác mạc có thể dẫn đến mù hai mắt.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Kim Sơn (Phó Giám đốc Trung tâm Chống độc – Bệnh viện Bạch Mai): Trung tâm thường xuyên tiếp nhận các ca ngộ độc rượu trong đó có cả ngộ độc rượu thường (ethanol) và rượu công nghiệp (methanol) – chiếm số lượng nhiều hơn. Điều đặc biệt, do xu hướng muốn “chơi trội”, tự thể hiện mình, số bệnh nhân nữ bị ngộ độc rượu cũng tăng đột biến so với thời gian trước.

Tiến sĩ Sơn cho biết: Các trường hợp bị ngộ độc rượu công nghiệp (methanol) thường có tỷ lệ tử vong rất cao vì đây là dung môi dùng để sản xuất sơn, nước rửa kính, mực in photocopy,… Ngộ độc methanol mức độ nguy hiểm khó lường: Nhẹ thì cũng bị mù mắt, nặng dẫn đến suy gan, suy thận, suy đa phủ tạng.

Methanol sau khi được uống vào sẽ chuyển hóa thành formaldehyde nhờ men alchoholdehydrogenase và sau đó chuyển thành acid formic nhờ men acetaldehyde dehydrogenase. Triệu chứng ngộ độc có thể xuất hiện từ 8 đến 12 giờ, nhanh có thể sau 1 giờ, bao gồm biểu hiện đau đầu, các triệu chứng về thị lực (nhìn mờ, nhìn có màu trắng), buồn nôn, nôn, thở nhanh, suy hô hấp. Nhiễm độc methanol nặng gây hôn mê, co giật giống Parkinson, tụt huyết áp và tử vong nhanh chóng.

Bia cũng gây ngộ độc

Ngoài việc uống rượu tràn lan, “vô tội vạ”, Tiến sĩ Nguyễn Kim Sơn cũng lo ngại nhiều “phong trào” uống bia giải nhiệt, uống bia thay cơm đang rất thịnh hành. Nhiều người coi bia rất “lành” và bổ nhưng thực chất bia cũng là rượu cũng được làm từ ethanol, có thể khiến người uống bị say, gây ngộ độc nếu uống nhiều. Những trường hợp ngộ độc bia rượu chủ yếu là do uống quá chén và uống trong tình trạng: Bụng đang cồn cào đói.

Tiến sĩ Sơn phân tích: Khi dạ dày trống rỗng, uống bia, rượu vào sẽ làm cho ethanol ngấm vào máu qua hệ tiêu hóa nhanh hơn khi đã ăn no. Ngoài ra, nhiều trường hợp bị ngộ độc rượu vì có thói quen uống nhiều loại rượu khác nhau cùng lúc hoặc vừa uống bia vừa uống rượu.

Nhiều người phải nhập viện cấp cứu do không biết cách uống rượu: Uống quá đà, uống khi đói hoặc uống lẫn lộn nhiều loại rượu khác nhau trong cùng một lúc.

Theo Tiến sĩ Sơn, phần lớn rượu gây ngộ độc không phải là rượu sắn mà là rượu trong dân gian nấu. “Rượu này không khử được anđehit nên thường gây đau đầu. Ngoài ra, vì muốn tăng độ trong của rượu, người dân thường hòa thêm phân đạm urê hoặc thuốc trừ sâu, gây ngộ độc cho người uống rượu” - Tiến sĩ nhận xét.

Từ đó, Phó Giám đốc Trung tâm Chống độc – Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo người dân: Không nên lạm dụng bia rượu quá nhiều theo kiểu “miếng trầu vào đầu câu chuyện”. “Chúng ta nên tạo thói quen văn hóa khi ăn uống”. Tiến sĩ khuyên: Với tác dụng kích thích, sử dụng bia rượu đúng và thích hợp nhất khi: Người uống chỉ dùng 15 – 20 ml rượu Vodka hoặc Brandy/bữa, hoặc 30ml rượu vang/bữa, còn đối với bia, chỉ khoảng 300 - 500ml/bữa.

Hầu hết những bệnh nhân ngộ độc rượu cấp đều vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng nặng vì thường được phát hiện muộn. Mức độ ngộ độc rượu (ethanol) biểu hiện nhẹ ở dạng say rượu, người uống thường không làm chủ được bản thân (đi, đứng loạng choạng, dễ ngã và tự gây tai nạn cho bản thân và cho người khác, nhất là dễ gây tai nạn giao thông khi lái xe), thường dễ kích động (hay gây gổ, chửi, đánh nhau). Mức độ nặng hơn thì đau đớn, vật vã, cần nhanh chóng đưa ngay đến trung tâm y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời.

Tiến sĩ Sơn còn nhấn mạnh: Khi người say ngủ li bì cũng rất nguy hiểm bởi có thể hạ đường huyết, hạ nhiệt độ dẫn tới tử vong. Không chỉ vậy, nhiều người khi say rượu nằm ngủ, dịch dạ dày nôn ra và bị hít vào phổi gây sặc cũng rất nguy hiểm.
 
Theo VTC
Chia sẻ