Rùng mình xem "Đại dịch cúm"
"The Flu - Đại dịch cúm" kể 1 câu chuyện về thảm họa không quá mới mẻ hay xuất sắc, nhưng vẫn chạm tới trái tim khán giả nhờ biệt tài của các nhà làm phim Hàn là lồng ghép và tôn vinh thành công yếu tố "tình".
Dòng phim thảm họa của điện ảnh Hàn Quốc đang phát triển mạnh mẽ những năm trở lại đây, kể từ thành công đáng kinh ngạc của Haeundae - bộ phim về thảm họa sóng thần kinh hoàng đã thu hút hơn 10 triệu khán giả đến rạp vào năm 2009, tiếp nối đó là hàng loạt tác phẩm ăn khách khác như Deranged (2012), The Tower (2012)...
Năm nay, điện ảnh Hàn một lần nữa lại khiến trái tim của hàng triệu khán giả phải hồi hộp, đau đớn, thổn thức xen lẫn cả kinh hoàng tột độ khi dõi theo câu chuyện về thảm họa đại dịch cúm trong The Flu - tác phẩm đánh dấu sự tái ngộ sau 10 năm vắng bóng của đạo diễn đình đám Kim Sung Soo.
"The Flu - Đại dịch cúm" trailer
Một câu chuyện về thảm họa không phải quá mới mẻ hay quá xuất sắc, nhưng vẫn có khả năng chạm tới trái tim khán giả nhờ một biệt tài của các nhà làm phim Hàn, đó là lồng ghép và tôn vinh thành công yếu tố "tình".
The Flu nhập cuộc khá nhanh chóng khi một chiếc container chở những người nhập cư bất hợp pháp đến Hàn Quốc mang theo dịch bệnh chết người. Khi chiếc xe gặp tai nạn và ngừng lại ở ngoại ô Bundang, một cảnh tượng kinh hoàng đã diễn ra: hầu hết số người trên xe đều chết thảm bởi loại virus H5N1, chỉ duy nhất một thanh niên sống sót và chạy trốn.
Dịch bệnh bắt đầu phát tán và lan rộng khắp Bundang. Với tỉ lệ lên tới 2.000 ca nhiễm mỗi giờ cùng với những ca tử vong liên tiếp của các nạn nhân 36 tiếng đồng hồ sau khi mắc bệnh, đại dịch này đã đẩy cả thành phố vào một tình trạng hoang mang tột độ.
Song song với câu chuyện về dịch bệnh đang lan rộng mất kiểm soát là một câu chuyện khác, kể về cuộc gặp gỡ tình cờ của anh chàng nhân viên cứu hộ Ji Gu (Jang Hyuk) và cô bác sĩ xinh đẹp In Hae (Soo Ae). Ji Gu đã phải lòng In Hae ngay từ cái nhìn đầu tiên mà không biết rằng cô đã có một con gái - bé Mirre dễ thương, cũng là người sau này nhiễm phải virus cúm tử thần mà Ji Gu và In Hae phải tham gia vào cuộc chạy đua với thời gian để cứu sống sinh mạng của Mirre cũng như hàng vạn người dân Hàn Quốc khác.
The Flu không đơn thuần là một bộ phim thảm họa mà thảm họa trong phim chỉ là một vỏ bọc để đạo diễn Kim Sung Soo kể cho khán giả nghe về nhiều câu chuyện khác: không chỉ là câu chuyện về tình mẫu tử (giữa mẹ In Hae và cô bé Mirre), câu chuyện về hình mẫu người anh hùng hiện đại (Ji Gu) và sâu xa hơn còn là chuyện chính trị, về mối quan hệ giữa Tổng thống và Thủ tướng Hàn, quan hệ ngoại giao giữa Hàn và Mỹ.
The Flu không ngại phơi bày những góc khuất trong chính trị nhưng cũng lại rất khéo léo trong việc khoa trương sức mạnh quân sự của Hàn Quốc, và trên hết, giống như nhiều bộ phim Hàn khác, là đề cao tính tự tôn dân tộc. Điều đặc biệt hơn là khán giả, ai cũng nhìn thấy sự khoa trương ấy của người Hàn nhưng ai cũng đáp lại bằng một cái gật gù ngưỡng mộ hơn là một nụ cười mai mỉa, bởi đó là một sự khoa trương chính đáng, niềm tự tôn chính đáng biết tiết chế vừa đủ chứ không quá lố.
Bộ phim nói về đại dịch cúm như một thảm họa kinh hoàng phủ bóng đen lên bầu trời Hàn Quốc, nhưng trọng tâm của phim lại không phải là đại dịch ấy mà chính là nhân vật hai mẹ con In Hae - Mirre. Điều thú vị là nếu như nhân vật anh nhân viên cứu hộ Ji Gu được xây dựng một cách hơi quá cường điệu thì nhân vật cô bác sĩ In Hae lại được tái hiện rất đúng với đời thường.
Trong hoàn cảnh đại dịch hoành hành và có khả năng tàn phá cả đất nước, người ta nghĩ rằng một nữ bác sĩ như In Hae sẽ đặt đạo đức nghề nghiệp lên hàng đầu, sẽ xông pha vì sinh mạng của hàng triệu đồng bào khác, nhưng ngược lại, điều quan tâm lớn nhất của In Hae trong phim chỉ có Mirre. Mọi hành động của cô cũng chỉ tập trung quanh con gái mình. Để cứu con gái, cô có thể sẵn sàng hy sinh tất cả, không màng tất cả. In Hae không phải là một thiên thần áo trắng có vòng sáng lấp lánh trên đầu, cô chỉ là một phụ nữ bình thường, một người mẹ bình thường yêu con bằng tình yêu không giới hạn, cô cũng ích kỷ, bon chen và sẵn sàng tàn nhẫn như ai.
Điểm hấp dẫn của The Flu là bộ phim liên tục đẩy người xem đến với những cao trào mới, không hề có điểm dừng, khiến mọi giác quan của họ phải hoạt động suốt từ đầu đến cuối phim. Khi một cao trào dừng lại, một cao trào khác lại đột ngột đổ tới, tình tiết nối tiếp tình tiết đem lại sự hấp dẫn cho bộ phim thảm họa này.
The Flu cũng đem lại cho khán giả nhiều khoảnh khắc "rợn người" trước cái nhìn toàn cảnh về đại dịch cúm đầy tang tóc, khi người với người dẫm đạp lên nhau. Nỗi sợ hãi dịch bệnh đã biến một bộ phận người trở nên mất nhân tính và cuồng loạn. Cảnh quay hàng nghìn con người bất kể sống chết bị ném xuống sân vận động để thiêu hủy như rác rưởi có thể khiến nhiều khán giả phải rùng mình ớn lạnh.
Ngoài một số tình tiết được cường điệu hơi quá, nhìn toàn cảnh, The Flu là một tác phẩm đáng xem của điện ảnh Hàn năm nay. Phim đã được khởi chiếu ở Việt Nam với tựa Đại dịch cúm từ ngày 11/10.