Rùng mình người dân lấy nước từ nghĩa địa để… nấu ăn
Hơn 20 năm qua, người dân tại khu phố 2 và 3 (P.12, quận Bình Thạnh, TP.HCM) vẫn phải lấy nước từ các giếng khoan ở nghĩa địa để sinh hoạt và họ coi đây là nguồn nước chính để tắm giặt, thậm chí dùng nước này để nấu ăn.
Sở dĩ có khoảng 1.000 hộ dân ở 2 khu phố phải nhắm mắt “làm liều” sử dụng nước không đảm bảo an toàn như vậy là "do nhà của họ nằm sâu trong hẻm, việc chuyền ống nước vào gặp khó khăn”, ông Nguyễn Chiến Hoàng, tổ trưởng tổ 47, khu phố 3 cho biết.
Tuy nhiên, trên thực tế, những hộ dân nhà nằm sâu trong hẻm hàng trăm mét không có nước sạch sinh hoạt đã đành, những nhà chỉ cách nguồn nước sạch vài ba mét vẫn không có nước dùng. Nhiều người cắn răng bỏ tiền dùng can đi mua nước máy hằng ngày để về nấu ăn.
Ông Chiến tổ trưởng tổ 47, KP3 kể về cuộc sống sinh hoạt khi dùng nước từ nghĩa địa: “Đã hơn 20 năm, người dân dùng nước từ giếng đào và giếng khoan cũng quen rồi". Theo ông, nước máy thì không đến được còn nếu không dùng nước giếng khoan thì dân lấy gì để sinh hoạt. Thấy cảnh người dân phải vất vả đi mua nước sạch hằng ngày, ông đã nhiều lần kiến nghị lên trên nhưng vẫn không có kết quả.
Ông Chiến đang lấy nước từ giếng khoan để giặt quần áo.
“Mặc dù chỉ dùng nguồn nước giếng khoan để tắm giặt nhưng chúng tôi vẫn không an tâm lắm vì đã có nhiều trường hợp khi tắm nước từ nghĩa địa này bị mẩn đỏ gây ngứa, đặc biệt là những người lần đầu sử dụng nước ở đây để tắm. Nước giếng khoan hay bị nhiễm phèn nên khi giặt đồ quần áo bị đổi màu" - anh Huỳnh Ngọc Thủy Chung (39 tuổi), ở tổ 51 khu phố 3 chia sẻ.
Ở khu phố 2, tình cảnh thiếu nước sạch càng trầm trọng hơn, mặc dù chỉ cách con đường lớn chỉ 5-10 mét nhưng người dân vẫn không có nước sạch để nấu ăn, họ đành lấy nước từ nghĩa địa để thay thế.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà ở tổ 40, khu phố 2 than thở: “Muốn tới nơi lấy nước sạch đảm bảo vệ sinh phải đi xa gần 1km. Mỗi lần đi phải chở 2-3 thùng loại 30 lít. Tôi có tuổi rồi, các con không ở cùng nên phải lấy nước ở nghĩa địa dùng vậy”.
Nước ô nhiễm, dân mỏi mòn chờ đợi gần 20 năm nay để được sử dụng nước sạch nhưng vô vọng. Nhiều lần trong những cuộc tiếp xúc cử tri, người dân trong khu phố cũng đưa ý kiến phản ánh, mong muốn chính quyền có biện pháp giúp đỡ.
“Sau đó, chính quyền đã phối hợp với các cơ quan đến khảo sát các nguồn nước trong vùng và xác nhận nguồn nước có nguy cớ ô nhiễm nặng. Các cơ quan cũng khuyến cáo người dân không nên sử dụng nguồn nước này. Tuy nhiên, vì cuộc sống còn khó khăn trong khi đưa nước máy vào tận nhà thì tốn kém nên người dân vẫn phải tiếp tục sử dụng”, ông Lê Hồng Anh, ở số 354/2 tổ 40, KP2 cho biết.
Một giếng khoan nằm sát mồ mả của những hộ dân ở tổ 40, KP 2.
Vẫn còn mồ mả trong nhà của người dân ở tổ 51, KP 3.
Cậu sinh viên này hàng ngày đều phải đi mua nước máy dù nhà cách đó chỉ và mét.
Người phụ nữ đã có 2 lượt tới mua nước và chỉ dùng trong 2 ngày lại đi mua tiếp.
Mặc dù trời đã chập tối nhưng bác Lê Hoàng Anh ở tổ 40, KP 2 vẫn phải đi chở nước về nấu ăn, vào sáng sớm bác đã có một lần đi lấy nước nhưng đã hết.
Bà Trần Thị Thu Hà, ở KP 2 dùng nước giếng khoan cạnh mổ mả để nấu ăn hàng ngày