Rùng mình chăn bông TQ làm từ rác thải, quần áo người chết
Một đường dây sản xuất, tiêu thụ chăn bông làm từ nguyên liệu bẩn, thậm chí là có cả đồ của người chết tại Hồ Nam, Trung Quốc vừa bị nhà chức trách nước này phanh phui.
Mùa đông là thời điểm mặt hàng chăn đệm đắt khách. Tuy nhiên, nếu không thận trọng, người tiêu dùng sẽ dễ mua phải hàng kém chất lượng và nguy hiểm hơn là rước bệnh truyền nhiễm về cho các thành viên trong gia đình.
Nguyên liệu bên trong chăn bông không chỉ là bông công nghiệp mà thậm chí còn có cả rác thải y tế trong bệnh viện và rác thải bên trong những nhà tang lễ.
Gần đây, Kênh truyền hình Kinh tế thuộc Đài truyền hình Hồ Nam phối hợp với cơ quan chức năng hữu quan tỉnh Hồ Nam đã tiến hành một cuộc điều tra kéo dài hơn nửa tháng để phanh phui một đường dây sản xuất chăn bẩn.
Đường dây sản xuất gia công chăn bông bẩn này có trụ sở chính tại thành phố Trường Sa và có chi nhánh chân rết hoạt động rộng khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Tọa lạc tại Nhạc Dương, huyện Bình Giang, Hồ Nam, cơ sở bán buôn “Thành Tín” tuy không nổi bật nhưng hoạt động kinh doanh vô cùng nhộn nhịp.
Trong vai người mua hàng, phóng viên Kênh truyền hình Kinh tế đã tiếp cận cơ sở này để truy tìm nguồn gốc nguyên liệu thực sự làm nên những chiếc chăn được tiêu thụ tràn ngập trên thị trường.
Chủ cơ sở “Thành Tín” cho hay, hiện tại đang là mùa sản xuất kinh doanh nên quanh khu vực Nhạc Dương đã có 10 cửa hàng lấy sản phẩm của họ về bán.
Người này cũng không một chút do dự khẳng định, hàng do họ sản xuất, khách hàng có thể hoàn toàn yên tâm về chất lượng.
Phóng viên sau đó đã mua hai cái chăn với giá 75 NDT và 30 NDT. Những chiếc chăn này được đưa cho ông Trương – một người có thâm niên làm trong nghề sản xuất chăn bông tự nhiên kiểm tra.
Điều khiến mọi người “ngã ngửa” là bên trong lớp vỏ chăn mới, sáng bóng, sạch sẽ không phải là bông mà là thứ nguyên liệu có lẫn rất nhiều tạp chất xanh đỏ.
Ông Trương cho hay, nguyên liệu sản xuất hai cái chăn do phóng viên mua về chính là thứ mà người ta vẫn gọi là “hắc tâm bông”.
Thận trọng hơn, phóng viên tiếp tục mang hai cái chăn đến Cục kiểm tra sợi của tỉnh Hà Nam. Sau 4 ngày làm việc, kết quả đã được xác định rõ ràng: Hạng mục kiểm tra không đạt tiêu chuẩn.
Nguyên liệu được gọi là bông trong hai cái chăn thực chất là phế phẩm và sợi gia công, thậm chí có cả sợi hóa học, sợi chỉ… Bị phóng viên chất vấn, chủ cơ sở “Thành Tín” mới thú nhận nguyên liệu họ dùng đều lấy từ thành phố Trường Sa.
Tiếp tục hành trình điều tra nhiều khu vực ở thành phố này, phóng viên phát hiện gần phố Ngọc Nam có một cơ sở gia công chăn bông và tại đây, rất nhiều những chiếc chăn bông cũ đang đợi để gia công lại như mới.
Những chiếc chăn bông này nhiều khả năng đã chứa các loại vi khuẩn gây bệnh, rất có hại cho sức khỏe con người.
Sau nhiều lần theo dõi, phóng viên cũng phát hiện bên cạnh đường Nhân Dân, gần sông Lưu Dương có một công trình xây dựng thô rộng hàng ngàn m2 và đây chính là địa điểm gia công, giao dịch “hắc tâm bông” lớn nhất Trường Sa.
Mọi loại chăn bông dù bẩn đến đâu, chỉ cần đưa đến đây và qua vài bước “phù phép”, đã có thể trở thành chăn mới và được phân loại với các mức giá khác nhau.
Điều đáng nói là ngoài những cơ sở gia công sử dụng vụng trộm, những chiếc chăn bông cũ cũng được nhiều nhà máy mua về. Nguyên nhân là bởi sử dụng những nguyên liệu bẩn này để sản xuất, lợi nhuận thu về rất cao.
Phóng viên Kênh truyền hình Kinh tế cũng cho hay, nguồn gốc của những chiếc chăn cũ vô cùng phong phú. Một bộ phận trong số này đến từ bệnh viện và thậm chí là đến từ nhà tang lễ.
Một nhân viên làm công tác vệ sinh tại một nhà tang lễ trên đường Thư Viện Nam cho hay, mỗi ngày họ thu nhận một lượng lớn quần áo của người chết.
Nếu muốn mua nhiều, người thu mua nên đến nhà tang lễ Minh Âm Sơn. Tiết lộ này thực sự khiến không ít người sởn da gà.