Rừng Amazon - "lá phổi xanh" của Trái đất đang kêu cứu

Thế giới hôm nay,
Chia sẻ

Lần đầu tiên, Hội nghị thượng đỉnh 8 quốc gia có rừng nhiệt đới Amazon đã được tổ chức tại thành phố Belem, phía bắc Brazil.

Diễn ra trong hai ngày (8 và 9/8), hội nghị nhằm tìm kiếm các giải pháp tháo gỡ những thách thức cấp bách đối với hệ sinh thái được coi là quan trọng nhất thế giới - rừng nhiệt đới Amazon.

Hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên của Tổ chức Hiệp ước hợp tác Amazon kể từ năm 2009 bao gồm 8 quốc gia thành viên là Bolivia, Brazil, Columbia, Ecuador, Guyana, Peru, Suriname và Venezuela. Hội nghị tập trung thảo luận, xây dựng chính sách và hướng tới thống nhất mục tiêu, quan điểm trong đàm phán về hơn 130 chủ đề, từ nguồn tài chính cho phát triển bền vững đến hòa nhập bản địa.

Các nội dung đàm phán chính tập trung vào chiến lược chống phá rừng, chống tội phạm có tổ chức và phát triển bền vững cho hơn 50 triệu người với hàng trăm nhóm bản địa sinh sống.

Tổng thống nước chủ nhà Brazil, ông Lula da Silva kỳ vọng hội nghị sẽ ra được tuyên bố chung, thống nhất được chính sách chung bảo vệ rừng nhiệt đới Amazon. Trước thềm thượng đỉnh, giới chức Brazil đã nhiều lần kêu gọi các nước khu vực và quốc tế chung tay bảo vệ rừng Amazon, vì đây là thách thức mà một mình nước này không thể giải quyết nổi.

Rừng Amazon - lá phổi xanh của Trái đất đang kêu cứu - Ảnh 1.

Các mối đe dọa đối với rừng Amazon

Mặc dù được xem là lá phổi xanh của Trái đất, song những năm gần đây, rừng Amazon liên tục bị tàn phá bởi nạn chặt cây, khai thác khoáng sản tràn lan, đốt rừng để làm nông nghiệp và chăn nuôi gia súc… Nhiều diện tích bị xóa sổ, đẩy một số loài động vật, thực vật quý hiếm vào nguy cơ tuyệt chủng, gây mất cân bằng sinh học.

Theo số liệu mới công bố, trong tháng 7 vừa qua, nạn phá rừng Amazon ở Brazil đã giảm xuống mức thấp nhất trong 6 năm và giảm 66% so với cùng kỳ năm trước, ở mức khoảng 500 km2 rừng bị tàn phá. Tuy nhiên, đây vẫn là con số lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khu rừng nhiệt đới.

Các nhà khoa học cảnh báo, để bảo tồn rừng Amazon, không thể để diện tích bị tàn phá vượt mức giới hạn 20%; nếu điểm giới hạn nêu trên bị phá vỡ, tài sản quý giá này sẽ không thể phục hồi và có thể biến đổi thành đồng cỏ trong vài thập niên. Ðáng lo ngại, tỷ lệ phá rừng Amazon hiện đã lên tới 17%.

Ông Marcio Astrini - Giám đốc Hiệp hội ‘Đài quan sát khí hậu’: "Tôi nghĩ rằng xu hướng đang giảm dần, chúng ta tiếp tục thấy các con số phá rừng giảm xuống, nhưng điều đó không có nghĩa là các con số đã tốt. Trước đây, trung bình các vụ phá rừng ở Amazon ở phạm vi khoảng 6.500 km2, trong khi dự kiến con số này vào cuối năm là trên 10.000km2 - tức là chúng ta vẫn đang trong tình trạng mất mát rất lớn, có rất nhiều điều cần phải phục hồi".

Rừng Amazon - lá phổi xanh của Trái đất đang kêu cứu - Ảnh 2.

Không chỉ là phá rừng, nạn đổ rác thải bừa bãi cũng gây ô nhiễm nghiêm trọng hệ thống sông tại khu rừng nhiệt đới Amazon, ảnh hưởng tới hệ thực vật, động vật và sinh kế của người dân ven sông.

Ông Jao Valdez - Người dân Brazil: "Ngày xưa nước trong vắt chứ không như bây giờ. Khoảng 10, 11 năm trở lại đây nước bắt đầu thay đổi, ngày nay tôm cá không nhiều, nhiều thứ chúng ta từng được hưởng từ dòng sông thì nay không còn nữa".

Bên cạnh đó, các hoạt động khai thác công nghiệp khác, đặc biệt là khai thác vàng, cũng đe dọa đến đời sống các loài động vật tại rừng Amazon, tác động đến đa dạng sinh học. Theo các nhà khoa học, thủy ngân từ hoạt động khai thác bất hợp pháp đang ảnh hưởng đến các loài động vật có vú trên cạn trong rừng nhiệt đới Amazon, từ loài gặm nhấm đến mèo rừng cho đến khỉ titi.

Bà Caroline Moore - Bác sỹ thú y, thành viên Liên minh đời sống hoang dã San Diego: "Bạn biết đấy, có một mối lo ngại chung rằng nếu mức thủy ngân đủ cao và đủ ổn định thì chúng sẽ ngăn cản các động vật sinh sản một cách bình thường hoặc nếu sinh con thì những động vật đó cũng không thể trưởng thành bình thường".

Với những thách thức nêu trên, giới chuyên gia nhấn mạnh, hành trình giải cứu Amazon còn dài và nhiều chông gai, đòi hỏi sự chung tay, góp sức không chỉ của các nước trong khu vực mà cả cộng đồng quốc tế.

Rừng Amazon - lá phổi xanh của Trái đất đang kêu cứu - Ảnh 3.

Lời kêu gọi của thủ lĩnh thổ dân da đỏ Amazon

Trong khi các nhà lãnh đạo và cộng đồng quốc tế đang nỗ lực tìm giải pháp cứu lấy "lá phổi xanh" của Trái đất trước các mối đe dọa, các thủ lĩnh của một số nhóm cộng đồng bản địa vùng Amazon đã góp thêm tiếng nói của mình, kêu gọi tăng cường nỗ lực bảo tồn vùng rừng nhiệt đới này, bởi hơn ai hết, họ hiểu rằng khu vực này vốn rất quan trọng đối với sự sống còn của người dân và của bầu khí hậu toàn cầu.

Ông Raoni, 91 tuổi, là thủ lĩnh của người Kayapo - một cộng đồng bản địa sống dọc theo sông Xingu, con sông chảy qua rừng nhiệt đới Amazon. Vùng đất của họ, Vườn Quốc gia Xingu, đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi việc mở rộng các đồn điền đậu nành. Thêm vào đó, những trang trại gia súc đang làm cạn kiệt dòng chảy của những con sông bị ô nhiễm vì hoạt động khai thác vàng trái phép. Bản thân ông Raoni và người dân bản địa cũng cảm nhận rất rõ tác động của biến đổi khí hậu.

"Chúng tôi, những người dân bản địa đang cảm nhận được sự thay đổi khí hậu. Nhiều con sông đang cạn kiệt, chúng tôi cảm thấy rất nóng và nhiệt độ trong làng rất cao. Rừng thì khô, sông cũng khô vì nhiệt độ cao và ít mưa".

Rừng Amazon - lá phổi xanh của Trái đất đang kêu cứu - Ảnh 4.

Ông Raoni cho biết, tổ tiên của ông tin rằng một ngày nào đó sẽ không có mưa và một trận hỏa hoạn lớn trên Trái đất sẽ thiêu rụi loài người. Do đó, không còn cách nào khác là con người phải hành động. "Tôi lo lắng cho tương lai của thế hệ sau. Những dòng sông và khu rừng cần được bảo tồn, để tất cả chúng ta có thể tiếp tục sử dụng những nguồn tài nguyên này".

Không chỉ tại Brazil, một số cộng đồng bản địa vùng Amazon cũng rất hy vọng tình hình có thể sớm được cải thiện để nhiều thế hệ tương lai có thể tiếp tục tồn tại trên hành tinh này.

Bà Nemo Guiquita - Thủ lĩnh cộng đồng bản địa Waorani, Ecuador: "Rừng không phải là giếng dầu, cũng không phải là mỏ vàng. Đó là ngôi đền của chúng ta, nhà của chúng ta, siêu thị của chúng ta, trường học của chúng ta và là ngôi nhà tinh thần của chúng ta. Đó là lý do tại sao chúng ta không chỉ mong chờ vào các nhà lãnh đạo của các quốc gia Amazon, mà cả các nhà lãnh đạo lớn trên thế giới, để thực hiện mạnh mẽ việc bảo tồn".

Người thổ dân Amazon coi rừng là "người mẹ vĩ đại". Họ bảo vệ từng tấc rừng vì một lẽ đơn giản, cả tương lai sống của họ gắn chặt với rừng, nhờ rừng và vì rừng. Chính vì lẽ đó, các bộ tộc bản địa Amazon đang nỗ lực từng ngày để bảo vệ mảnh đất thiêng liêng, cũng là bảo vệ bầu không khí tất cả chúng ta cùng hít thở.

Chia sẻ