Rủi ro nghề 'nuôi gà' ở showbiz, vừa nổi tiếng đã quay lưng tạo phản
Phất lên chưa được bao lâu, nhiều nghệ sĩ đã vướng vào chuyện đấu tố với công ty chủ quản bởi nhiều mâu thuẫn phát sinh. Gần đây, showbiz Việt xôn xao ồn ào của Sofia và nhạc sĩ Châu Đăng Khoa, trong khi đó showbiz Hàn từng nhộn nhịp với mâu thuẫn nội bộ nhóm nhạc Fifty Fifty, gần nhất là tập đoàn giải trí HYBE và Ador.
Chuyện đào tạo nghệ sĩ , định hướng con đường trở thành ngôi sao hàng đầu được xem là tiềm ẩn nhiều rủi ro ở góc độ kinh doanh. Nhiều công ty sẵn sàng bỏ ra số vốn lớn đầu tư cho “gà nhà”, trải thảm từ A đến Z, giúp nghệ sĩ có tên tuổi. Nhưng cuối cùng, khi chưa kịp hòa vốn, họ lại nhận về trái đắng.
Chuyện kinh doanh “gà” 5 lần 7 lượt bị đấu tố của Châu Đăng Khoa
Drama gây xôn xao showbiz Việt thời gian qua khi ca sĩ Sofia (tên thật là Đan Trang) tố công ty chủ quản Superbrothers Entertainment (do nhạc sĩ Châu Đăng Khoa đứng đầu) bóc lột sức lao động, kìm hãm sự nghiệp suốt hai năm trời.
Trong thời gian đó cô rơi vào cảnh túng thiếu, phải vay mượn duy trì cuộc sống, thậm chí tay trắng về quê. Sofia đã thuê luật sư làm việc nhưng phía Châu Đăng Khoa không hợp tác. Trên mạng xã hội, ca sĩ kêu cứu: "Tôi vào bước đường cùng mới cầu cứu mọi người. Tôi đang đợi chờ để giải quyết".
Bị chính “gà” công ty quay lưng, Châu Đăng Khoa không còn giữ im lặng. Thông qua livestream dài hơn 40 phút, nhạc sĩ tố ngược Sofia “qua cầu rút ván”, đưa ra nhiều bằng chứng phủ đầu.
Theo Châu Đăng Khoa, Sofia tự ý đặt hàng nhạc sĩ khác, nhận show bên ngoài không qua công ty quản lý. Anh biết chuyện này nhưng nhắm mắt cho qua. Để Sofia phát triển trong showbiz, anh dùng mối quan hệ để nâng đỡ, giúp cô biểu diễn ở Rap Việt, kết hợp với nghệ sĩ nổi tiếng.
Vấn đề không ra mắt MV mới, Châu Đăng Khoa nói Sofia là người hiểu rõ. Anh kể nhiều lần yêu cầu cô cải thiện ngoại hình, thuê huấn luyện viên riêng giúp cô giảm cân nhưng Sofia không hợp tác. Anh nhấn mạnh yếu tố ngoại hình là điều bất cứ nghệ sĩ nào cũng cần trau dồi.
Ba năm ký hợp đồng với Sofia, Châu Đăng Khoa khẳng định chưa thu hồi vốn hay sinh lời. Bên cạnh số tiền đầu tư, Châu Đăng Khoa nói không từ chối mỗi lần cô xin tiền và đưa riêng cho cô hơn 200 triệu đồng, chi vào nhiều khoản ăn uống, khám chữa bệnh, mua sắm…
Châu Đăng Khoa có trong tay bằng chứng, anh nói số liệu từ bộ phận kế toán sẽ được lập vi bằng, giao nộp cho tòa án.
Câu chuyện đào tạo “gà” của Châu Đăng Khoa từng tạo lùm xùm. Năm 2020, Orange - khi ấy là nghệ sĩ trực thuộc Superbrothers Entertainment cùng với Lyly - tố Châu Đăng Khoa thiếu minh bạch cát-xê, quỵt tiền, yêu cầu đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Orange (ngoài cùng bên phải) và Lyly cùng lúc lên tiếng tố công ty của Châu Đăng Khoa ăn chặn, quỵt cát-xê.
Thời điểm đó, Orange phất lên với những bản hit do Châu Đăng Khoa sáng tác, nổi bật là ca khúc Người lạ ơi, Chân ái… Châu Đăng Khoa đáp lại bằng quyết định khởi kiện, đòi Orange, Lyly bồi thường thường 15,5 tỷ đồng tiền thiệt hại vì vi phạm hợp đồng.
Hai lần “tìm đá mài ngọc” đều dẫn đến tranh cãi, việc đầu tư, đào tạo cho nghệ sĩ với Châu Đăng Khoa không hề dễ dàng hái được quả ngọt. Nhiều người cho rằng nam nhạc sĩ đầu tư mạo hiểm và mang lại rủi ro lớn.
Theo lời Châu Đăng Khoa, công ty lo chu tất hầu hết khâu để đưa Sofia từ con số không đến khi được mọi người biết đến với các bản hit. Thông thường, để nghệ sĩ ra mắt, có nhiều khâu phải xây dựng , hao tốn từ chi phí mua bài, thu âm, quay MV, chiến dịch truyền thông…
Vụ việc của Châu Đăng Khoa lặp lại nhiều lần với chính các nghệ sĩ do anh đào tạo. Với nhiều khán giả, cơ sự đều do hai phía bởi ai cũng là nạn nhân trong chính câu chuyện của mình.
Vỡ mộng khi phản nhà đầu tư
Nhiều trường hợp nghệ sĩ quốc tế ngay khi mới đạt thành công chớm nở đã nhanh chóng lật mặt, phủi bỏ công sức của công ty chủ quản. Trường hợp nổi tiếng trong Kpop phải kể đến nhóm nhạc Fifty Fifty - chủ nhân của bản hit toàn cầu Cupid.
Cupid nổi lên như hiện tượng TikTok năm 2023 và bắt đầu “phá đảo” các bảng xếp hạng âm nhạc. Bài hát này gặt hái thành công lớn trên Billboard Hot 100 của Mỹ, vượt kỷ lục của BlackPink, thậm chí còn lọt vào bảng xếp hạng hàng năm.
Bất chấp cơ hội thăng tiến, bốn thành viên bất ngờ đệ đơn yêu cầu chấm dứt hợp đồng với công ty quản lý Attrakt, cho rằng công ty vi phạm hợp đồng, không trả lương và gây mất lòng tin. Vụ kiện tụng kéo dài hàng tháng trời, tòa phán phía Fifty Fifty chưa đủ bằng chứng.
Dư luận đảo chiều liên tục vì thông tin đối ngược giữa hai bên, sau cùng khán giả chỉ trích Fifty Fifty vô ơn khi tìm thấy bằng chứng nhóm được công ty đối đãi tốt. Thời gian hoạt động, các thành viên được diện trang phục đắt tiền dù Attrakt chỉ là công ty nhỏ. CEO Jeon Hong Joon của Attrakt chia sẻ với Hankyung rằng phải tốn hàng tỷ won để đầu tư phát hành Cupid , kể cả họ biết khó lòng cạnh tranh với các ông lớn ngành giải trí.
Sau khi phát hành album đầu tiên của Fifty Fifty, ông Jeon phải bán cả ôtô, ăn đồ rẻ tiền và đến phòng thu âm của người quen nhằm tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất.
Để các thành viên Fifty Fifty có chỗ ở tốt, công ty đã thuê căn hộ rộng rãi ba phòng ngủ ở Gangnam có giá 2.402 USD/tháng (gần 61 triệu đồng). Ngoài ra, ông Jeon còn thuê giáo viên từng lớp học kỹ năng riêng, từ thanh nhạc, hát, rap, nhảy, tiếng Anh, diễn xuất, rèn luyện sức khỏe. Chi phí sản xuất MV tốn 18 tỷ đồng.
Giữa lùm xùm kiện tụng, nhóm nhạc bị tòa án bác đơn, thành viên Keena bất ngờ rút lui, ở lại công ty với tư cách một phần của Fifty Fifty. Phía Attrakt hành động quyết đoán bằng cách chấm dứt mọi hợp đồng với Saena, Sio và Aran, đồng thời đệ đơn kiện đòi 13 tỷ won (9,9 triệu USD) chống lại ba thành viên và những người liên quan.
Trong khi những cô gái còn lại chật vật trả nợ và phải tìm kiếm công ty mới, Keena tiếp tục theo đuổi hoạt động quốc tế, nhận được các giải thưởng tân binh lớn trong nước, tham dự sự kiện âm nhạc quốc tế. Cô cũng đã nhận tháng lương đầu lên tới hàng chục triệu won.
Vụ việc đang gây xáo động showbiz Hàn lúc này cũng vướng vào vấn đề tương tự nhưng ở quy mô lớn hơn. HYBE - tập đoàn đứng đằng sau BTS - phát hiện ban lãnh đạo công ty con Ador, bao gồm CEO Min Hee Jin, có âm mưu chiếm quyền quản lý để trở nên độc lập. HYBE đang nắm giữ 80% cổ phần Ador, trong khi Min giữ 18%. Phía HYBE yêu cầu Min Hee Jin rời ghế giám đốc.
Đáp trả, Min Hee Jin tố công ty con Belift Lab (thuộc HYBE) cố tình đạo nhái NewJeans tạo ra nhóm nhạc “em gái” ILLIT. Chủ tịch HYBE - Bang Si Hyuk - nhúng tay sản xuất nhưng làm ngơ. CEO Min không chấp nhận việc đứa con tinh thần của mình là NewJeans bị lợi dụng PR cho nhóm nhạc nữ mới.
Trong nhiều cuộc phỏng vấn trước đây, khán giả phát hiện Min Hee Jin cố tình phủi bỏ công sức của HYBE, chỉ nhắc đến sự tồn tại của Ador trong sự thành công của NewJeans. Tuy nhiên công chúng đều biết Ador nhận vốn từ HYBE, Min Hee Jin được tập đoàn ưu ái toàn quyền tự quyết ngay từ ngày đầu thành lập.
Cộng đồng mạng bàn luận về tranh cãi, nhiều người chỉ trích Ador “ăn cháo đá bát”, có ý định “tạo phản” ngay khi NewJeans vừa phất lên. Một số bằng chứng được truyền thông Hàn chỉ ra như Min Hee Jin tạo dư luận xấu cho các nghệ sĩ HYBE, tiết lộ thông tin mật của tập đoàn… Trong khi đó NewJeans là nhóm nhạc nhận được nhiều tài nguyên tốt từ ngày đầu ra mắt, mỗi thành viên đều trở thành đại sứ thương hiệu nhãn hàng xa xỉ dù chưa từng tiếp xúc.
Theo Edaily , năm 2023, NewJeans nhận được số tiền 26,1 tỷ won (18,9 triệu USD), mỗi thành viên nhận khoảng 5,2 tỷ won (gần 3,8 triệu USD). Trong trường hợp NewJeans dứt áo ra đi theo Min Hee Jin, rời HYBE, nhóm phải đền bù hợp đồng lên tới 210 tỷ won (152 triệu USD).