Rối loạn sinh lý vì... trà sữa trân châu

Theo phunutoday,
Chia sẻ

Cùng với thạch rau câu, nước uống, trà sữa trân Trâu Đài Loan đang bị tình nghi có thể gây giảm khả năng sinh dục nam, rối loạn dậy thì ở nữ giới.

Trà sữa trân châu Đài Loan, chè giải khát tràn ngập Hà Nội
 
Một buổi sáng dạo qua các con đường ở Hà Nội trong những ngày nắng nóng của mùa hè không thể đếm hết được có bao nhiêu quán trà sữa, bao nhiêu quán chè.

Học sinh, sinh viên là những người tiêu thụ trà sữa
 trân châu nhiều nhất.

Mới 8h sáng, học sinh đã nghỉ hè, sinh viên cũng đang chuẩn bị về quê nhưng các quán trà sữa trân châu mang mác "Trà sữa Đài Loan" ngụ trước cổng các trường đại học hay các trường cấp 2, cấp 3... đã kín chỗ.
 
Ghé vào một quán bày biện "khá teen" nằm trên đường Trần Đại Nghĩa, chúng tôi được chị chủ quán đon đả mang menu ra chào mời."Có rất nhiều loại trà sữa cho em lựa chọn. Trang đầu tiên là một số loại trà sữa mới có, như trà sữa hương táo xanh, trà sữa khoai môn... Nếu không thì em có thể chọn trà sữa trân châu cũng có rất nhiều vị..."

Tôi hỏi chị chủ quán, loại trà sữa này có xuất xứ từ đâu, thì chị đáp: "Trà sữa trân châu nhà chị là của Đài Loan chính gốc đấy, nhập từ Đài Loan xịn, chứ không phải treo đầu dê, bán thịt chó đâu, em cứ xem đi, rồi thích uống loại nào gọi chị nhé". Nói rồi chị bán hàng lại tất tả chạy sang bàn khác để phục vụ.

Lướt qua quyển menu, chúng tôi thấy có hơn 50 loại trà sữa được giới thiệu, đủ các hương vị trái cây, còn trà sữa trân châu thì cũng không thiếu loại nào. Nhìn qua chỗ chế biến, tưởng rằng chỉ có một loại trân châu màu đen, ai ngờ hàng loạt các loại trân châu đủ màu sắc: xanh, đỏ, tím, vàng... được bày biện trên các đĩa thuỷ tinh trông vô cùng bắt mắt.
 
Không gian quán chỉ tầm 20m2 nhưng bày đến hơn chục bàn, mà bàn nào cũng kín. Khách của quán cũng đủ các lứa tuổi, nhưng phần nhiều là học sinh cấp 3 và sinh viên đại học.

Ngồi một hồi, không biết gọi đồ uống gì, chúng tôi đành hỏi nước chanh. Chị chủ quán tròn mắt ngạc nhiên, nhưng vẫn vui vẻ gật đầu, rồi đi pha nước chanh cho chúng tôi. Đám học trò cũng nhìn chúng tôi như "vật thể lạ", có lẽ vì vào quán trà sữa mà lại gọi nước chanh...
 

Các quán trà sữa trân châu Đài Loan xuất hiện khắp
 các đường phố Hà Nội.

Tiếp tục đi trên con phố ấy, cứ cách vài mét là lại thấy có quán treo biển "trà sữa trân châu Đài Loan", thậm chí có quán vỉ hè, chỉ vẻn vẹn vài m2 cũng cố để tấm biển với dòng chữ ngoằn ngoèo: "trà sữa trân châu Đài Loan"...

Rẽ vào một con phố nhỏ gần trường tiểu học Đền Lừ, không có những quán trà sữa trân châu Đài Loan, nhưng lại có những gánh chè bán rong hay những quán chè bán nơi vỉ hè. Tầm 10h sáng nhưng đã thấy các bậc phụ huynh đi chợ, dẫn theo con nhỏ tiện đường ghé vào ăn cốc chè cho đỡ nóng.
 
Gánh chè rong, loại đồ ăn đường phố được
 nhiều gia đình ưa thích.

Sáng thứ 7 nên khá đông người. Cũng vẫn các loại chè mang thương hiệu Việt Nam: chè đỗ đen, đỗ xanh, đỗ đỏ, thạch đen, thập cẩm... cũng đủ màu, đủ mùi. Trẻ con 4-5 tuổi có, học sinh cỡ lớp 5, lớp 6 có, sinh viên có, các bậc phụ huynh hay các ông, bà cao tuổi cũng thấy ghé quán ăn cốc chè. Không ai để tâm xem cốc chè ấy có gì, được chế biến thế nào mà chỉ vừa ăn, vừa kêu "nóng quá"...

Nguy cơ các loại trà sữa, chè giải khát đều có DEHP

Thời gian gần đây, những thông tin về các loại rau câu, nước giải khát của Đài Loan có chứa DEHP đang được cả thế giới quan tâm và khiến nhiều người lo ngại. Việt Nam là một trong những thị trường lớn của Đài Loan, đặc biệt là các loại nước giải khát, thạch, trà sữa trân châu được xuất khẩu sang Việt Nam rất nhiều.
 
Chỉ mới gia nhập vào Việt Nam vài năm, nhưng sức thu hút của trà sữa trân châu là khá lớn, đặc biệt là giới trẻ. Tính cho đến thời điểm đầu năm 2011, trên toàn Hà Nội đã có hàng trăm cơ sở bán trà sữa trân châu với cái mác "trà sữa trân châu Đài Loan".
 
Các biển hiệu quảng cáo xuất hiện ở nhiều nơi trên phố.
 
Mặc dù trong những ngày vừa qua, Cục vệ sinh an toàn thực phẩm đã đưa ra nhiều thông báo cho thấy không có việc nhập khẩu các loại nước giải khát, các chất tạo đục chứa DEHP... từ Đài Loan sang Việt Nam. Nhưng với vụ bê bối của công ty Dục Thân (Đài loan) sử dụng hóa chất độc hại DEHP (Di-ethylHexyl phthalate) trong sản xuất chất phụ gia tạo đục (Clouding Agent) bị phát hiện hơn tuần qua tại Đài loan đã có ảnh hưởng xấu tới các nước khu vực và thế giới, và Việt Nam cũng cần phải đề phòng.

Chất tạo đục chứa DEHP được dùng thay cho dầu cọ để chế tạo một loại phụ gia có chức năng tạo đục cho đồ uống để thực phẩm đặc, dính kết và đẹp mắt hơn. Từ đặc tính này có thể nhận thấy,việc làm trà sữa trân châu, trà sữa thông thường hay các loại chè đỗ đen, đỗ xanh... không riêng gì ở Đài Loan, Việt Nam hay nhiều nước khác trên thế giới đều phải sử dụng đến các loại chất kết dính và chất tạo đục, từ đó nguy cơ sử dụng chất tạo đục có chứa DEHP trong chế biến thực phẩm là rất cao.

Dù chưa có một kết luận chính thức nào cho thấy trà sữa trân châu Đài Loan hay các loại chè (chè đỗ đen, đỗ xanh, thập cẩm...) đang được bày bán ở Việt Nam hiện nay có sử dụng chất tạo đục chứa DEHP. Nhưng việc cảnh giác với các loại nước giải khát, thực phẩm có xuất xứ từ Đài Loan (nhất là các loại nước uống, thực phẩm có sử dụng chất kết dính và tạo đục) là điều cần thiết hiện nay.

Không những vậy, đối với các loại chè đang được bán ở vỉa hè, những gánh hàng rong hay thậm chí trong các quán sang trọng, các bậc phụ huynh, học sinh, sinh viên và các em nhỏ cũng cần phải cảnh giác vì khả năng các loại chất tạo đục chứa DEHP vẫn được bán trên thị trường và được nhiều người sử dụng trong khi chế biến.
Chia sẻ