Rộ "mốt" nhà giàu đẻ thêm con trai … dự phòng

Theo VnMedia,
Chia sẻ

Nếu trước đây người nghèo hay đẻ nhiều con thì hiện nay lại có xu hướng nhiều gia đình có thu nhập cao, có của ăn của để lại muốn có thêm con.

Có những gia đình sinh đến 5 con chỉ để cố có con trai. Có những gia đình có đủ cả trai cả gái vẫn sinh thêm con để dự phòng.
 
Đẻ thêm con trai để… dự phòng

Đến với những địa bàn trọng điểm về mất cân bằng giới tính tại Hà Nội mới thấy một thực tế, mọi nỗ lực của công tác dân số chưa thể xóa được tư tưởng trọng nam khinh nữ và nỗi khát con trai của người dân.

Gia đình anh Nguyễn Văn P. (xã Hồng Vân, huyện Thường Tín) đã có một một cậu con trai và một cô con gái. Các con anh đã lớn, kinh tế gia đình lại khá giả nên anh chị quyết định sinh thêm con với lí do “để cho có anh có em”. Biết chị có thai, cán bộ dân số đã nhiều lần đến tận nhà vận động anh chị nên thực hiện KHHGĐ nhưng anh P. tỏ thái độ rất khó chịu và kiên quyết bất hợp tác.
 
Anh bảo: “Gia đình tôi sinh thêm con có ảnh hưởng gì đến ai đâu. Con tôi, tôi nuôi. Ngày xưa bố mẹ tôi chỉ sinh có hai anh em nên giờ mọi việc trong gia đình, họ hàng đều đổ lên đầu tôi. Vì thế tôi phải cố sinh thêm thằng con trai để sau này chúng nó có anh có em, cùng nhau chia sẻ, gánh vác gia đình”.
 
Còn trường hợp gia đình anh Nguyễn Ngọc H. (xã Liêm Xuyên, Thường Tín) dù đã có đã có hai con đủ cả trai lẫn gái nhưng kinh tế gia đình khá giả, tiền nong đầu tư mua mấy mảnh đất mà chỉ có mỗi mống con trai nên phải cố sinh thêm thằng “cò”. Biết chị muốn sinh thêm con thứ ba, cán bộ dân số đến vận động, chị bảo: “Bây giờ tai nạn giao thông rồi tệ nạn xã hội nhiều, chỉ có mỗi thằng con trai nhỡ nó có xảy ra điều gì rủi ro thì đất đai, tài sản của bố mẹ để cho ai”. Nghĩ vậy nên bất chấp mình đang là một đảng viên, anh chị H. quyết tâm sinh thêm con thứ ba.
 

Có những gia đình có đủ cả trai cả gái vẫn sinh thêm con.
 
Cũng ở xã Liêm Xuyên, gia đình anh Nguyễn Văn T. sinh 3 lần với 3 cô con gái. Mặc dù các con đã lớn nhưng gia đình anh vẫn ấp ủ khát khao đẻ được thằng cu. Dù cộng tác viên dân số nhiều lần tiếp cận, vận động nhưng đến nay vợ anh đã mang thai tháng thứ 5. Khi mang thai được 13 tuần, vợ anh đi siêu âm, bác sĩ cho biết đó là con trai nên anh chị phấn khởi vô cùng, khoe khắp làng khắp xóm.

Chính nỗi khát con trai như gia đình anh H, anh T đã khiến xã Liêm Xuyên trở thành xã đứng đầu toàn huyện về tỉ lệ sinh con thứ 3 và mất cân bằng giới tính cao. Trong 6 tháng đầu năm 2011, toàn xã có 38 trẻ được sinh ra thì có 5 trẻ là con thứ ba trở lên, có 14 trẻ nữ và 24 trẻ nam. Một điều đặc biệt là 100% trẻ sinh ra là con thứ ba trở lên đều là con trai.

Theo thống kê của Trung tâm dân số huyện Thường tín, Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2011, số trẻ sinh ra là con thứ trở lên của huyện tăng 11 trẻ (xấp xỉ 10%) so với cùng kì năm 2011. Tỉ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh năm 2010 là 117 trẻ nam/ 100 trẻ nữ nhưng đến 6 tháng đầu năm nay, tỉ số giới tính khi sinh đã tăng vọt lên 127/100.

Lãnh đạo còn nói "dân số thì có cái gì..."

Trước tình trạng mất cân bằng giới tính ngày càng nghiêm trọng, ngành dân số huyện Thường Tín đã tập trung nhiều biện pháp quyết liệt để tuyên truyền, vận động. Thế nhưng, theo bà Bùi Thị Bích Phượng, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Thường Tín, vấn đề không phải là trình độ dân trí thấp, không phải là người dân không có nhận thức, không hiểu biết mà bởi vì tư tưởng phong kiến trọng nam khinh nữ, nhiều con nhiều của vẫn tiềm ẩn rất lớn trong nhân dân.

Bên cạnh đó, nếu trước đây người nghèo hay đẻ nhiều con thì hiện nay lại có xu hướng nhiều gia đình có thu nhập cao, có của ăn của để lại muốn có thêm con. Có những gia đình sinh đến 5 con chỉ để cố có con trai. Có những gia đình có đủ cả trai cả gái vẫn sinh thêm con để dự phòng.

Kinh nghiệm cho thấy, để công tác DS-KHHGĐ đạt hiệu quả thực sự thì cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các ban, ngành đoàn thể. Chị Nguyễn Thị Hồng, cán bộ chuyên trách xã Hồng Vân- một địa phương làm tốt nhất công tác dân số của huyện Thường Tín cho biết: Mỗi đợt tuyên truyền,vận động về DS-KHHGĐ trên địa bàn xã thì ngay cả trưởng thôn đến cán bộ xã cũng phải tham gia. Tuy nhiên, ở Thường Tín hiện nay chính quyền nhiều địa phương còn khá thờ ơ với công tác dân số, thậm chí “khoán trắng” cho ngành dân số.

Bà Bùi Thị Bích Phượng chia sẻ, có những đợt tổ chức chiến dịch vận động tuyên truyền về dân số, có vị là lãnh đạo chính quyền còn nói: “Dân số thì có cái gì mà suốt ngày tuyên truyền, vận động”. Đây là một trong những “rào cản” khiến cho công tác dân số của huyện còn nhiều gian nan, thách thức như vậy.

Tuy nhiên, theo bà Phượng, vấn đề cơ bản hiện nay chính là do các cơ quan chức năng vẫn buông lỏng việc quản lí các hình thức lựa chọn giới tín thai nhi. Dù đã có quy định cấm xác định giới tính thai nhi song thực tế cho thấy, hầu hết các trường hợp sinh con thứ ba trở lên đều là con trai bởi họ đã có sự lựa chọn giới tính bằng các biện pháp như siêu âm, lọc trứng…
 
Cán bộ dân số thì chỉ có chức năng tuyên truyền, vận động người dân và nếu có phát hiện trường hợp nào cũng không được quyền xử phạt mà chỉ báo cáo, kiến nghị đến các cơ quan chức năng. Thế nhưng việc quản lí các hoạt động này đến nay chưa có hiệu quả.
 
Ông Bùi Tiến Trung, giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Quốc Oai cũng cho biết: Năm 2010, tỉ số giới tính khi sinh của huyện là 108/100 nhưng chỉ trong 6 tháng đầu năm 2011, tỉ lệ chệnh lệch giớii tính đã lên đến 133/100. Điều đáng nói là tình trạng sinh con thứ ba trở lên còn cao và những trẻ sinh ra là con thứ ba gần như 100% là con trai. Chính việc người dân lựa chọn giới tính thai nhi để đẻ con trai mới dẫn đến tình trạng mất cân bằng nghiêm trọng như vậy.

Nhiều người dân quan niệm có sinh thêm một đứa con trai nữa cũng có  ảnh hưởng gì đến ai đâu và tư tưởng phong kiến ăn sâu vào thói quen, nếp nghĩ của người dân thì không thể thay đổi trong một sớm một chiều. Vì vậy, nếu các cơ quan chức năng không có các biện pháp siết chặt quản lí việc lựa chọn giới tính thai nhi thì sẽ đẩy Việt Nam rơi vào tình trạng nhập khẩu cô dâu. Đồng thời kéo theo những hệ lụy không nhỏ tác động đến sự phát triển bền vững về kinh tế- xã hội của đất nước.

Cơ hội trổ tài cho các bạn nấu ăn ngon chụp ảnh đẹp đây: click vào GIA ĐÌNH KHEN NGON để xem thể lệ dự thi và xuýt xoa với giải thưởng nào!!!

Chia sẻ