"Râu ông nọ cắm cằm bà kia" tại bảng chú thích Hồ Văn (Văn Miếu)
Trong tấm biển chú thích tại Hồ Văn (Văn Miếu) có 2 bức ảnh đen trắng được chụp từ đầu thế kỉ 20 và cả hai đều được chú thích là Hồ Văn.
Gần đây, khu Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã tiến hành cải tạo và sửa sang một số hạng mục. Trong số đó, có việc đặt các bảng chú thích cho các hạng mục của di tích. Công việc này nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ Australia.
Bảng chú thích của Hồ Văn được đặt ven hồ và được viết bằng 3 thứ tiếng Việt, Anh và Pháp. Trong tấm biển này có 2 bức ảnh đen trắng được chụp từ đầu thế kỉ 20 và cả hai đều được chú thích là Hồ Văn.
Bức ảnh thứ nhất được chú thích là "Hồ Văn nhìn từ cổng Văn Miếu, đầu thế kỉ 20". Đây là chú thích đúng. Trong bức ảnh này, có thể thấy Hồ Văn đầu thế kỉ trước còn rất rộng, sát đến đường Quốc Tử Giám hiện tại. Ngoài ra, trong ảnh cũng thấy cả nghi môn của Văn Miếu và gò Kim Châu ở phía xa.
Bức ảnh thứ hai ở phía bên phải, có kích cỡ nhỏ hơn, được chú thích như sau: "Người dân dùng thuyền sang đảo Kim Chau islet năm 1950". Tạm bỏ qua những sai sót về chính tả và sự cẩu thả khi "để lọt" một tiếng Anh (islet) vào trong chú thích tiếng Việt, điều đáng nói là bức ảnh này không phải là của hồ Văn.
Chỉ cần sống ở Hà Nội trong một thời gian nhất định và để ý quan sát một chút cũng có thể thấy bức ảnh thứ hai này là hình của đền Quán Thánh (Trấn Vũ quán). Không gian mặt nước với người đi thuyền phía trước là hồ Tây, chứ không phải Hồ Văn.
Kiến trúc đặc trưng của đền Quán Thánh trong bức ảnh vẫn còn được lưu giữ cho đến hiện nay. Thêm nữa, mặc dù hơi mờ nhưng cũng không khó để nhận ra ba chữ Hán "Chân Vũ Quán", tức là tên của đền Quán Thánh được đặt từ thời vua Minh Mạng.
Như vậy, bức ảnh được trích nguồn từ "Thư viện Quốc gia Pháp" này và lời chú thích đã bị đặt nhầm địa chỉ và rõ ràng là "râu ông nọ cắm cằm bà kia". Những sai sót kiểu này tại một di tích có vị trí đặc biệt quan trọng của quốc gia là một điều đáng tiếc và cần phải được khắc phục ngay lập tức.
(Viện Ngôn ngữ học, 9 Kim Mã Thượng, Ba Đình, Hà Nội.)