Rau muống kết hợp cùng chanh hay sấu tốt cho sức khỏe hơn? Lý giải bất ngờ từ chuyên gia
Khi luộc rau muống có người vắt chanh tạo vị, nhưng có người lại cho sấu luộc cùng rồi dùng nước. Vậy vắt chanh hay luộc cùng sấu mới tốt và mang lại lợi ích cho sức khỏe.
Mùa hè nên ăn sấu sẽ tốt hơn
Khi mùa hè đến, rất nhiều gia đình sử dụng rau muống để chế biến thành các món ăn trong mâm cơm gia đình. Thực tế, rau muống có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe, không chỉ cung cấp các vitamin và khoáng chất, mà còn có lượng chất xơ rất dồi dào. Ngoài ra, rau muống luộc cũng là món ăn giúp cơ thể thanh mát, giải nhiệt trong những ngày hè nắng nóng.
Với món rau muống luộc, nhất là trong mùa hè đa số các gia đình kết hợp luộc cùng quả sấu xanh hoặc vắt thêm nước cốt chanh vào nước để tạo vị chua thanh mát. Vậy việc lựa chọn quả xấu hay nước cốt chanh mới đem lại lợi ích cho sức khỏe, những lý giải của chuyên gia khiến nhiều người khá bất ngờ.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – Chuyên gia về công nghệ thực phẩm cho biết, việc dùng chanh hay sấu kết hợp cùng nước rau muống luộc đều được, không gây hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, khi dùng chỉ cho với lượng vừa đủ, dùng với lượng vừa đủ sẽ tốt cho sức khỏe. Vì cả hai loại quả này đều có vị chua, tính a xít cao, dù là a xít hữu cơ nhưng nếu dùng quá nhiều sẽ không tốt cho hệ tiêu hóa.
“Rất khó để đưa ra lời khuyên nên dùng loại quả nào, vì điều này phụ thuộc vào sở thích, khẩu vị của mỗi người. Có người thích và cảm thấy ngon khi dùng chanh, nhưng có người lại chỉ thích dùng quả sấu. Với tôi trong mùa hè tôi ưu tiên dùng sấu hơn, vì đang đúng mùa sấu, mà khoa học đã chứng mình rau quả, thực phẩm nào ăn đúng mùa vẫn tốt hơn là trái mùa”, PGS Thịnh chia sẻ.
Nhà khoa học, lương y Bùi Đắc Sáng (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, cả chanh và sấu đều là những quả có vị chua, ngoài mục đích giúp mọi người ăn ngon miệng hơn, sự kết hợp này còn có giá trị về mặt sức khỏe.
Cụ thể, rau muống có rất nhiều và dễ thu hái hoặc mua ngoài chợ. Trong đông y loại rau này vị ngọt, tính hơi lạnh đi vào các kinh tâm, can, tiểu trường, đại trường. Trong mùa hè, loại rau này được nhiều gia đình yêu thích vì có tính giải nhiệt rất tốt.
Trong khi quả sấu có vị chua, hơi chát, khi chín sẽ có vị chua, ngọt, tính mát có công năng kiện vị sinh tân, tiêu thực chỉ khát, chỉ ho, tiêu đờm. Sấu có thể hỗ trợ điều trị được nhiều bệnh thường gặp như nhiệt miệng khô khát, ngứa cổ, đau họng, phụ nữ bị nôn do thai nghén, lở ngứa… Khi kết hợp giữa sấu vào rau muống ngoài là món ăn ngon, thì nó còn giúp thanh nhiệt, giải độc và kích thích tiêu hóa rất tốt trong mùa hè.
Còn đối với quả chanh cũng được nhiều gia đình kết hợp với nước luộc rau muống, nó có tác dụng cũng gần tương tự như quả sấu như thanh nhiệt, kích thích tiêu hóa. Tuy nhiên, hai sự kết hợp này lại cho ra vị chua khác nhau. “Với nước chanh khi vắt vào rau muống hoặc nước rau muống luộc thì cầu kỳ hơn. Đó là phải chọn thời điểm vắt thích hợp, chỉ nên vắt khi nước rau đã nguội, nếu vắt khi còn nóng sẽ tạo nên vị đắng khó ăn”, lương y Đắc Sáng chia sẻ.
Dưới góc nhìn khoa học, các chuyên gia đều khuyên người dân nên lựa chọn sấu kết hợp với rau muống vào mùa hè. Bởi mùa hè đang là mùa sấu tươi, ăn sẽ có nhiều chất hơn là sấu bảo quản tủ lạnh, hơn nữa rau muống mùa hè cũng đang vào vụ vì thế sẽ tăng độ ngon hơn. Còn với chanh thì có thể sử dụng được quanh năm.
Nước chanh không phải là phép thử hóa chất
Trên nhiều trang mạng xã hội xuất hiện thông tin, dùng nước chanh vắt vào nước rau muống để biết được rau có tồn dư hóa chất hay không? Về điều này, PGS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng đó là thông tin không có căn cứ khoa học. Chanh không phải là phép thử để xem rau còn tồn dư hóa chất hay không.
Ông Thịnh cho biết, sở dĩ có tin đồn trên là vì nhiều gia đình khi vắt nước cốt chanh vào bát rau muống luộc, nước sẽ đổi màu và sợ có hóa chất nên không dám ăn. “Hiện tượng này hết sức bình thường, người dân không nên hoang mang”, ông Thịnh nói.
Theo phân tích của vị chuyên gia này, bản chất trong các loại rau lá xanh đều có chất diệp lục tố, vì thế khi luộc lên thì nước có màu xanh, nếu luộc nhiều nước sẽ có màu xanh đậm hơn. Chất diệp lục tố này nếu gặp môi trường a xít nó sẽ lập tức chuyển màu. Sự chuyển màu này là phản ứng hết sức bình thường, không phải là cách nhận biết hóa chất.
Để luộc rau muống được xanh, giòn PGS Thịnh khuyên khi luộc cần cho rau ngập nước, cho ít nước rau sẽ bị thâm đen. Trong quá trình luộc rau nên để đúng độ chín vừa tới thì vớt, vì luộc chưa chín kỹ rau muống vẫn còn nhựa sẽ bị thâm đen, mà luộc kỹ quá rau muống luộc xong sẽ bị màu vàng úa, nát. Muốn tạo vị chua cho nước luộc, tốt nhất nên vớt rau ra rồi mới cho sấu vào, như vậy rau sẽ giữ được màu xanh.