Rác thải phố đi bộ HN: Mỗi công nhân gom 4 tấn rác một đêm
"Sau 3 ngày cao điểm ấy đến giờ là gần 1 tuần rồi mà tôi vẫn ê ẩm khắp cả người”, một công nhân nói.
Dịp lễ, tết, công nhân vệ sinh môi trường thường vất vả hơn rất nhiều khi ca làm việc có thể kéo dài liên tục đến 12 tiếng/ngày.
Dọn rác một đêm, ê ẩm cả tuần
Thời gian qua, UBND Tp Hà Nội đã khai trương tuyến phố đi bộ dọc khu vực hồ Hoàn Kiếm và khu vực lân cận, bên cạnh việc phát triển tuyến phố đi bộ thành một nét văn hóa độc đáo của Thủ đô thì cũng có những hành động vô ý thức của du khách như xả rác bừa bãi khiến tuyến phố trở nên nhếch nhác, bẩn thỉu.
Hành động này của du khách còn khiến lực lượng công nhân viên công ty Vệ sinh môi trường vô cùng vất vả khi phải liên tục dọn dẹp một số lượng lớn rác thải của du khách xả ra.
Tâm sự về nỗi vất vả của nghề quét rác, chị Nguyễn Thị Kim Hiếu (công nhân Xí nghiệp Môi trường Đô thị số 2) quệt mồ hôi đang chảy trên trán nhớ lại: “Tổ dọn vệ sinh của tôi được phân công phụ trách đoạn đường xung quanh hồ Hoàn Kiếm, đặc biệt là khu vực kem Thủy Tạ, tượng đài cảm tử, tượng đài Lý Thái Tổ và đầu đường Hàng Khay nơi tập trung nhiều du khách nhất. Cao điểm nhất phải kể đến đêm 2/9, dù đã huy động tới 50 người cho ca làm đêm hôm đó nhưng anh chị em cũng phải dọn tới 4 giờ sáng hôm sau mới tạm xong.”
Đêm 2/9, đêm cao điểm khi hàng chục nghìn du khách đổ về phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, lượng rác thải tại các tuyến phố cũng tăng lên gấp nhiều lần.
Công việc ngày thường đã vất vả, thế nhưng mỗi dịp nghỉ lễ hay khi TP tổ chức bắn pháo hoa thì khối lượng công việc lại tăng lên gấp nhiều lần. “Ca làm việc của tôi bình thường từ 16 giờ tới 4 giờ sáng ngày hôm sau và thường chia thành 3 kíp trực luân phiên làm việc, tuy nhiên trong dịp 3 ngày cuối tuần vừa qua, toàn bộ công nhân viên của xí nghiệp phải làm việc 100% với cường độ 12 tiếng liên tục. Sau 3 ngày cao điểm ấy đến giờ là gần 1 tuần rồi mà tôi vẫn ê ẩm khắp cả người.” Chị Hiếu chia sẻ.
Dù nắng hay mưa, ngày lễ tết hay ngày thường thì những người công nhân vệ sinh môi trường vẫn miệt mài với công việc làm sạch đường phố.
Trao đổi với PV, một cán bộ của Xí nghiệp môi trường Đô thị số 2 cho biết: “Trung bình mỗi tối chỉ tính riêng tuyến phố đi bộ xí nghiệp đã thu gom được khoảng 220 tấn rác thải sinh hoạt, gấp 5 tới 6 lần ngày thường. Tính ra mỗi công nhân đêm đó phải thu gom từ 4 tới 4,5 tấn rác/đêm. Một khối lượng công việc vô cùng nặng nề."
Bị dọa đánh vì quét rác trên vỉa hè
Dù phải làm việc cả ngày lễ tết, thậm chí công việc với khối lượng còn nặng nề hơn cả ngày thường, thế nhưng một bộ phận không nhỏ người dân thiếu ý thức lại cho rằng xả rác ra đường là tạo thêm việc làm cho lao công, hay thậm chí sẵn sàng dọa đánh chỉ vì dám quét rác gần nơi họ đang ngồi.
25 năm gắn bó với nghề lao công quét rác là 25 năm chị Hiếu không biết đến không khí giao thừa, lễ tết ở nhà: “Những dịp lễ, tết xí nghiệp đều huy động 100% cán bộ công nhân viên ứng trực làm nhiệm vụ nên đôi lúc thấy người ta đưa cả gia đình đi chơi mình lúc cũng thấy chạnh lòng nhưng mãi rồi cũng quen. Bây giờ buồn nhất là lúc nhắc nhở người dân không vứt rác ra đường thì còn bị người ta quay lại mắng là đồ lười biếng, không vứt rác thì các cô lấy việc gì mà làm.”
Không những bị những người vô ý thức mắng mà thậm chí còn bị cả dọa đánh chỉ vì… quét rác trên vỉa hè, chị Hồ Thị Kim Thu (công nhân Xí nghiệp Môi trường Đô thị số 2) chạnh lòng kể lại: “Chiều ngày 1/9, trong lúc đang dọn rác ở khu vực sát bờ hồ - đối diện Hàng Khay, tôi còn bị một nam thanh niên dọa đánh, chửi bới chỉ vì quét rác dưới gầm ghế chỗ anh ta đang ngồi chơi, chụp ảnh cùng bạn bè. Mình ức lắm nhưng cũng chẳng làm gì được nên cũng đành thôi.”
Công nhân vệ sinh môi trường phải làm việc liên tục nhưng cũng không dọn xuể số rác khổng lồ mà những du khách vô ý thức bỏ lại.
“Công việc vất vả, phải tăng ca, tăng giờ làm trong ngày lễ, tết thì chúng tôi vốn đã quen nhiều năm nay rồi, miễn sao nhìn thấy đường phố được sạch sẽ là chúng tôi yên tâm. Chúng tôi hy vọng người dân có nhận thức cao hơn về việc bảo vệ môi trường, không xả rác bừa bãi nữa. Chỉ cần mỗi người dân tự giác thì cả tuyến đường sẽ luôn sạch sẽ dù lao công chưa kịp tới dọn.” chị Thu tâm sự.
“Tôi nhớ mãi hình ảnh tối 2/9 trong lúc đang quét rác ở gần kem Thủy Tạ thì có mấy đứa trẻ con chừng 5, 6 tuổi cũng mang túi nilon ra nhặt giúp chúng tôi túi nilon, que kem hay chai nhựa do người lớn vứt ra. Tôi thấy nhiều người lớn bây giờ ý thức còn không bằng cả trẻ con. Nếu người lớn nào ũng ý thức được như mấy đứa nhỏ đó thì thì mọi người đều được cùng nhau tận hưởng niềm vui trọn vẹn, vui chơi trên những con phố xanh - sạch - đẹp rồi.” Chị Hiếu hồ hởi nhớ lại.