Rắc rối chuyện chồng có thư ký riêng
Thấy sếp bảo sẽ cho tuyển một thư ký riêng, anh Hưng chưa kịp mừng vì công việc sắp nhẹ bớt đã méo mặt: Sẽ "trình bày" với vợ thế nào đây?
“Để em giới thiệu người cho anh”
Sự gần gũi giữa chồng và cô thư ký khiến nhiều bà vợ lo lắng. Ảnh: Corbis.
Anh Hoàng Linh, 39 tuổi, giám đốc một công ty ở Hà Nội, cũng mệt mỏi vì chuyện thư ký. Chị Lệ, vợ anh, biết rằng ngăn chồng tuyển người là vô lý, lại cũng sợ mang tiếng ghen tuông nên không phản đối, chỉ nói: “Để em giới thiệu người cho anh, em biết nhiều nhân vật rất phù hợp”. Rồi Lệ liên tục đề cử hết anh em họ hàng đến bạn bè thân thiết. “Người thân mới đáng tin cậy anh ạ, vả lại đây cũng là dịp giúp người ta có việc làm”, chị thủ thỉ.
Đến tận cơ quan để giám sát
Còn anh Hoan, đứng đầu một doanh nghiệp nhà nước đóng tại quận Đống Đa, Hà Nội, phát ngượng vì những chuyến thăm thường xuyên của vợ. Anh biết rõ sau lưng mình, đám nhân viên vẫn cười cợt với nhau bởi sự thăm nom thường xuyên này chỉ diễn ra sau khi anh chàng trợ lý cũ thôi việc và thay vào đó là một cô gái xinh đẹp. Nếu như trước đó chị không bao giờ đến văn phòng hay tham gia các cuộc đi chơi với cơ quan chồng thì nay, không cuộc nào vắng mặt chị, kể cả những buổi liên hoan vốn chỉ dành cho người trong cơ quan. Vợ Hoan bắt quen với các nữ nhân viên, hỏi dò họ về cô thư ký và những bóng hồng khác.
“Đến phát ngượng vì vợ, nhưng bảo đừng đến nữa thì bà ấy sẽ suy luận ngay là chồng có vấn đề", Hoan than thở. Anh đành tự an ủi rằng, phiền toái mình gặp phải vẫn là ít so với một số ông bị vợ đến đánh ghen ầm ĩ ở cơ quan chỉ vì nghi bồ bịch với các "chân dài" ở đây.
Các ông chồng muốn vợ hiểu rằng, có thư ký riêng chỉ là yêu cầu công việc, rằng không phải sếp với thư ký nào cũng “léng phéng” với nhau, rằng không nhận người quen của vợ vào vị trí này vì họ không đủ tiêu chuẩn. Nhưng cũng có những lý do các ông không muốn nói với bà xã. “Thư ký riêng mà là bạn thân hay chị em của vợ thì thật là tai họa, chẳng khác gì có nội gián. Cho dù không làm gì tội lỗi thì việc bị mách những chuyện vặt vãnh cũng đủ chết rồi, mất hết cả tự do. Nói dối bận họp hành để đi uống bia cũng đã khó”, Hoàng Linh nói.
Còn các bà vợ cũng có lý của mình khi lo lắng về các bóng hồng ở cơ quan: “Chuyện sếp với nhân viên cặp bồ vẫn đầy ra đấy chứ có phải tưởng tượng đâu. Ngay cả báo đài cũng khuyên đừng tin chồng một cách mù quáng”, chị Lệ lý sự.
Vẫn để mắt, nhưng nên tế nhị
Nỗi lo ấy cũng được chuyên gia tâm lý Trần Thị Hồng Hà, Trung tâm tư vấn Tình yêu, hôn nhân và gia đình, chia sẻ: “Các bà vợ không yên tâm cũng đúng, vì điều họ lo lắng đã xảy ra rất nhiều. Các cô thư ký thường xinh đẹp, năng động, do công việc nên rất gần gũi với sếp và dễ nảy sinh tình cảm, chưa kể chuyện cố ý lợi dụng nhau”. Tuy nhiên, chị em cũng không nên kiểm soát chồng một cách quá lộ liễu. Nên bày tỏ sự tin tưởng với chồng để anh ta có trách nhiệm với lòng tin đó của vợ, và bộc lộ một cách tế nhị rằng mình cũng có "để mắt" đến anh.
“Nếu là công ty gia đình, người vợ nên thỉnh thoảng xuất hiện ở đó, bởi họ có lý do tự nhiên cho sự có mặt của mình”, chuyên gia Hồng Hà khuyên. Việc người vợ đến công ty hỏi han hoặc tham gia việc nọ việc kia không chỉ giúp quan sát những biểu hiện bất thường (nếu có) mà còn như một “lời cảnh báo” nếu ai đó có ý định đen tối.
Nhưng nếu công ty không phải của gia đình, việc đến “thăm” kiểu này sẽ gây ấn tượng không hay. Bà vợ có thể xuất hiện theo cách khác, chẳng hạn thỉnh thoảng đến rủ chồng đi ăn trưa, vừa thắt chặt tình cảm vừa cho “ai đó” thấy sự tồn tại của mình trong trái tim chồng. Những cuộc vui của cơ quan chồng nếu có tổ chức cho người nhà, bà vợ cũng nên có mặt. “Tuy nhiên, sự xuất hiện này phải thật tự nhiên, không nên để đến lúc nghi ‘có vấn đề’ mới đột ngột tăng tần suất, sẽ phản tác dụng”, bà Hà nói. Người vợ cũng không nên hỏi dò các đồng nghiệp của chồng một cách lộ liễu, sỗ sàng về quan hệ giữa anh ta với cô gái nào đó.