Ra tay trị gàu
Gàu thật đáng ghét! Nó làm bạn ngứa ngáy, khó chịu và mất tự tin khi diện trang phục tối màu nên bạn luôn muốn nhanh chóng triệt hạ nó.
Thông thường thì tế bào sừng trên da sẽ đổi mới sau 28 ngày, các tế bào sừng này sẽ tróc ra và tạo những vảy nhỏ trắng li ti. Với những người bị gàu thì thời gian đổi mới của tế bào sừng bị rút ngắn lại, vảy rớt nhiều, lấm tấm trên tóc hay có thể đóng thành từng mảng vảy lớn hơn, dính vào tóc hoặc rớt trên vai áo.
Về nguyên nhân thì vẫn chưa rõ, tuy nhiên có nhiều yếu tố góp phần tạo gàu như:
• Mối quan hệ giữa lipid và hormone: thường hay gặp ở tuổi thanh thiếu niên và người trẻ. Ngoài ra, người ta còn nhận thấy hormone cũng có ảnh hưởng đến sự phát triển của bệnh, bệnh không chỉ bắt đầu ở tuổi dậy thì mà còn gặp ở nam nhiều hơn ở nữ. Điều này cho thấy có sự ảnh hưởng của androgen lên nang lông tuyến bã.
• Vi nấm:Trước đây loại nấm Malassezia furfur (còn gọi là Pityrosporum ovale) được xem như một nguyên nhân chính gây ra gàu, nhưng ngày nay khoa học tìm thấy loại Malassezia globosa mới là thủ phạm, đây là loại vi nấm thường trú ở da. Vi nấm này tác động làm biến đổi triglyceride ở chất bã thành glycerol và acid béo (oleic acid), acid béo này tác động gây viêm, ngứa và làm tróc vảy da đầu nhanh hơn.
• Các yếu tố khác:miễn dịch, chế độ dinh dưỡng (thiếu kẽm, vitamin nhóm B và một số vitamin thiết yếu), môi trường, lối sống, stress cũng ảnh hưởng đến bệnh. Đôi khi, gàu còn do phản ứng của da đầu với những chất hóa học trong dầu gội đầu, thuốc xịt tóc, thuốc nhuộm tóc, ngay cả thuốc chống gàu (như ketoconazole) có thể tạo phản ứng làm gàu trở nên nặng hơn.
Điều trị
Có nhiều phương pháp trị gàu. Gội đầu nhiều với dầu gội thông thường làm sạch vảy gàu, nếu “thất bại” với dầu gội thông thường cần phải kết hợp với dầu gội có chứa các thành phần sau:
• Zinc pyrithione shampoos (Head & Shoulders, Clear, Pantene…)
• Tar ( Neutrogena T/Gel)
• Dầu gội có chứa salicylic acid (Ionil T)
• Dầu gội có chứa Selenium sulfide (Selsun Blue)
• Dầu gội chứa Ketoconazole (Nizoral)…
Thông thường thì gội hàng ngày bằng dầu gội thông thường và kết hợp với gội một trong số các dầu gội trên 2-3 lần/ tuần. Nếu tình trạng gàu vẫn không bớt sau khi dùng thì tốt nhất là nên đến khám tại bệnh viện hay các bác sĩ chuyên khoa da liễu để có những chỉ định điều trị hợp lý hơn với từng trường hợp cụ thể.
Những phương pháp tự nhiên không dùng hóa chất như xoa bóp, kích thích da đầu cũng có thể giảm gàu.
Bên cạnh đó cần kết hợp với chế độ ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng, lo lắng.
Theo Bác sĩ Huỳnh Huy Hoàng (BV Da Liễu TP.HCM)
Phụ nữ online