Ra khơi mùa biển động: Nhọc nhằn mưu sinh trên đầu ngọn sóng

MINH MINH/VTC NEWS,
Chia sẻ

Dù đang mùa mưa bão, mùa biển động nhưng ngư dân đánh bắt xa bờ tại Phú Yên vẫn chấp nhận rủi ro trên biển, đối mặt với sóng to, gió lớn để vươn khơi bám biển.

Mạo hiểm ra khơi đánh bắt xa bờ

Những ngày đầu tháng 12, Phú Yên đang trong mùa mưa bão và cũng là mùa biển động, thời tiết ngày mưa nhiều hơn ngày nắng, biển gầm gào với những cột sóng cao trùng điệp xô bờ. Với ngư dân bám biển mưu sinh đây cũng là mùa chật vật  nhất.

Mùa biển động, sóng to, gió lớn thường kéo dài gây bất lợi cho ngư dân, thậm chí tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tuy nhiên, tàu nằm bờ đồng nghĩa ngư dân không có thu nhập trang trải cuộc sống. Nỗi lo "cơm, áo, gạo, tiền" hối thúc họ ra khơi chấp nhận đối diện với hiểm nguy.

Tại cảng cá Đông Tác (phường Phú Đông, TP Tuy Hòa), trong màn mưa lất phất, ngư dân Lê Văn Hiến (52 tuổi, chủ phương tiện PY96310-TS) đang tất bật chuẩn bị nhiên liệu, lương thực, ngư cụ cho 6 thuyền viên chuẩn bị vươn khơi bám biển dài ngày.

Ra khơi mùa biển động: Nhọc nhằn mưu sinh trên đầu ngọn sóng - Ảnh 1.

Ông Hiến tất bật chuẩn bị nguyên liệu cho chuyến ra khơi mùa biển động.

Ông Hiến cho biết, mùa biển động thường bắt đầu từ tháng 10 đến tháng 12 âm lịch, cũng là thời điểm giá hải sản cũng cao hơn, nên kích thích ngư dân ra khơi. Vì vậy, bất chấp mưa bão, không chỉ ông Hiển mà nhiều ngư dân vẫn đưa thuyền ra khơi, với hy vọng sẽ thu được những mẻ cá đầy.

Mỗi chuyến ra khơi đánh bắt cá ngừ đại dương của ông Hiển cùng các thuyền viên thường kéo dài 50- 60 ngày. Với thâm niên hơn 15 năm đi biển, việc ra khơi gặp bão là chuyện bình thường đối với ông, khi đó, ông Hiển cùng các thuyền viên tìm cách "né" khỏi tâm bão, tìm các quần đảo để tránh trú đợi khi bão tan lại ra ngư trường.

" Mùa mưa bão lượng lương thực, dầu nhớt cần chuẩn bị cho chuyến ra khơi sẽ nhiều hơn lúc biển êm, phòng trường hợp gặp bão, chạy chỗ khác trú và chưa thể về đất liền thì vẫn đủ nguyên liệu cũng như đồ ăn, nước uống ”, ông Hiến chia sẻ.

Cũng đang tất bật chuẩn bị đồ vươn khơi, ông Nguyễn Đình Nhã (phường Phú Đông, TP Tuy Hòa) chia sẻ, tàu của gia đình ông chủ yếu đánh bắt cá ngừ đại dương. Dù biển lặng hay biển động thì ông Nhã cùng 8 thuyền viên vẫn thường xuyên đưa tàu vươn khơi bám biển. Do đó, ông luôn chú trọng trang bị đầy đủ các phương tiện cứu hộ, đồng thời đảm bảo thường xuyên kết nối liên lạc giữa tàu với lực lượng biên phòng, cảnh sát biển.

"Mình làm ăn mà, không lẽ đến mùa bão, mùa biển động thì nghỉ, rồi lấy gì sống. Nếu trong quá trính đánh bắt không may gặp bão hoặc áp thấp nhiệt đới trên biển, tôi sẽ liên lạc với cán bộ trực tại trạm kiểm soát để được hướng dẫn tìm nơi tránh trú an toàn, sau đó thông báo cho các tàu thuyền đánh bắt gần đó cùng di chuyển đi tránh trú", ông Nhã cho biết.

Trước khi ra khơi, ông Nhã cũng thường lên mạng để tìm hiểu khu vực mà tàu sẽ đánh bắt, đồng thời nắm các thông tin thời tiết từ Đài duyên hải.

" Ví dụ tháng này tôi định ra khơi hướng đông và đánh bắt tại ngư trường gần Trường Sa thì tôi sẽ coi dự báo trước ở vùng đó sóng gió cấp mấy để biết tàu thuyền của mình có chịu được điều kiện khí hậu như vậy không. ", ông Nhã chia sẻ.

Ra khơi mùa biển động: Nhọc nhằn mưu sinh trên đầu ngọn sóng - Ảnh 2.

Ông Thiên vừa vào bờ sau 60 ngày vươn khơi.

Vừa về bờ sau hơn 60 ngày bám biển đánh bắt cá ngừ đại dương, ông Nguyễn Văn Thiên (40 tuổi, trú phường Phú Đông, TP Tuy Hòa) đang cùng bạn thuyền vận chuyển những mẻ cá vào bán cho thương lái.

" Mùa mưa bão đi biển cực hơn, dù mùa biển động khó đánh bắt. Chuyến này, trừ chi phí, tôi và các bạn thuyền mỗi người chỉ còn được 10 triệu đồng về trang trải cuộc sống gia đình. Nghề biển là vậy, không phải chuyến đi nào cũng thuận lợi, có tháng này tháng kia mà ", ông Thiên nói.

Không thể chủ quan

Thượng úy Đỗ Hoàng Hiệp - Trạm trưởng Trạm kiểm soát biên phòng Đà Rằng, đồn Biên phòng Tuy Hòa (Phú Yên) cho biết, hiện trên địa bàn cảng cá Đông Tác có hơn 400 phương tiện tàu thuyền chủ yếu hoạt động đánh bắt cá ngừ đại dương ngoài khơi. Vì vậy, cán bộ chiến sĩ của trạm luôn chủ động trong công tác tuyên truyền, phổ biến các diễn biến thời tiết trên biển để bà con phòng tránh.

Ra khơi mùa biển động: Nhọc nhằn mưu sinh trên đầu ngọn sóng - Ảnh 3.

Cần xây dựng phương án neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền.

Thượng úy Hiệp cho biết thêm, trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, đơn vị luôn tích cực tuyên truyền cho bà con ngư dân trên địa bàn nắm chắc tình hình trên biển để chủ động phòng tránh thời tiết xấu, từ đó có phương án tránh trú, cũng như đánh bắt an toàn.

Đại diện Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn tỉnh cho biết, hiện, Phú Yên có khoảng 1.930 tàu cá, chủ yếu đánh bắt cá ngừ đại dương và các loại thủy sản nhỏ. Các địa phương ven biển trên địa bàn tỉnh đều có khu neo đậu tránh trú cho tàu thuyền.

Để bám biển đánh bắt an toàn mùa mưa bão, nhiều chủ tàu đã có cách làm thích nghi, linh hoạt như chủ động theo dõi, cập nhật dự báo thời tiết và ngư cụ phù hợp để ra khơi.

Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền hoạt động trong mùa mưa bão, nhất là khi có lệnh nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi.

Chia sẻ