Ra đi hay ở lại quê hương đều phải đối mặt với chết chóc, còn lối thoát nào cho trẻ em Syria?

,
Chia sẻ

Khi bức ảnh về cậu bé 5 tuổi người Syria ngồi thẫn thờ trên chiếc xe cứu thương một lần nữa gây rúng động thế giới, người ta lại nhớ về bức ảnh xác của bé trai dạt vào bờ biển Hy Lạp đầy thương tâm.

Có nhiều người từng nói rằng, thế giới đang ngày càng phẳng dần khi bạn có thể kết nối với bất cứ ai trên thế giới; chỉ với các thiết bị hiện đại và tốc độ nhanh chóng, những thứ bạn cần sẽ có mặt chỉ trong vài giờ đồng hồ đến vài ngày. Nhưng có một thứ mà cuộc sống dù hiện đại bao nhiêu cũng không thể đem lại dễ dàng được, đó là hòa bình.

Đôi khi người ta chợt chạnh lòng khi nghĩ, ở nơi nào đó, chiến tranh vẫn còn, khổ đau vẫn tồn tại và trẻ em vẫn đang phải sợ hãi, co ro trước mưa bom làn đạn còn chúng ta đang tận hưởng cuộc sống yên bình. Nếu hỏi ai đó rằng họ có biết đất nước Syria ở đâu không?, họ chắc sẽ không biết quốc gia đó ở đâu, thủ đô là gì hay có gì thú vị mà chỉ nhớ tới 1 điều: trẻ em Syria đang phải chịu đựng những đau khổ cùng cực.

 - Ảnh 1.

Đi hay ở? lối thoát nào cho trẻ em Syria. Ảnh: internet

Chừng nào cuộc nội chiến Syria còn chưa chấm dứt thì chúng ta vẫn còn phải nghe những câu chuyện đau lòng, thương tâm về số phận những đứa trẻ. Đi hay ở; hay nói cách khác là di cư hay ở lại với quê hương Syria, lối thoát nào dành cho các em?

Không phải cứ đi là tới

Ước tính đến năm 2016, có khoảng 5 triệu người tị nạn Syria đang sống trên toàn thế giới, chủ yếu ở châu Âu và các nước Trung Đông khác. Theo Liên Hợp Quốc, hơn 1/2 số người di cư từ Syria tới các nước xung quanh là trẻ em dưới 18 tuổi. Các em phải đối mặt với một cuộc sống khó khăn, vất vả khi phải bỏ học, rời bỏ nhà cửa của mình.

Nhiều em trong số đó đã lạc mất cha mẹ trên đường di cư. Và ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, các em đã phải gồng mình để trở thành trụ cột trong gia đình, nuôi các em nhỏ. Từ việc bán bút, bán bông cho tới những chiếc kẹo có giá rẻ mạc, lũ trẻ đã phải lăn lộn ngoài đời để có thể giữ được mạng sống cho mình.

Nhưng các em vẫn còn là người may mắn khi nhiều đứa trẻ khác đã phải bỏ mạng trên những vùng biển lạnh lẽo.

 - Ảnh 2.

Hình ảnh xác cậu bé Aylan nằm trên bờ biển vẫn ám ảnh bao người.

Tháng 9 năm ngoái, khi cuộc chiến Syria vẫn đang căng thẳng, cả thế giới lại lặng mình trước bức ảnh xác của bé trai 3 tuổi Aylan Kurdi trôi dạt vào bờ biển Hy Lạp. Cậu bé nằm đó với cơ thể lạnh ngắt, mặc một chiếc áo đỏ và quần sóoc. Aylan có một người anh trai 5 tuổi nhưng cũng đã bị sóng biển nhấn chìm và cướp đi sinh mạng khi tuổi đời các em còn rất nhỏ.

Nhìn bức ảnh đó, người ta lại tự hỏi liệu những người gây ra chiến tranh có bao giờ thấy được cảnh đó và tự vấn lương tâm mình? Các em còn quá trẻ để biết được những gì đang diễn ra quanh mình và điều người ta mang đến cho lũ trẻ chỉ là những khổ đau, sợ hãi. Không chỉ có Aylan hay anh trai cậu bé, hàng nghìn người và trẻ nhỏ cũng đã phải bỏ mạng trên biển xanh vì ước mơ về một cuộc sống tốt đẹp.

"Nếu kẻ thù có súng, chúng ta sẽ có hoa và nến để cùng nhau chống lại", nhưng lũ trẻ Syria còn không có đủ miếng ăn, manh áo và một chỗ để ở. Các em không cần ai đón chào niềm nở hay tình cảm nồng hậu nhất, 1 chỗ trong khu trại tị nạn với bữa ăn qua ngày cũng đủ để ấm lòng những đứa trẻ khốn khổ rồi.

 - Ảnh 3.

Người ta tưởng rằng đi khỏi Syria sẽ mang đến cho lũ trẻ một cuộc đời mới, nhưng liệu đó có thực sự là một giải pháp hay rồi lại xuất hiện bao bức ảnh đầy đau thương của những đứa trẻ nằm dạt trên bờ biển?

Và ở lại chỉ toàn những khổ đau

Khắp nơi trên đất nước Syria, từ Damacus cho tới Aleppo, đâu đâu cũng là tiếng súng tiếng bom. Những người chưa rời khỏi Syria vẫn còn đang mắc kẹt trong những thành phố hoang tàn, đổ nát. 5 năm đã đi qua, chiến tranh đã biến Syria từ 1 đất nước xinh đẹp trở thành đống đổ nát.

Tuy nhiên, vẫn có 18 triệu người bị kèm kẹp tại đây, với cuộc sống đang khắc khoải từng giờ. Có khoảng hơn 5 triệu trẻ em Syria trong độ tuổi tới trường thì giờ đây hơn 2 triệu em đã phải bỏ học. Những giờ khắc như vậy, điều các em cần nhất vẫn là cuộc sống yên bình, không còn chiến tranh.

Omran Daqneesh, cậu bé 5 tuổi là một trong số những người như vậy. Em và gia đình đã ở lại cùng với 18 triệu người Syria khác và số phận của các em còn bi đát hơn những người ra đi. Khi bức ảnh em ngồi trên xe cứu thương được chia sẻ trên mạng xã hội vào hôm qua, cả thế giới như vỡ òa trong nước mắt.

 - Ảnh 4.

Cậu bé ngồi lặng thinh trên chiếc xe cứu thương.

Omran không khóc mà chỉ ngồi đó, lặng lẽ với ánh mắt thất thần nhưng cũng khiến bao người xem phải thấy bồi hồi, nghẹn ngào. Được giải cứu từ một căn nhà đổ nát nơi thành phố Aleppo, Omran lặng thinh khi được bế lên xe cứu thương. Cơ thể em đầy bụi và các vết thương đang chảy máu. Em chẳng khóc hay kêu gào, thỉnh thoảng đưa tay sờ lên vết thương để biết rằng cơ thể mình đang chảy máu.

Phải chăng những ký ức trong em, cuộc sống hàng ngày từ lâu vốn đã là như vậy? là những lần chạy trốn khỏi tiếng bom hay cơ thể đầy vết thương? Ở tuổi mới lên 5, sự ngoan cường và lặng lẽ của Omran như bóp nghẹt trái tim bao người.

Omran và Aylan, một người ở lại và một người đã rời khỏi đất nước Syria nhưng ra đi mãi mãi, cuộc sống vốn không hề công bằng cho các em.

Ở lại hay ra đi, lối thoát nào cho những đứa trẻ Syria?

Theo Kênh 14/Trí Thức Trẻ

Chia sẻ