Quỳnh Búp Bê và Phía Trước Là Bầu Trời có đang mất điểm vì loạt ngoại truyện "cố đấm ăn xôi"?
Ngoại truyện của các phim truyền hình đang dần trở thành một xu hướng, nhất là các phim được khán giả ủng hộ như Quỳnh Búp Bê hay Phía Trước Là Bầu Trời. Nhưng, liệu nhà đài có đang lạm dụng công thức này?
Sau "bom tấn" Người Phán Xử và Sống Chung Với Mẹ Chồng năm rồi, có thể nói phim truyền hình Việt Nam đã được thay da đổi thịt phần nào không chỉ về kịch bản, diễn xuất của diễn viên mà còn là sự tương tác giữa khán giả và ekip làm phim. Riêng chuyện đầu tư nội dung để làm một phim ngắn (tạm gọi là ngoại truyện) kết hợp được cả hai bộ phim trở thành Sống Chung Với Người Phán Xử là một điểm rất đáng ghi nhận của hai phim này nói riêng, phim truyền hình Việt Nam nói chung. Song, cũng có vấn đề phải bàn.
Khán giả vô cùng thích thú trước tập phim "cross over" giữa Người Phán Xử và Sống Chung Với Mẹ Chồng. Khi mẹ con bà Phương (phim Sống Chung Với Mẹ Chồng) dắt díu nhau tới nhờ ông trùm Phan Quân phán xử hộ rắc rối và những điều tiếng xung quanh, thì vẫn những câu nói, vẫn thái độ y nguyên trong hai bộ phim, vô tình khi ghép vào lại hợp đến kì diệu. Không chỉ đem đến tiếng cười cho khán giả, mà giá trị cốt lõi của các nhân vật cũng được đặt để đúng đắn.
Sau đó, Người Phán Xử tiếp tục tung thêm 4 tập Người Phán Xử tiền truyện để giúp khán giả có cái nhìn sâu sát hơn về thế giới ngầm, về những mặt trái cuộc sống mà ít người nghĩ nó tồn tại. Bộ tiền truyện này ngay lập tức nhận được hai luồng ý kiến đối lập.
Một bên khen ngợi vì ekip dám đưa những ngôn từ, những phong thái rất thực tế của giới xã hội đen vào phim, và vì nhạy cảm nên chỉ chiếu mạng. Song, cũng không tránh khỏi sự dị nghị của một bộ phận khán giả vì chính những ngôn từ và hình ảnh bạo lực kia.
Những hình ảnh đáng sợ trong Người Phán Xử gây ý kiến trái chiều
Nhưng, chung quy thì 4 tập phim này đã chứng tỏ sự quan tâm của VFC đối với khán giả, đáp ứng được nhu cầu và phát huy được thế mạnh của tác phẩm.
Có đang lạm dụng những màn kết hợp vô tội vạ?
Về khái niệm, ngoại truyện có thể được hiểu là sự tường thuật lấy nguồn gốc từ các tác phẩm đã có, giúp nêu chi tiết hơn về một khía cạnh của tác phẩm gốc. Thế nhưng gần đây, việc các bộ phim chạy đua làm ngoại truyện đã khiến khán giả vô cùng hoang mang.
Dễ thấy nhất chính là Quỳnh Búp Bê với đoạn phim "cross over" với Phía Trước Là Bầu Trời. Có thể hiểu đây chỉ là clip chào đón sự trở lại của bộ phim, tận dụng sức hút của các nhân vật gây bão. Tuy nhiên, Quỳnh Búp Bê và Phía Trước Là Bầu Trời thực chất không liên quan đến nhau, việc chị Nguyệt dạy các nhân vật "bí kíp thả thính" trở thành cố đấm ăn xôi, không mang đến hiệu quả cho cả hai tác phẩm.
Bình luận của khán giả trên fanpage phim Quỳnh Búp Bê
Hay như tập phim Phía Trước Là Cả Một Bầu Trời Phán Xử được "mix" giữa Người Phán Xử, Phía Trước Là Bầu Trời và Cả Một Đời Ân Oán ra mắt cách đây không lâu cũng vậy. Rõ ràng sức hút của Phía Trước Là Bầu Trời khi đó rất lớn, nhưng tập phim "cross over" có nội dung đơn điệu, không đặc sắc, các nhân vật xuất hiện với nhau gượng gạo đã khiến sức hút bị giảm hẳn. Hơn nữa, lúc đó khán giả vẫn nghĩ đó là tập phim khởi động của Phía Trước Là Bầu Trời Ngoại Truyện, nhưng chờ mãi vẫn không thấy gì.
Phía Trước Là Cả Một Đời Phán Xử
Đừng để quảng cáo làm tụt cảm xúc!
Không ít khán giả đã kêu than vì tập 72+ (tập ngoại truyện) của Cả Một Đời Ân Oán có quá nhiều đoạn thoại thực sự không phù hợp với phim, gây mất thiện cảm và... tụt mood. Điển hình nhất là cảnh Dung (Hồng Diễm) và Khôi (Thanh Sơn) đi cáp treo lên đỉnh Phan-xi-păng để tìm mẹ. Dung sốt sắng, mặt mũi đầy âu lo cho mẹ thì Khôi lại nói: "Ngày xưa lên đỉnh Phan-xi-păng là ước mơ của nhiều người, bây giờ nhờ hệ thống cáp treo hiện đại (của một công ty du lịch nổi tiếng) thì ai cũng có thể lên được".
(Ảnh: VTV)
Biết rằng quảng cáo là một phần gắn liền với các sản phẩm giải trí. Khán giả cũng không phản ứng gì với việc các logo nhãn hàng xuất hiện liên tục suốt từng tập phim nhưng làm cả một tập phim ngoại truyện nhưng khán giả chẳng "thu hoạch" được gì ngoài việc xem các diễn viên quảng cáo trá hình thì thật là đáng than phiền.
Đừng để ngoại truyện trở thành một trào lưu... nhàm!
Không phủ nhận việc phim truyền hình đầu tư làm ngoại truyện, xây dựng "vũ trụ phim ảnh" là rất đáng khen. Nó thể hiện sự quan tâm của nhà sản xuất với khán giả. Nhưng, làm gì cung cần phải có mục đích và có tâm. Nếu lợi dụng việc làm ngoại truyện để câu view, để quảng cáo thì chính bộ phim sẽ phần nào mất điểm. Ngoại truyện phải có liên quan đến câu chuyện chính không chỉ về nội dung, mà còn về không khí, về cái "xương sống" của tác phẩm chứ không phải dùng chính diễn viên để làm parody hay quảng cáo trá hình.
Vậy nên, nếu nhân vật trong các phim truyền hình đủ sức nặng, thì không cần làm ngoại truyện, nó vẫn sẽ âm vang mãi trong lòng khán giả. Như chị Nguyệt thảo mai trong Phía Trước Là Bầu Trời vậy, 20 năm sau khi bộ phim kết thúc, những gì chị diễn bỗng hợp thời, hợp người nên tự khắc quay lại chỉ sau một đêm chứ cũng chẳng cần ngoại truyện kéo lại làm gì.
Làm ra một tập phim, dù chỉ 3 phút hay 30 phút cũng tốn công, tốn sức và tốn của rất nhiều. Vậy nên hy vọng các nhà làm phim sẽ cân nhắc kĩ hơn về chuyện có hay không nên làm thêm những clip ngắn để khiến khán giả háo hức xong rồi thất vọng.