Quyết tâm chỉ chi 36 triệu tiền Tết cho gia đình 4 thành viên, cô vợ trẻ lên kế hoạch chi tiêu từ bây giờ
Nhà có 2 con nhỏ thì tiêu Tết thế nào với 36 triệu?
Chỉ còn 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2025, với những người phụ nữ thì ngay từ thời điểm hiện tại, không ít người đã bắt đầu phải tính toán đến việc Tết năm nay sẽ ăn như thế nào rồi.
Ngay bây giờ, nhiều người đã ước lượng được số tiền Tết mà gia đình mình sẽ có và cũng sơ lược được số tiền có thể sử dụng cho việc chi tiêu Tết. Thế nhưng làm thế nào để có thể chi tiêu hợp lý trong 1 khoản tiền cụ thể lại là vấn đề không đơn giản.
Để chi tiêu hợp lý trong dịp Tết, việc đầu tiên cần phải làm đó là lập một kế hoạch chi tiêu cụ thể bao gồm các khoản như quà biếu, sắm sửa nhà cửa, mua sắm thực phẩm cho các bữa tiệc, và các khoản phí cho hoạt động giải trí, du xuân...
Với mỗi việc cụ thể đã nêu ở trên, tiếp theo cần cân nhắc xác định ngân sách cho từng mục, ưu tiên những chi tiêu thiết yếu và cắt giảm chi phí không cần thiết.
Gia đình Mai Phương ở Hà Nội có 4 thành viên gồm 2 vợ chồng và 2 con nhỏ. Bé lớn nhà Phương 10 tuổi và bé út 2 tuổi. Do chính sách thưởng Tết của công ty thường không có thay đổi gì đặc biệt nên từ bây giờ cô đã ước lượng được số tiền Tết.
"Nếu không có gì thay đổi thì Tết này mình sẽ có 26 triệu tiền thưởng Tết. Chồng mình có bao nhiêu không quan trọng vì nguyên tắc của mình là chỉ trích đúng 10 triệu từ tiền chồng đưa cho để tiêu Tết, còn lại sẽ gửi tiết kiệm. Như vậy, Tết năm nay nhà mình có khoảng 36 triệu để tiêu Tết".
Với số tiền này, Mai Phương có kế hoạch cụ thể để dự trù chi tiêu Tết ngay vì nếu không cân đối cẩn thận thì chắc chắn là sẽ không đủ vì bản thân Phương là người nếu không cẩn thận ghi chép sẽ tiêu xài vô tổ chức ngay lập tức.
1. Phân chia ngân sách
- Nhu cầu thiết yếu: Dành khoảng 50% ngân sách, tức là 18 triệu cho các chi phí thiết yếu như thực phẩm, quần áo mới cho cả gia đình, và các chi phí sinh hoạt khác trong dịp Tết.
- Chi tiêu cá nhân và giải trí: Dùng 30% ngân sách, tương đương 10,8 triệu cho các khoản chi như tiền lì xì, quà cáp, du xuân, và hoạt động giải trí khác trong dịp Tết.
- Tiết kiệm, đầu tư và dự phòng: Dành 20% còn lại, tức là 7,2 triệu để tiết kiệm hoặc đầu tư cho tương lai, có thể là quỹ giáo dục cho con cái hoặc quỹ khẩn cấp.
2. Lập danh sách chi tiết
- Nhu cầu cần thiết:
Thực phẩm Tết: 8 triệu đồng
Quần áo cho 2 con: 3 triệu đồng
Quần áo cho bố mẹ: 3 triệu đồng
Trang trí nhà cửa (mua cây, đồ decor nhà): 2 triệu đồng
Các vật dụng khác trong nhà: 2 triệu đồng
- Chi tiêu cá nhân và giải trí
Quà Tết nội ngoại: 4 triệu đồng
Tiền lì xì: 3 triệu đồng
Đi chơi Tết: 2 triệu đồng
Phát sinh: 1 triệu đồng
Phương tiện đi lại: 800.000 đồng
- Tiết kiệm, đầu tư và dự phòng: Mặc dù đã gửi tiết kiệm 1 phần từ tiền Tết của chồng nhưng đó là khoản tiết kiệm chung cho gia đình. Với 7,2 triệu đồng này, Mai Phương sẽ cất riêng để dành cho các vấn đề liên quan đến đầu tư giáo dục cho con cái như khóa học ngắn hạn hoặc chi phí cho các lớp học năng khiếu. Đồng thời, đây cũng là khoản dành cho việc dự phòng phát sinh không lường trước vì bé út nhà Phương mới 2 tuổi, cái độ tuổi rất dễ bị ốm.
Kinh nghiệm xương máu của Phương từ những năm trước đó là nên săn sale và mua dần những đồ cần thiết như bánh kẹo, đồ khô, đồ uống cũng như các đồ decor nhà cửa và quần áo ngay từ bây giờ để tránh đến sát Tết nhiều việc dễ bị thiếu sót và giá cả lúc đó cũng sẽ chênh lệch với hiện tại khá nhiều.