Quy tắc 3 bớt, 4 nên, 5 cần giúp cha mẹ rèn giũa được những đứa trẻ xuất sắc và thấu cảm
Sự phát triển của cây con là kết quả của việc người làm vườn tưới nước, bón phân cẩn thận. Sự trưởng thành của một đứa trẻ cũng là thành quả từ sự giáo dục chu đáo của cha mẹ.
Ai cũng biết, mỗi lời nói và việc làm của con cái đều phản chiếu hình bóng của cha mẹ. Đôi khi một hành động vô tình của cha mẹ có thể gây ra những tác động tiêu cực không thể xóa nhòa đối với trẻ.
Trong quá trình giáo dục, hãy cố gắng bớt nói với con 3 câu, làm nhiều hơn 4 điều và ghi nhớ 5 từ sau để con bạn trưởng thành với một trái tim mạnh mẽ.
3 câu nên bớt nói
Nhà tâm lý học Giáo sư Susan Forward từng nói: "Trẻ sẽ luôn tin những gì cha mẹ nói về mình và biến nó thành của mình". Muốn nuôi dạy con cái tâm vững vàng, cha mẹ cần ít nói ba câu này.
Đầu tiên, những câu tiêu cực
Trên con đường giáo dục con cái, cha mẹ có một sự hiểu lầm: Càng chê, con càng có động lực phát triển hơn. "Phương pháp" tiết kiệm lời khen, hào phóng lời chê này được rất nhiều người áp dụng với niềm tin là có thể hạn chế thói tự kiêu. Tuy nhiên trên thực tế, mục đích này thường không đạt được, thậm chí bị phản tác dụng.
Đứa trẻ bị chê bai quá nhiều có thể phản ứng theo 2 thái cực: Rất chán nản, không còn cố gắng nữa vì cho rằng dù thế nào cũng không thể làm vui lòng bố mẹ, trẻ mất dần sự tự tin. Một số trẻ vẫn cố gắng ép mình để làm vừa ý phụ huynh, nhưng trong lòng nuôi mầm chống đối, và một lúc nào đó có thể "bật lại" khi đến ngưỡng chịu đựng.
Thứ hai, câu buộc tội
Những lời buộc tội của cha mẹ là vết thương sâu nhất trong lòng và trở thành xiềng xích mà đứa trẻ suốt đời không thể rũ bỏ. Sống trong sự áp đặt quy chuẩn của cha mẹ, trẻ sẽ cảm thấy nghi ngờ về tình yêu thương của đấng sinh thành đối với mình. Song song đó là cảm giác bất lực, nghi ngờ về mọi thứ. Trẻ sẽ nghĩ rằng "Mình không được phép bày tỏ ý kiến. Quan điểm của mình lúc nào cũng sai. Mình không có quyền lên tiếng ở bất cứ đâu...".
Thứ ba, những câu than vãn
Than vãn về sự bất hạnh của mình với con trẻ là một trong những cách hủy hoại con hiệu quả nhất. Bởi trẻ em là những người tiếp nhận năng lượng tự nhiên. Cha mẹ kể khổ hay than vãn với con cái, về cơ bản là một “thuật chuyển dời đau khổ”: Đem lo âu, ủy khuất, oán hận, bất mãn của mình chuyển dời sang con cái.
Khi con cái bị cha mẹ bóp nghẹt tinh thần, năng lượng tâm lý bên trong của chúng sẽ cạn kiệt. Đứa trẻ như vậy, dù tương lai có ưu tú hơn nữa, cũng sẽ bị hãm sâu trong năng lượng tiêu cực, nhìn không thấy ánh mặt trời. Cha mẹ kể khổ, cuối cùng sẽ tạo thành quả đắng cho cả đời con cái.
4 việc nên làm
Đầu tiên, hãy tôn trọng
Một chuyên gia về giáo dục thanh thiếu niên, cho biết: Tiền đề giáo dục trẻ em là hiểu trẻ em, tiền đề để hiểu trẻ em là tôn trọng trẻ em. Cha mẹ cần biết cách nhìn thế giới từ con mắt của trẻ, giảm bớt sự thiếu tự tin ở trẻ, giúp trẻ tự tin hơn, dũng cảm hơn để thể hiện bản thân.
Thứ hai, hãy nhận biết cảm xúc của trẻ
Nhà tâm lý học Daniel Goleman từng nói: Cuộc sống gia đình là trường học cảm xúc đầu tiên của chúng ta. Trong mắt nhiều bậc cha mẹ, tâm trạng tồi tệ của trẻ là một tai họa. Nhưng khi đứa trẻ có cảm xúc, thay vì bắt trẻ im lặng, tốt hơn hết bạn nên chấp nhận sự phản kháng của trẻ và thấu hiểu tâm lý đằng sau, hướng dẫn trẻ giải phóng một cách hợp lý.
Một đứa trẻ cũng là một con người toàn diện với đầy đủ cảm xúc cần được ghi nhận, tôn trọng. Vì vậy, chúng ta phải nhận thức rõ tầm quan trọng của kỹ năng giáo dục cảm xúc xã hội dành cho trẻ.
Thứ ba, học cách lắng nghe
China Children's Press and Publishing Group từng tổ chức một cuộc khảo sát về chủ đề "lắng nghe tiếng nói của trẻ em": Trong số 20.870 học sinh tiểu học và trung học cơ sở tham gia, chỉ có 26,73% trẻ em nói với cha mẹ những điều trong lòng mình. Đó là kết quả của việc cha mẹ suốt ngày chỉ trích, buộc tội, mắng mỏ con cái.
Cha mẹ tốt biết cách lắng nghe. Nhất là khi trẻ háo hức muốn kể, hãy ngồi xổm xuống trước, lắng nghe trẻ nói, biết đâu bạn sẽ thu được những thành quả bất ngờ.
Thứ tư, giao tiếp thấu cảm
Trần Mỹ Linh, một Tiến sĩ giáo dục ở Trung Quốc từng kể: Sau khi ra ngoài, cô cùng hai con trai đi bộ về nhà, cậu bé út chơi mệt và đang ngủ trên tay mẹ.
Lúc này, con lớn cứ quấy rầy, ôm cô liên tục. Thấy sắp về nhà muộn, chắc chắn nhiều bậc cha mẹ sẽ mắng con. Nhưng Trần Mỹ Linh không làm như vậy, ngược lại nói: "Con mệt mỏi, mẹ cũng vậy, làm sao bây giờ? Chúng ta ở chỗ này nghỉ ngơi một chút được không?". Vì vậy, cô ngồi xổm xuống với đứa trẻ để nghỉ ngơi một lúc.
Cô nói: Thay vì mắng con và để con khóc bên vệ đường, tốt hơn hết hãy hiểu cảm giác của con, nghỉ ngơi và để con biết rằng mẹ hiểu con.
Đứa trẻ không phải là muốn gây chuyện, chỉ đang bày tỏ nhu cầu của mình. Nếu cha mẹ có thể kiên nhẫn giao tiếp với con, trẻ sẽ cảm thấy rằng nhu cầu của chúng được lắng nghe, cảm xúc của chúng được chấp nhận và được tôn trọng, yêu thương. Sau đó, trẻ cũng có thể học cách giao tiếp bằng sự ấm áp, đồng thời trở nên mạnh mẽ, tự tin.
5 từ cần nhớ
Một nhà tâm lý học cho biết: Không có công thức cho sự phát triển của trẻ em, chỉ có cha mẹ có trách nhiệm mới cung cấp một mảnh đất cho trẻ lớn lên ổn định và khỏe mạnh.
Dưới đây là 5 từ cần nhớ cho tất cả các bậc cha mẹ:
Từ đầu tiên: Ổn định
Cha mẹ có tâm lý ổn định mới có thể nuôi dạy những đứa trẻ tự tin, tỏa nắng và điềm tĩnh. Cha mẹ có tâm lý hỗn loạn sẽ nuôi dạy những đứa trẻ nhút nhát, thiếu tự trọng, nhạy cảm, bướng bỉnh, hay nghi ngờ và bất an.
Từ thứ hai: Tĩnh
Nhiều bậc cha mẹ khi nhìn thấy khuyết điểm của con mình không khỏi gầm gừ, lớn tiếng chỉ trích. Trên thực tế, lúc này, bố mẹ hãy kiềm chế, giữ cho mình bình tĩnh một chút, cho con thời gian để tự suy xét lại vấn đề; cho chính bản thân bạn thời gian để nghĩ xem nên ứng xử với con như thế nào cho hợp lý.
Bạn nên nhớ rằng, mắng chửi, đánh đập không phải khi nào con cũng sẽ sợ hãi, sẽ hiểu ra sai lầm; mà chỉ khiến cho con cảm thấy tự ái và tổn thương mà thôi. Đôi khi, sự đồng cảm, những cuộc nói chuyện nhẹ nhàng lại hiệu quả hơn rất nhiều. Lỗi lầm là điều khó tránh khỏi nhưng nếu không có cách ứng xử phù hợp sẽ khiến hậu quả đi xa hơn và những lỗi lầm tiếp theo sẽ xảy ra.
Từ thứ ba: Yêu thương
Theo chuyên gia tâm lý người Mỹ Gary Chapman, cha mẹ phải luôn dành cho con tình yêu, nhưng tình yêu đó phải giúp cho trẻ phát triển bản thân và sống có trách nhiệm. Và điều đó chỉ đạt được khi cha mẹ yêu thương con mình bằng tình yêu thương vô điều kiện.
Đây là loại tình yêu đầy đủ và trọn vẹn nhất, thừa nhận con vì chính bản thân chúng chứ không phải vì những gì con làm. Dù con có làm (hay không làm) điều gì đó thì chúng vẫn được yêu thương. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta chấp nhận mọi hành vi của con. Yêu thương vô điều kiện khác với chiều chuộng vô lối.
Từ thứ tư: Yếu đuối
Cha mẹ xuất sắc luôn hiểu được lợi ích của việc "thể hiện sự yếu đuối". Khi cha mẹ tỏ ra yếu đuối, họ không có ý phục tùng và đòi hỏi sự hoàn hảo mà là vượt qua sự cứng nhắc về vị trí để cho con cơ hội thể hiện mình. Trong tâm lý học đây gọi là "Hiệu ứng điểm yếu". Bản chất của nó là tạo ra sức mạnh bằng sự mềm mại.
Bằng cách "tỏ ra yếu đuối", cha mẹ đã trao cho trẻ một mức độ, khả năng nhất định trong việc ra quyết định, giúp trẻ tập trung suy nghĩ, trở nên quyết đoán. Sự yếu đuối của người mẹ sẽ kích thích mong muốn bảo vệ gia đình của đứa trẻ. Yêu cầu trẻ "giúp đỡ" cũng là công cụ tốt nhất để trau dồi tinh thần trách nhiệm của trẻ.
Từ thứ 5: Vui vẻ
Điều trẻ thực sự cần không phải là bạn kéo chúng ra khỏi thế giới của chúng mà hãy bước vào thế giới đó. Thế giới của trẻ rất nhỏ và đơn giản. Cha mẹ làm cho thế giới của trẻ tràn ngập niềm vui bằng cách hãy trở thành bạn chơi của chúng.
"Niềm vui này là cảm giác an toàn trọn vẹn nhất trong lòng trẻ, để chúng không đơn độc, không tự ti và không sợ hãi trên con đường trưởng thành sau này", nhà tâm lý học của Trung Quốc khẳng định.