"Quy hoạch chỉ để khẳng định Sơn La sẽ có tượng đài Bác Hồ"

Theo TTXVN,
Chia sẻ

Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên cho biết, Ban Bí thư mới chỉ đồng ý chủ trương xây tượng đài Bác Hồ ở Sơn La và chưa duyệt dự án và con số 1.400 tỷ đồng.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên đã trả lời phỏng vấn Thông tấn xã Việt Nam về chủ trương xây dựng tượng đài Bác Hồ tại tỉnh Sơn La.

-Dư luận đang rất quan tâm đến việc xây dựng tượng đài Bác Hồ tại tỉnh Sơn La với “kinh phí lên tới 1.400 tỷ đồng” và lý do “tại sao phải bổ sung quy hoạch.” Xin Thứ trưởng cho biết ý kiến về vấn đề này?

Thứ trưởng Vương Duy Biên: Từ nhiều năm nay, rất nhiều nơi đều muốn xây dựng tượng đài Bác Hồ. Vì vậy, Bộ Chính trị, Ban Bí thư có quy định, chỉ nơi nào được Ban Bí thư đồng ý mới được xây dựng. Về mặt quản lý nhà nước thì phải nằm trong quy hoạch.

Năm 2004, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã trình và Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đến năm 2010. Hiện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đang hoàn thiện quy hoạch tượng đài Bác Hồ đến năm 2030 để trình Thủ tướng Chính phủ.

Trong thời gian qua, do Quy hoạch mới này chưa được trình nên căn cứ ý kiến của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng bổ sung quy hoạch cho một số nơi như Gia Lai, Tuyên Quang và gần đây nhất là Sơn La.

Thực ra việc xây dựng tượng đài Bác Hồ ở Sơn La đã được bàn tới từ năm 2008 và ngày 26/5/2014, Tỉnh ủy Sơn La đã báo cáo Ban Bí thư về chủ trương xây dựng Tượng đài Bác Hồ và ngày 15/8/2014, Ban Bí thư có ý kiến đồng ý chủ trương xây dựng tượng đài Bác Hồ, giao Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, tỉnh Sơn La làm thủ tục trình Thủ tướng bổ sung quy hoạch. Việc bổ sung quy hoạch này chỉ để khẳng định sẽ có tượng đài Bác Hồ ở Sơn La chứ không phải là đồng ý với dự án và con số 1.400 tỷ đồng.

-Vậy sau khi việc xây dựng tượng đài Bác Hồ ở Sơn La đã được bổ sung vào quy hoạch thì vai trò của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch như thế nào? Bộ có phải là cơ quan trình đề án không?

Thứ trưởng Vương Duy Biên: Không, đề án là do Tỉnh Sơn La xây dựng và quyết định. Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch chỉ tham gia về mẫu tượng. Hiện có 2 mẫu được chọn để tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện theo góp ý của Hội đồng Nghệ thuật. Sau đó sẽ báo cáo Ban Bí thư.

-Xin Thứ trưởng cho biết ý kiến của mình về kinh phí 1.400 tỷ đồng để xây dựng dự án tượng ở Sơn La mà dư luận đang nhắc đến?

Thứ trưởng Vương Duy Biên: Về con số 1.400 tỷ đồng thì tôi không được biết vì hiện tôi chưa được đọc đề án của tỉnh. Tuy nhiên, theo quy hoạch thì tượng Bác Hồ ở Sơn La thuộc nhóm A2 tương tự như đã làm ở một số nơi và kinh phí làm tượng ở những nơi này chỉ khoảng trên dưới 100 tỷ đồng. Tôi nhớ không nhầm thì ở Gia Lai là 80 tỷ đồng và Tuyên Quang là khoảng 130 tỷ đồng.

Theo tôi hiểu, nếu có con số lên tới 1.400 tỷ đồng thì chắc là gồm nhiều hạng mục như quảng trường, bảo tàng… còn tượng đài chỉ là một hạng mục trong cụm công trình đó. Dù sao thì Ngân sách Trung ương cũng chỉ đảm bảo phần tượng đài của Bác và chắc chắn chỉ khoảng một đến hai trăm tỷ đồng.

-Hiện có nhiều ý kiến cho rằng việc xây dựng tượng đài trong điều kiện kinh tế còn khó khăn là không phù hợp. Xin Thứ trưởng cho biết suy nghĩ của mình?

Thứ trưởng Vương Duy Biên: Việc xây dựng tượng đài Bác Hồ để giáo dục truyền thống, tinh thần yêu nước ở một số nơi được chọn lọc là rất cần thiết. Như tôi đã nói ở trên, việc xây dựng tượng đài Bác Hồ ở đâu, quy mô như thế nào phải theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và pháp luật nhà nước. Và chắc chắn, kinh phí cho tượng đài không thể lên đến con số nghìn tỷ.

Còn các công trình như quảng trường, bảo tàng… cũng là cần thiết, cần được quy hoạch, nghiên cứu kỹ lưỡng và có lộ trình xây dựng phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội và khả năng ngân sách của địa phương./.

Chia sẻ