Quy định về bố trí phòng vắt sữa tại nơi làm việc: Nói thì dễ, làm mới khó
Ngay khi vừa mới nghe quy định này, nhiều chị em phụ nữ đang và sắp có con nhỏ tỏ ra rất vui mừng, hào hứng. Nhưng đa phần họ vẫn cho rằng đó là điều khó thực hiện vì trên thực tế còn nhiều yếu tố chi phối.
Hợp lý, nhưng liệu có khả thi?
Những quy định chi tiết trong nghị định hướng dẫn Bộ luật lao động về chính sách đối với lao động nữ mới đây đã có nhiều điều khoản quan tâm đến nhu cầu thiết thực của chị em phụ nữ. Trong đó có hướng dẫn việc tạo điều kiện cho phụ nữ nuôi con nhỏ được nghỉ thêm giờ để vắt sữa hoặc cho con bú.
Trong khoản 3,4,5 điều 7 của Nghị định 85/2015/NĐ-CP quy định về việc tạo điều kiện để phụ nữ đi làm nuôi con bằng nguồn sữa mẹ quý giá như sau:
3. Lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ như sau:
a) Mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi;
b) Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.
4. Người sử dụng lao động lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc, nhu cầu của lao động nữ và khả năng của người sử dụng lao động.
5. Khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện để lao động nữ nuôi con từ 12 tháng tuổi trở lên vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc. Thời gian nghỉ do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động.
Như vậy, vấn đề về thời gian nghỉ có thể được giải quyết nhưng việc bố trí phòng vắt sữa tại nơi làm việc phụ thuộc vào yếu tố “điều kiện thực tế nơi làm việc" rất nhiều. Điều kiện này ra sao thì chưa được quy định rõ. Liệu người sử dụng lao động có chịu đầu tư phòng vắt sữa chỉ để phục vụ nhu cầu của một số ít lao động nữ? Liệu các công ty có phần kinh phí cho các thiết bị vắt, trữ sữa, bảo quản giúp chị em?
Chị Phan Minh Châu (một công chức ngụ ở phường Tăng Nhơn Phú A, Q.9, TP.HCM) cho rằng đây là quy định 'hiểu được nỗi khổ của các bà mẹ nuôi con nhỏ" nhưng mới chỉ dừng lại ở hiểu chứ chị em có được hưởng lợi từ quy định này hay không thì chưa biết vì: " Trên thực tế, việc bố trí phòng vắt sữa cho các bà mẹ nuôi con nhỏ phải được tính toán xem có hợp lí hay không, có nhiều người có nhu cầu hay không chứ xây xong để mốc meo không ai dùng thì cũng bằng thừa". chị Châu nêu ý kiến.
Việc bố trí phòng vắt sữa tại các công ty, xí nghiệp có lao động nữ nuôi con nhỏ không phải chờ đến khi có nghị định này mới có. Trước đây, từ năm 2012, dự án A&T phối hợp với Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam đã kêu gọi sự tham gia của doanh nghiệp và khu vực nhà nước cùng triển khai mô hình phòng vắt, trữ sữa tại nơi làm việc. Và đến 8/2015 trên cả nước đã có 70 phòng vắt sữa được bố trí tại nhiều công ty, xí nghiệp.
Tuy nhiên, không phải phòng vắt sữa nào cũng hoạt động hiệu quả. Đại diện một ngân hàng trên địa bàn TP.HCM cho hay: "Trước đây, ngân hàng chúng tôi đã bố trí phòng vắt sữa cho các chị em làm việc tại ngân hàng nuôi con nhỏ để chăm lo tốt hơn cho đời sống nhân viên. Nhưng sau đó, không hiệu quả vì lâu lâu mới có người sinh em bé, phòng này vì thế thỉnh thoảng mới được mở nên sau một thời gian thì chúng tôi quyết định... chuyển công năng sử dụng."
Tạm vắt sữa trong... nhà vệ sinh
Phấn khởi vì quy định mới nhưng vẫn băn khoăn về tính thực tế, đó là ý kiến của nhiều bà mẹ đang nuôi con bằng sữa mẹ sau khi hết thời gian nghỉ hộ sản. Vì theo họ, khi bố trí phòng vắt sữa, cần tính toán nhiều yếu tố làm sao cho hợp lí để chị em phụ nữ được hưởng lợi từ mô hình này.
Chị Võ Thị Lệ (một biên tập viên sống ở Bình Dương) đang có con gái 16 tháng cho biết: “Tôi thấy vui vì có điều kiện cho con bú sữa mẹ. Tuy nhiên việc các công ty phải có phòng vắt sữa thì không khả thi lắm, nhất là đối với những công ty nhỏ, ít có nhân viên nữ đang trong thời kỳ cho con bú. Trên thực tế, phòng vắt, trữ sữa cần được trang bị các dụng cụ cần thiết như máy vắt sữa, tủ trữ sữa và không gian thoáng, thoải mái một chút. Vì vậy, nếu các công ty không đáp ứng nhu cầu này hoặc chỉ "làm cho có" thì sẽ khiến các bà mẹ không thoải mái khi vắt sữa. Đó là chưa nói việc bảo quản sữa sẽ không đạt yêu cầu nếu không được trang bị đầy đủ các dụng cụ cần thiết".
Còn chị Lâm Mỹ Hạnh, nhân viên một ngân hàng trên địa bàn Q.3 (TP.HCM) thì cho biết chị lần đầu tiên nghe đến quy định này và cảm thấy rất vui vì chị đang rất vất vả khi trưa nào cũng trốn vào... nhà vệ sinh để vắt sữa gửi về cho cậu con trai 6 tháng tuổi của mình. "Dù biết hơi mất vệ sinh, nhưng mình chẳng còn chỗ nào khác để vắt sữa, đành dùng tạm vậy"- chị Hạnh tâm sự. Theo chị Mỹ Hạnh bất cứ người mẹ nuôi con nhỏ nào cũng muốn có một chỗ kín đáo, sạch sẽ, thuận lợi, đầy đủ tiện nghi để vắt sữa. Mong muốn là vậy, tuy nhiên cần căn cứ vào tình hình thực tế ở nơi làm việc.
"Muốn thì ai cũng muốn nhưng nếu công ty mà ít lao động nữ thì tôi thấy khá phí. Tôi thấy ví dụ trong một tòa nhà gồm nhiều công ty thì nên chỉ bố trí một phòng là đủ rồi. Tôi thấy quy định là một chuyện nhưng trên hết vẫn là sự thấu hiểu, ủng hộ cho các chị em phụ nữ nuôi con nhỏ đi làm từ phiá người sử dụng lao động. Khi được thấu hiểu, chúng tôi sẽ được tạo điều kiện không chỉ về vật chất cụ thể mà còn về tinh thần. Khi đó, không có phòng vắt sữa thì chị em vẫn vui vì được thông cảm"- chị Hạnh bày tỏ.
Bà Đinh Thị Khuyên (chủ một công ty may mặc ở Bình Tân-TP.HCM) cho rằng ở góc độ người sử dụng lao động như bà thì thấy nghị định này cần cụ thể hơn nữa để hợp với thực tế hơn. Bà Khuyên cho biết: "Công ty tôi có 200 công nhân, lao động nữ chiếm phần nhiều. Bố trí một phòng vắt sữa cho chị em thì được thôi. Tuy nhiên, khi bố trí một phòng vắt sữa cần những gì, có chuẩn nào không thì tôi chưa được biết rõ ràng".
Tương tự, khảo sát nhanh tại một số công ty trên địa bàn TP.HCM, câu trả lời của người sử dụng lao động là "thông tin này vẫn còn mới, không thể tổ chức ngay nhưng chúng tôi sẽ tính toán thực hiện nếu lao động nữ có nhu cầu".