Quốc hội yêu cầu thiết kế môn Lịch sử THPT gồm phần bắt buộc và lựa chọn
Môn Lịch sử trong chương trình giáo dục THPT cần bao gồm cả phần bắt buộc và lựa chọn một cách hợp lý, theo Nghị quyết kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa ký ban hành Nghị quyết số 63/2022/QH15 kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Quốc hội yêu cầu Bộ GD&ĐT nghiên cứu ý kiến cử tri, nhân dân và đại biểu Quốc hội trong việc thiết kế môn Lịch sử ở chương trình giáo dục cấp THPT.
Theo Nghị quyết này, Quốc hội yêu cầu Chính phủ tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục đại học; triển khai có hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó tăng cường công tác tuyên truyền về triển khai Chương trình này.
Đổi mới căn bản và toàn diện phương pháp dạy và học, đặc biệt môn học Lịch sử; nghiên cứu ý kiến cử tri, Nhân dân và đại biểu Quốc hội, thiết kế môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục cấp Trung học phổ thông, bao gồm cả phần bắt buộc và phần lựa chọn một cách hợp lý, khoa học, đảm bảo hiệu quả cao nhất trong việc giáo dục truyền thống và phát triển nhân cách cho học sinh.
Kiểm soát chặt chẽ việc biên soạn và xuất bản sách giáo khoa. Bổ sung sách giáo khoa vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá khi sửa đổi Luật Giá.
Trước mắt, Chính phủ chỉ đạo các Bộ liên quan có biện pháp hạ giá thành sách giáo khoa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ hoặc trợ giá sách giáo khoa đối với học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo quy định; nghiêm túc thực hiện đúng các quy định về tài liệu tham khảo, tránh lãng phí.
Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng gợi ý như trên tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, sáng 4/6. Ông yêu cầu các cơ quan sau khi tiếp thu ý kiến, có giải pháp kịp thời, vừa đảm bảo chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; vừa phù hợp thực tiễn, đáp ứng mong muốn của người dân, chuyên gia; yêu cầu nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập môn Lịch sử.
Theo người đứng đầu Chính phủ, truyền thống văn hóa lịch sử cũng là một nguồn lực, đầu tư cho giáo dục, văn hóa, lịch sử là đầu tư cho sự phát triển. Với các chính sách tác động tới toàn dân, lợi ích chính đáng của người dân thì phải thận trọng, tính toán kỹ lưỡng.
Uỷ ban Văn hóa Giáo dục cũng có đề nghị tương tự. Trong báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 23/5, Uỷ ban Văn hóa Giáo dục gợi ý nên thiết kế môn Lịch sử bậc THPT gồm hai phần: kiến thức lịch sử (bắt buộc), kiến thức định hướng nghề nghiệp (lựa chọn). Đề nghị này được đưa ra sau khi Uỷ ban phân tích về thời lượng, nội dung của môn Lịch sử.
Chương trình mới chia làm 2 giai đoạn gồm giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp. Trong đó, giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9): Giáo dục lịch sử là nội dung bắt buộc.
Ở cấp tiểu học, từ lớp 1 đến lớp 3, nội dung giáo dục lịch sử được thực hiện trong các môn học Tự nhiên và Xã hội với tổng thời lượng cho cả 3 năm học là 210 tiết (so với Chương trình giáo dục phổ thông 2006 chỉ có 140 tiết); ở lớp 4 và lớp 5, nội dung giáo dục lịch sử được tích hợp trong môn Lịch sử và Địa lí, là môn học bắt buộc với tổng số 140 tiết.
Ở cấp học trung học cơ sở, nội dung giáo dục lịch sử được tích hợp trong môn Lịch sử và Địa lí, là môn học bắt buộc ở tất cả các lớp, từ lớp 6 đến lớp 9, với tổng số 420 tiết, trong đó 50% thời lượng dành cho phân môn Lịch sử.
Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12), Lịch sử được bố trí là một môn học trong tổ hợp khoa học xã hội. Chương trình môn Lịch sử cấp trung học phổ thông (với tổng thời lượng 315 tiết, so với Chương trình giáo dục phổ thông 2006 chỉ có 140 tiết) hệ thống hoá, củng cố kiến thức thông sử ở giai đoạn giáo dục cơ bản, đồng thời giúp học sinh tìm hiểu sâu hơn các kiến thức lịch sử cốt lõi thông qua các chủ đề, chuyên đề học tập.
Bộ GD&ĐT khẳng định, cách sắp xếp các môn giáo dục lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là phù hợp với xu hướng giáo dục quốc tế, có căn cứ khoa học và phù hợp với các mục tiêu lớn của giáo dục quốc gia.
Chương trình giáo dục phổ thông mới được thông qua từ năm 2018. Sau bốn năm chuẩn bị, khi sắp được triển khai với lớp 10, chương trình vấp phải nhiều ý kiến tranh cãi về việc để Lịch sử là môn lựa chọn.