Quốc gia nắm giữ mỏ tài nguyên cả thế giới khao khát: Tại sao người dân "kịch liệt" phản đối khai thác dù lợi nhuận kếch xù?
Hoạt động khai thác khoáng sản mặc dù đem lại thu nhập rất lớn nhưng cũng có tác động không nhỏ tới môi trường và sinh kế của nhiều người dân.
Người nông dân tên Ratna, 65 tuổi, đi chân trần trong 40 phút qua một đồn điền trên ngọn đồi phủ đầy cây điều và dừa tươi tốt trên đảo Wawonii của Indonesia.
Không khí và đất ẩm ướt sau trận mưa như trút nước vừa tạnh chưa đầy một giờ trước đó, nhưng điều đó không cản được những bước đi thoăn thoắt của bà.
"Chúng ta gần đến nơi rồi," bà nói.
Vài phút sau, bà chạy xuống một con lạch. "Đây, đây là đất của tôi! Còn chiếc máy xúc thì ở phía đó khi chúng tôi đụng độ với họ," bà nói trong khi chỉ vào một điểm gần nhánh sông.
Người phụ nữ tên Ratna đã đề cập đến cuộc đối đầu giữa cư dân và công nhân từ công ty khai thác niken Gema Kreasi Perdana (GKP) vào đầu tháng 3/2022. Người dân địa phương đã la hét và nằm xuống đất để cố gắng ngăn máy xúc của GKP tiến về phía trước. Máy xúc đã phải dừng lại.
Bà Ratna là một trong nhiều người dân đảo Wawonii phản đối sự hiện diện của công ty này trên hòn đảo nhỏ chỉ với 37.000 dân.
Họ đã chiến đấu để phản đối các hoạt động khai thác trong 5 năm qua, với hy vọng bảo vệ sinh kế và môi trường vì họ sợ rằng việc khai thác sẽ làm tổn hại cuộc sống của họ.
Tình trạng này xảy ra giữa lúc Indonesia đặt mục tiêu trở thành một "ông lớn" trong ngành công nghiệp xe điện (EV) vì quốc gia này là nhà sản xuất niken lớn nhất thế giới, một thành phần chính trong pin cung cấp năng lượng cho các phương tiện.
Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS), vào năm 2021, Indonesia là nước sản xuất niken lớn nhất thế giới với sản lượng một triệu tấn niken.
Khoảng 22% trữ lượng niken được biết đến trên thế giới nằm ở quần đảo này. Vì các quốc gia trên toàn cầu đang cố gắng chuyển từ các phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch và chuyển sang xe điện tạo ra ít khí thải nhà kính hơn, nên Indonesia muốn tận dụng cơ hội phát triển thông qua sản xuất pin EV.
Không dừng ở đó, chính phủ Indonesia cũng đặt mục tiêu sản xuất xe điện trong nước.
Mặc dù lợi ích kinh tế có vẻ rõ ràng, nhưng không phải tất cả người dân địa phương đều thấy bị thuyết phục. Một số nhà phân tích môi trường cho rằng cách mà Indonesia đang thực hiện để hoàn thành mục tiêu có thể sẽ phải trả giá đắt, trừ khi các quy định được tuân thủ chặt chẽ.
Kế hoạch đầy tham vọng
"Chúng ta phải trở thành một nhân tố quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành công nghiệp ô tô điện", Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết khi khánh thành nhà máy Hyundai Motor tại Bekasi, Tây Java.
Là quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên, Indonesia từ lâu đã là nước xuất khẩu nguyên liệu thô.
Trong nỗ lực thúc đẩy các ngành luyện kim nước này, chính phủ Indonesia đã cấm xuất khẩu quặng niken vào năm 2014 để quặng này được xử lý trong nước.
Trữ lượng niken của Indonesia chủ yếu nằm ở ở các tỉnh Bắc Maluku, Trung Sulawesi và Đông Nam Sulawesi, đây cũng là những khu vực sản xuất niken chính.
Ngoài mục tiêu trở thành quốc gia đứng đầu trong ngành công nghiệp xe điện, tổng thống Indonesia còn tuyên bố rằng nước này cũng phải chuyển đổi từ ô tô chạy bằng nhiên liệu hóa thạch sang ô tô điện.
Ông nói thêm rằng vào năm 2024, Indonesia sẽ sản xuất xe điện và các bộ phận liên quan khác.
Thu nhập và cơ sở hạ tầng tốt hơn
Việc ngành công nghiệp niken thúc đẩy kinh tế là điều khá hiển nhiên vì rõ ràng nó sẽ mang lại việc làm, đầu tư nước ngoài và tiền thuế.
Ông Jokowi cho biết trong lễ khánh thành, chỉ riêng nhà máy sản xuất pin EV ở Karawang đã là khoản đầu tư trị giá 1,1 tỷ USD. Tính đến năm 2020, Khu công nghiệp Morowali Indonesia (IMIP) đã tạo ra ít nhất 40.000 việc làm ở Trung Sulawesi.
Tại Konawe, cách thủ phủ Kendari của Đông Nam Sulawesi khoảng một giờ lái xe, người dân địa phương được CNA phỏng vấn cho biết thu nhập của họ đã tăng lên.
Chủ cửa hàng bán quần áo Wati, 40 tuổi, đến từ một tiểu khu ở Kendari và có một cửa hàng ở đó. Nhưng giờ cô đã mở một cửa hàng khác ở khu công nghiệp của Konawe vì ở đây có nhu cầu cao hơn.
"Vào những ngày đẹp trời, tôi có thể kiếm được 5 triệu rupiah (khoảng 8 triệu VNĐ). Ở cửa hàng kia, doanh thu không tốt lắm", người phụ nữ giấu tên cho biết.
Tương tự, ông Ardiman, người sở hữu một siêu thị mini, cho biết trước khi khu công nghiệp được thành lập, ông có thể kiếm được khoảng 3 triệu rupiah (khoảng 4,5 triệu VNĐ) mỗi ngày. Giờ đây, người đàn ông 50 tuổi cho biết ông kiếm được tới 40 triệu rupiah (khoảng 62 triệu VNĐ) mỗi ngày.
GKP, công ty khai thác niken ở Wawonii, cho biết họ cũng đã mang lại cơ sở hạ tầng tốt hơn cho người dân địa phương.
Tác động tới môi trường
Nhân viên xã hội Rismanto, sống cách nhà máy điện than ở Bắc Konawe phục vụ khu công nghiệp Konawe khoảng 1 km, rất thất vọng về tình trạng ô nhiễm môi trường.
Ông Rismanto cho biết thêm: "Tác động có thể cảm nhận trực tiếp là lượng bụi than bay trong không khí, được gió cuốn đến các khu dân cư trong bán kính khoảng 4km. Điều này xảy ra do hoạt động bốc dỡ than".
"Không chỉ vậy, chúng tôi còn thường xuyên thấy ô nhiễm trực tiếp từ nhà máy than. Khói từ các phễu bay thẳng lên trời rất rõ. Xe ô tô vận chuyển than cũng kéo theo bụi, rất đáng lo ngại."
Ông Rismanto nói rằng nhiều dân làng đã bị các vấn đề về hô hấp, mặc dù rất khó để họ chứng minh rằng đó là hậu quả của ô nhiễm không khí.
Còn ở Morowali, ngư dân buộc phải chuyển đổi công việc để trở thành lao động phổ thông do sản lượng hải sản sụt giảm sau các hoạt động khai thác niken.
"Sinh kế của người dân đang bị đe dọa do khai thác mỏ," ông nói.
Bắc Maluku và Sulawesi là nơi sinh sống của các loài có nguy cơ tuyệt chủng và nằm gần Tam giác San hô ở Thái Bình Dương, nơi có tới 75% các loài san hô trên thế giới.
Ông Nahar tuyên bố các khu công nghiệp IMIP, IWIP và Konawe đều ở gần vịnh và các công ty đổ chất thải của họ ra biển.
Cư dân Wawonii vẫn phản đối khai thác niken
Wawonni ở cách Kendari ba tiếng rưỡi đi phà. Người dân địa phương cho biết họ không muốn kết thúc giống như cư dân ở Bắc Konawe và Morowali.
Người nông dân Ratna nói rằng bà không muốn công ty khai thác mỏ GKP hoạt động ở đó vì nó sẽ có tác động rất lớn đến môi trường.
"Nếu họ vứt chất thải xuống biển và người dân ở đây sẽ không thể đánh bắt cá vì nước biển bị ô nhiễm. Tác động là rất lớn", bà nói.
Một nông dân khác, Sariah, 50 tuổi, lo lắng rằng các hoạt động của công ty sẽ lấn sang nông trại của bà, gần nơi GKP muốn giải phóng mặt bằng.
"Tôi là một góa phụ với bốn đứa con. Cuộc sống của chúng tôi phụ thuộc vào trang trại", bà nói.
Cư dân Wawonii nói với CNA rằng trong vài năm qua, cuộc sống hàng ngày của họ đã bị gián đoạn do xung đột với các đợt khai thác mỏ.
Với diện tích 867 km vuông, Wawonii được phân loại là đảo nhỏ theo quy định của Indonesia về quản lý các vùng ven biển và đảo nhỏ. Được biết, quy định cấm khai thác khoáng sản trên các đảo nhỏ được ban hành vào năm 2007.
Đại diện chính phủ Indonesia cho biết chính phủ sẽ đảm bảo rằng môi trường được bảo vệ.