Quốc bảo 2.600 năm, cứ đổ nước là sinh vật bên trong chuyển động
Bảo vật hàng nghìn năm có vẻ ngoài giống chảo rán được chế tác độc đáo và tinh xảo, khiến các nhà khảo cổ học vô cùng bất ngờ. Vì sao cứ đổ nước là sinh vật bên trong lại chuyển động?
Không phải chảo rán, bảo vật này thực chất là một cái khay đồng, được khai quật ở tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. Ngay sau khi được khai quật, chiếc khay này không may bị thất lạc ở nước ngoài, sau đó được một doanh nhân phát hiện ra trong một cửa hàng đồ cổ ở Ma Cao và mua với giá cao.
Sau đó, đến ngày 11/6/1997, người này đã tặng cái khay cho nhà nước. Hiện nay, cái khay bằng đồng với niên đại khoảng 2.600 năm đang được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Thượng Hải.
Vậy, cái khay này có gì đặc biệt?
Cái khay bằng đồng này có tên gọi là "Khay Tử Trọng Khương", cao 18 cm, đường kính 45 cm và nặng 12,4 kg. Khay được sản xuất vào đầu thời Xuân Thu (771 TCN – 476 TCN), có hai tay cầm bằng đồng, dưới ba chân khay có ba con hổ. Mặt trước và mặt sau của khay hình rồng, xung quanh viền có hoa văn vân mây.
Đặc biệt, cái khay đồng còn được trang trí bằng nhiều loại sinh vật sống dưới nước. Các sinh vật này được chạm nổi và chạm khắc dọc, bao gồm cá, rùa, ếch… Điểm thú vị là mỗi con vật được chạm khắc rất sinh động và có thể xoay tròn 360 độ.
Theo các nhà khảo cổ, điểm đặc biệt của cái khay 2.600 năm chính là trong đĩa có đúc 31 con vật được sắp xếp một cách đan xen nhau thành 5 vòng trong khay. Trong số đó có 11 con vật được chế tác đặc biệt khi có thể xoay 360 độ ở đáy khay.
Khi người dùng đang rửa tay, nước sẽ chảy xuống khay và chạm vào những con vật nhỏ ở trong đó. Ngay khi có nước chảy xuống, 11 con vật trong khay sẽ xoay một cách ngẫu nhiên và liên tục, trông rất thú vị và bắt mắt.
Bảo vật là món quà cho tình yêu
Các chuyên gia phát hiện có dòng ký tự khắc trong cái khay cổ. Trên cái khay có khắc 6 dòng với 32 chữ, đại ý nội dung là có một vị thái sư của nhà Chu đã cho người làm chiếc khay này để tặng vợ ông là Khương thị. Cái khay này cũng được đặt tên là Trọng Khương, theo tên của vợ ông. Cái khay độc nhất vô nhị này được làm ra với mục đích vừa là vật cầu phúc, vừa có thể là vật gia truyền.
Việc chọn một cái khay để làm quà thực sự rất hiếm. Tuy nhiên, cái khay đồng này lại là đồ vật không hề tầm thường khi được chế tác vô cùng độc đáo và sinh động.
Các chuyên gia nhận đinh, tay nghề của những người thợ thủ công thời Xuân Thu quả thật tài giỏi khi có thể làm ra một món bảo vật kỳ công như vậy, nhất là trong thời kỳ công nghệ còn kém rất xa so với hiện đại.
Ngoài tay nghề tinh tế, khéo léo, khay Tử Trọng Khương còn mang ý nghĩa tốt lành. Các con vật trong khay như cá, ếch, rùa... trong khay tượng trưng cho những lời chúc phúc khác nhau. Cụ thể, cá và ếch là biểu tượng của nhiều con và phước lành. Trong khi đó, rùa là biểu tượng của sự trường thọ, còn loài chim nước có thể là tượng trưng cho hôn nhân hạnh phúc.
Do đó, các chuyên gia cho rằng, vị thái sư này tặng chiếc khay và mong muốn vợ mình có nhiều phúc lành, nhiều con, trường thọ, cát tường, hạnh phúc và bình an.
Khay là một vật dụng thường được dùng trong yến tiệc thời nhà Thương, nhà Chu. Trước và sau yến tiệc đều tiến hành nghi thức rửa tay, người xưa thường dùng một cái khay hoặc chậu để hứng nước bỏ đi.
Cái khay có niên đại 2.600 năm được dùng để chứa nước khi rửa tay. Vị thái sư tặng khay đồng cho vợ với mong muốn mỗi khi nàng rửa tay đều thấy được tâm ý của ông. Món quà này là lời chúc phúc chân thành nhất của ông dành cho người vợ yêu quý.
Hơn nữa theo các chuyên gia, thời xa xưa, các cuộc hôn nhân phần lớn là thông qua ông mai, bà mối sắp đặt. Do đó, trước khi kết hôn, sính lễ được coi là một phần quan trọng thể hiện thành ý của gia đình người đàn ông muốn kết hôn với người con gái đã chọn. Vì vậy, cái khay Tử Trọng Khương này không chỉ là một di vật văn hóa vô cùng quý giá mà còn là vật chứng cho tình yêu của người chồng dành cho vợ của mình cách đây 2.600 năm.
Ông Mã Thừa Nguyên, người phụ trách Bảo tàng Thượng Hải, cho biết người ta thường cho rằng đầu thời Xuân Thu là thời kỳ đình trệ hoặc thoái trào của công nghệ đúc đồng. Tuy nhiên, công nghệ đúc đồng của cái khay cổ này đã phản ánh một tầm cao công nghệ ít được biết đến trong thời đại này.
"Trong nhiều đồ đồng thời nhà Thương, nhà Chu hiện có, không có đồ đồng nào sánh được với bảo vật này. Đây quả là một đồ vật hiếm có và kỳ lạ trong thiên hạ", ông Mã chia sẻ thêm.
Cái khay đồng 2.600 năm đã được công nhận là bảo vật quốc gia và được coi như là "báu vật" của Bảo tàng Thượng Hải hiện nay.