Nhịp sống thong thả ở "vương quốc tỏi" đầy nắng gió Lý Sơn
Tôi tin, bạn sẽ không lãng phí mấy ngày cuộc đời nếu đặt chân tới Lý Sơn, để tận hưởng những ngày sống rất khác.
"Gửi cho anh chút nắng gió Lý Sơn
Về với biển sóng rì rào gành đá
Cây bàng vuông mùa này xanh lá…"
Trên chuyến tàu từ cảng Sa Kỳ ra "vương quốc tỏi", có người đàn bà lạ lùng nào đó sau lưng tôi khẽ ngâm nga đoạn thơ bằng giọng lơ lớ ngắt quãng. Tôi nôn nao dập dềnh theo những con sóng lớn, mệt đến nỗi không dám mở mắt ra vì sợ. Nhưng nghe thấy những câu thơ dịu dàng đó, chợt biển trời xanh xao bỗng yên bình trong thoáng chốc.
Huyện đảo Lý Sơn mùa nắng chói chang.
Lý Sơn trong hình dung của tôi là 2 mùa mưa bão và nắng gió. May mắn thay, tôi không quay vào ô "mưa bão". Đặt chân xuống cầu cảng trong tư thế quay mòng mòng, tôi hít đầy thứ hương mặn mòi trong mát, rồi sải bước trong cái nắng trưa chói chang nhưng chẳng hề oi bức chút nào. Vì ở đây có bao giờ thiếu gió đâu.
Cô chủ nhà nghỉ đón tiếp tôi không thể nồng nhiệt hơn, mở cửa căn phòng nhìn thẳng ra bờ biển, với chiếc ban công xinh xinh xếp đầy những cây bàng vuông chỉ cao bằng đứa trẻ lên 2. Cả gia đình cô đang ăn cơm trưa trên chiếc bàn đá ngay giữa sân. Một bát canh cá biển, vài lát đậu rán, và mấy củ hành tươi. Song, cái làm tôi tròn xoe mắt là rổ mía. Chao ơi, mía Lý Sơn bự chảng, khúc nào khúc nấy mập như cườm tay em bé!
Cuộc sống trên đảo đã hiện đại, đông đúc nhộn nhịp hơn trước rất nhiều, dân ngụ cư cũng đông hơn.
Và đây, đặc sản làm nên tên tuổi Lý Sơn được bày bán khắp mọi ngõ ngách trên đảo.
Tuy nhiên, tháng 8 không phải mùa tỏi, đến đảo tầm này chỉ sực nức mùi hành.
Hành khô, hành tươi trải một màu tím hồng rực rỡ quanh các khu chợ.
Nằm nghỉ một chút, tôi bắt đầu hành trình nho nhỏ buổi chiều dạo quanh hòn đảo xinh xắn. Khu tôi ở có vẻ như là nơi sầm uất nhất ở Lý Sơn, nhịp sống vội vã, náo nhiệt không kém thị thành đất liền. Khách sạn, nhà hàng chen nhau như nấm. Ngư dân gánh cá tươi qua lại như mắc cửi, du khách cả Tây lẫn ta đeo kính râm, quần đùi áo váy ngồi uống café ven biển, hoặc cũng thơ thẩn dạo chơi như tôi.
"Tỏi cô đơn bốn (bán) rẻ nè cô", "Trăm tốm (tám) một cân mua đi cô ơi!", "Xoa xoa 10 ngồn (ngàn) một ly nè"… Những tiếng chào mời ken đặc dọc con đường vào thôn An Hải, tôi đứng căng tai ra mà vẫn chỉ hiểu được chừng đó giọng người dân địa phương. Lạ tai lắm. Họ bán sản vật biển khơi quê hương, và tất nhiên nhiều nhất vẫn là hành tỏi. Tò mò hỏi giá vài món, tôi cũng mua được mấy bịch tỏi làm quà. Người Lý Sơn thật thà chất phác, thân thiện vô cùng.
Người dân nơi đây sống nhàn tản, đơn sơ, hòa mình với thiên nhiên.
Xuyên qua khu phố chính ven cảng biển, đi sâu vào làng An Hải, những thanh âm ồn ã biến mất. Trời cao vòi vọi không một gợn mây, nắng trải dài trên những cánh đồng toàn cát trắng, những khoảng ruộng đan xen đủ màu đẹp như tranh: màu trắng của hành mới nhú, màu tím biếc của hành đã vào vụ, lá ngô vàng vàng, mấy luống dưa hấu xanh um… Quanh đó là nhà dân, chỗ san sát nhau toàn nhà cấp 4, không thì mỗi ruộng 1 nhà, cách xa cả cây số. Nhịp sống ở đây có vẻ chậm rãi, thong thả. Vài em bé đạp xe cùng cụ già đi lang thang trên con đường mới rải bê tông, bé xíu xiu mà nước da đã rám đen rắn rỏi.
Nhác thấy một người phụ nữ đang lum khum bên ruộng hành, tôi lại gần trò chuyện. Thì ra cô đang bơm nước tưới hành. Bao thế hệ dân đảo Lý Sơn đã quen với việc trồng hành tỏi làm nguồn sống, giờ họ cũng biết áp dụng nhiều kỹ thuật hiện đại, lắp máy móc, phun sương tự động… nên đỡ vất vả hơn. Quanh năm "bán mặt cho cát bán lưng cho hành", chỉ họ mới hiểu tâm tình của hòn đảo với thứ đặc sản ấy.
Cô Lộc (44 tuổi) sinh ra và lớn lên trên đảo Lý Sơn, chưa một lần ra khỏi những con sóng.
Cô cũng theo nghiệp trồng hành như bao gia đình khác trên đảo, quen mùi hành tỏi từ bé.
"Mùa này không phải mùa tỏi, tháng 9 mới bắt đầu trồng tỏi cơ, giờ là chờ vụ hành tím".
"Trồng hành tỏi không vất vả mấy đâu, giờ có máy hết rồi, nhàn lắm, thu nhập cũng khá".
Cạnh ruộng hành nhà cô Lộc, một chị gái khác miệt mài dọn cỏ một mình, chuẩn bị trồng vụ hành mới.
Những củ hành mập mạp còn sót lại từ đợt thu hoạch trước, vùi dưới cát nóng mà vẫn tươi thơm.
Những củ hành bé xinh đã nuôi sống bao thế hệ người dân trên đảo.
Lý Sơn ban ngày đã đông đúc là vậy, khi đêm xuống lại càng vui hơn. Chợ đêm họp ngay trên tuyến đường chính gần bến cảng, toàn quán nhậu với hàng chục loại tôm cua cá ốc bày la liệt ven đường. Thích ăn gì cứ sà vào xem, hỏi giá thoải mái, không hề đắt đỏ chút nào, mà cao lương mỹ vị thì chắc chắn đủ thỏa mãn mọi cơn đói và cơn hiếu kỳ. Cua huỳnh đế, tôm hùm, ghẹ hoa, ốc xà cừ… con nào con nấy bơi bò tung tăng trong chậu, chỉ cần bạn gật đầu là 5 – 10 phút sau đã có đĩa đồ ăn thơm phức trên bàn. Tôi thích cái không khí náo nhiệt ở đây, như phố ẩm thực Hà Nội vậy, đâu đó có tiếng radio ngân nga cũ kỹ, thổi chút tĩnh lặng vào nhịp sống lúc 10h đêm.
Chợ hải sản đêm kiêm chợ "ăn nhậu", địa điểm được yêu thích nhất khi tới Lý Sơn.
Ăn xong, tôi lững thững đi bộ về phòng nghỉ, vô tình đá phải quả bàng vuông khô đét, to như quả dừa, bèn lôi điện thoại ra chụp. Ngoảnh nhìn xung quanh, mới nhận ra người dân trên đảo tắt đèn ngủ sớm như ở quê. Mặc kệ đám khách du lịch ham vui quên giờ giấc như tôi, những căn nhà lâu đời ở đây vẫn giữ nguyên nếp sinh hoạt cũ, chẳng ai bận tâm chúng tôi làm gì nghĩ gì, 10h đêm là tất cả chìm vào bóng tối tĩnh lặng. Điện ở đảo cũng là tài nguyên quý giá lắm.
Bình minh trên đảo ngày nhiều mây.
Khoảnh khắc ấm áp đáng nhớ trên đỉnh cao nhất Lý Sơn.
Nắng lên nhanh như chớp mắt, biển lóng lánh rì rào.
Theo lời người dân kể lại, thì những mỏm đá đen nhánh đầy muống biển và cây phong ba này là nham thạch núi lửa từ cách đây hàng nghìn năm. Đứng đây tận hưởng bình minh là trải nghiệm đáng nhớ trong đời.
Sáng hôm sau tôi lục cục dậy từ 4 rưỡi để chạy xe lên mỏm đá cao nhất Lý Sơn. Bình minh chưa ló rạng, quang cảnh hùng vĩ đã hiện ra theo từng cung đường. Lý Sơn như chàng hoàng tử ngủ quên giữa biển khơi, những ngọn núi xanh ngắt lừng lững trải dài quanh đảo, đứng từ đỉnh Thới Lới nhìn xuống, các bãi đá lô nhô mạnh mẽ đón hàng triệu đợt sóng cồn. Đại dương bao la như khối ngọc thạch khổng lồ, nước trong veo, thấy rõ cả dãy san hô rực rỡ gần bờ, đẹp không ngôn từ nào tả xiết.
Đứng gần cột cờ, rất nhiều khách du lịch đã đến trước tôi, tranh nhau chụp hình check in đủ kiểu, có cả những gia đình nhỏ ngắm mặt trời mọc bên nhau rất dễ thương. Trở về đất liền, chắc tôi sẽ mất ngủ nhiều đêm vì nhớ hương gió biển mát lạnh trong veo, cùng cảm giác hạnh phúc thỏa mãn trong khoảnh khắc ánh dương đầu tiên xuyên qua kẽ tay.
Ngắm bình minh xong thì khắp nơi đã chan hòa nắng gió, tôi lại vội vã trở về để đi cano ra đảo Bé cách Lý Sơn quãng 25 phút. Ở đó nghe nói cũng có làng bích họa như ở Tam Thanh, nhưng ít tranh hơn. Cuộc sống ở nơi ấy cũng nguyên sơ thanh bình hơn hẳn, chưa biến đổi quá nhiều vì nhu cầu du lịch. Xuống khỏi cầu cảng, lập tức các bác tài xe điện vây quanh khách du lịch chúng tôi, mời đi xe tham quan khắp đảo với giá chỉ 30 nghìn/người.
Đừng đến Lý Sơn trong thời gian ngắn ngủi, vì thật tiếc nếu không "ngấm" hết phong vị sống nơi đây.
Cuộc sống người dân đảo Bé Lý Sơn có thêm sắc màu, cuốn hút khách du lịch hơn nhờ những bức bích họa.
Ngắm nhìn những chú rùa, vích, sứa... sinh động trên tường nhà, ai cũng cười vui hạnh phúc. Họ thích những bức họa ấy, vì nó đẹp, gần gũi, và đều là linh vật của biển khơi.
Những người ngoại đảo đến đây không ai có thể bỏ qua điểm nhấn thú vị của hòn đảo xinh đẹp.
Chỉ 2 giây tự sướng ở bức tường đầy nắng nôi này, cũng đủ để khối người nơi thành thị phải ghen tị.
Các cặp đôi đều thích lưu giữ kỉ niệm cùng tranh bích họa.
Dù trên đảo chỉ vỏn vẹn 5 bức, nhưng cũng đủ để thu hút đam mê khám phá.
Mọi bức hình đều mang thông điệp bảo vệ đại dương đầy ý nghĩa, được người dân trên đảo trân trọng vô cùng.
Quả nhiên, không hề thất vọng khi được dịp tham quan ngôi làng nhỏ đảo Bé. Tôi được mục sở thị 5 bức bích họa đang tồn tại trên đảo, bức nào cũng sống động đầy ý nghĩa. Khắp nơi nhà nào cũng có vườn cây xanh mướt, với những chiếc lu to đùng để hứng nước mưa sinh hoạt. Ồ, họ có cả chảo thu phát sóng, xem bóng đá, phim truyện rộn ràng luôn, tốt hơn trước rất nhiều.
Anh lái xe tôi quên hỏi tên, sống ở đảo đã gần chục năm, đem cả gia đình đến ngụ cư theo diện "xây dựng quê hương". Biết là nhiều khó khăn vất vả, nhưng nếu ở mãi nơi làng chài ven biển đất liền, có lẽ các con anh chưa có tấm áo lành để vui đùa với chúng bạn như bây giờ, cũng chẳng dễ để có ngôi nhà vững chãi bất chấp mưa nắng. Anh cũng như mấy trăm con người co cụm lại trên đảo, đều ôm hi vọng đổi đời với hòn đảo toàn nham thạch đã tắt từ thời tiền sử, hiển hiện qua nụ cười mặn mòi rướm mồ hôi...
Chuyến đi vỏn vẹn 1 ngày, nhưng tôi đã kịp thu lượm biết bao điều hay ho về cuộc sống dân ngụ cư trên hòn đảo thiên đường. Chuyện kể thì nhiều lắm, từng mảnh đất thổ cư đều cất giấu bao điều huyền bí hoang sơ. Viết vậy thôi, để còn có ngày trở lại.