Quê của Hà Đức Chinh không có muối, nhưng có rất nhiều món ăn siêu lạ như thế này
Đặc sản Phú Thọ toàn những món rất lạ nhé! Ai nghe tên lần đầu chắc chắn sẽ ngạc nhiên vô cùng đó.
Hà Đức Chinh được xem là nhân vật nhiều "muối" nhất của đội tuyển U23 trong những ngày vừa qua. Rất nhiều người thắc mắc, quê Hà Đức Chinh liệu có phải ở gần biển không mà lại có hẳn một "vựa muối" mang tên Đức Chinh như vậy?
Câu trả lời là không, không hề nhé! Quê Hà Đức Chinh ở Phú Thọ, chẳng gần biển nên không có muối. Tuy nhiên, Phú Thọ lại có rất nhiều đặc sản vô cùng lạ lẫm với nhiều người nơi khác.
Cọ ỏm
Phú Thọ là nơi trồng rất nhiều cọ, và quả cọ đã trở thành thứ nguyên liệu làm nên món cọ ỏm - thứ quà quê nổi tiếng ở miền đất này.
Cọ ỏm ngon nhất phải sử dụng những quả đã chín già, vỏ bóng, sau đó đem rửa sạch, luộc chín. Cách luộc cọ cũng phải thật khéo léo, không phải đổ vào rồi đun luôn mà phải chờ nước sôi liu riu thì mới cho chọ vào, đun nhỏ lửa. Khi dầu cọ từ quả thôi ra, nổi váng lên mặt nước, bám vào thành nồi nghĩa là quả cọ đã chín.
Cọ ỏm mềm, bên ngoài đen bóng nhưng bên trong vàng như mật. Quả cọ cho vào miệng có mùi thơm rất lạ, ai mới ăn lần đầu sẽ thấy hơi ngái nhưng ăn tiếp sẽ cảm nhận rõ vị bùi bùi, thơm thơm rất hấp dẫn.
Xáo chuối
Xáo chuối là một món đặc sản Phú Thọ vô cùng quen thuộc, nhất là ở Lâm Thao. Cách làm xáo chuối rất đơn giản, tuy nhiên không phải ai cũng làm được món xáo chuối ngon và đúng vị.
Nguyên liệu để làm nên xáo chuối là những quả chuối bánh tẻ, không quá xanh cũng không quá già, xương sườn lợn (có nơi dùng cá), tiết lợn, riềng, nước tương... Xương sườn chặt khúc được ướp với gia vị, xào cũng chuối xanh, chuối, giềng, nước tương rồi nêm thêm gia vị, sau đó đổ nước vào đun tới khi chín nhừ thì cho tiết lợn vào.
Xáo chuối ngon nhất là khi ăn nóng. Vị chuối ngọt bùi, mềm tan hoà với nước xương ninh ngọt, thêm mùi giềng lan toả vô cùng hấp dẫn.
Trám om kho cá
Ở Phú Thọ có 2 loại trám là trám chua và trám đen. Trám được sử dụng để kho cá là loại trám chua, quả nhỏ hơn ngón tay cái và khi chín có màu vàng xám.Để kho cá, người ta sẽ mang quả trám đi ngâm nước lạnh khoảng 2 - 3 giờ, chà cho sạch nhựa rồi mang đun nhỏ lửa, nước sủi lăn tăn thì bắc nồi xuống đậy vung kín. Sau đó, khi trám nguội thì tách bỏ hạt rồi cho vào kho cá.
Vị quả trám chua chua, lại có chút béo ngậy thấm vào từng miếng cá, làm cho món cá kho trở nên hấp dẫn hơn rất nhiều.
Tằm cọ
Quả không hổ danh là mảnh đất trung du gắn liền với cây cọ, bên cạnh món cọ ỏm, Phú Thọ còn có đặc sản tằm cọ vô cùng đặc sắc.
Để có món tằm cọ ngon thì phải tỉ mỉ từ lúc nuôi cọ để có được những con tằm béo mập, lớp da chuyển màu vàng trắng, thân tròn mẩy. Sau đó, tằm được làm sạch bằng cách cho vào giấm, sau đó xiên vào những chiếc xiên để nướng. Đặc biệt, lò nướng cọ phải là một chiếc lò đất nung chứa than hoa được đốt từ thân cây cọ già, để thành phẩm có thể ngon nhất và hấp dẫn nhất.
Rau sắn muối chua
Củ sắn thì quá quen, nhưng rau sắn thì có vẻ rất lạ lẫm với những người ở nơi khác. Tại Phú Thọ, món rau sắn lại rất quen thuộc.
Đến mùa sắn, người ta sẽ chọn những chiếc lá nếp của cây sắn (không quá già cũng không quá non), mang về rử sạch, vò kỹ rồi muối lên. Rau sắn muối ăn với cơm hoặc chế biến thành các món khác đều rất ngon, lạ miệng.
Bánh tai
Gọi là bánh tai vì những chiếc bánh khi làm xong có hình dáng giống với cái tai. Bánh được là từ bột gạo tẻ, nhân thịt lợn trộn với nhiều nguyên liệu, gia vị theo công thức gia truyền. Bánh được hấp cách thuỷ trong khoảng 30 phút.
Bánh tai vừa hấp xong còn nóng hổi, chấm với thứ nước chấm chua, cay, mặn, ngọt vừa đủ. Miếng bánh đủ độ dẻo, bùi, ngọt, béo ngậy và thơm, ngon vô cùng.
Rêu đá
Món ăn này phổ biến nhiều hơn ở những gia đình người Mường. Rêu lấy về từ suối hoặc trên các mỏm đá, làm sạch rồi trộn với tỏi thánh mỏng, gia vị và chút mỡ lợn rồi gói trong nhiều lớp lá. Sau đó, các bọc rêu sẽ được vần than nóng tới khi phần lá bọc bên ngoài cháy đen thì lấy rêu ở trong ra. Vị rêu hoà với mùi thơm của tỏi và các gia vị tạo nên hương vị rất lạ và đặc biệt. Du khách có thể được thưởng thức món này khi đến những vùng có nhiều người Mường sinh sống.