Quảng Trị: Bác sỹ từ chối mổ, trẻ 4,8kg mới sinh bị tật nguyền?
Cháu gái vừa lọt lòng mẹ đã bị tím tái, chẩn đoán gãy xương đòn, tràn dịch màng phổi, phổi xẹp, liệt cơ hoành, gan đẩy lên cao.
PV VietNamNet vừa nhận được đơn thư khiếu nại của gia đình sản phụ Trần Thị Thảo Tâm (SN 1995, trú thị trấn Bến Quan, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) phản ánh về những tắc trách của một số y, bác sĩ tại khoa Sản, bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Anh Trần Văn Thắng (SN 1993, chồng chị Tâm) cho biết: Ngày 14/11, gia đình anh đưa chị Tâm vào bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị để chuẩn bị sinh. Trước đó, các kết quả siêu âm cho thấy thai nhi ổn định và chẩn đoán cân nặng trên 4kg.
“Tại khoa Sản, chúng tôi gặp bác sĩ Linh (Lê Thị Tú Linh - PV) và đề xuất cho vợ tôi được mổ đẻ. Tuy nhiên, bác sĩ Linh cho rằng 'sao mà mổ, đẻ thường được thì cứ đẻ, chưa biết chi mà xin mổ” rồi chỉ định vợ tôi đi siêu âm”, anh Thắng nói.
Kết quả siêu âm cho thấy thai nhi bình thường, cân nặng khoảng 4,3kg. Vì thai nhi lớn, sợ sinh thường sẽ ảnh hưởng đến sản phụ nên gia đình lại xin bác sĩ cho mổ nhưng tiếp tục bị từ chối.
“Khoảng 12h cùng ngày, bụng vợ tôi đau quằn quại nên được mẹ tôi (bà Nguyễn Thị Tư - PV) đưa lên bàn đẻ. Vợ tôi muốn rặn đẻ và bảo mẹ gọi bác sĩ nhưng chỉ thấy 4 nữ hộ sinh.
Một lúc sau, bác sĩ Linh và bác sĩ Lực (Trần Đình Lực, BS điều trị - PV) tới lôi đỡ được thai nhi ra trong lúc em bé đã tím tái. Bác sĩ Lực hô hấp tiêm thuốc chừng 10 phút xong chuyển em bé đến phòng cấp cứu sơ sinh”, anh Thắng kể lại.
Cũng theo anh Thắng, cháu gái khi sinh nặng 4,8kg. Điều đáng nói, sau khi sinh ra, cháu được chẩn đoán gãy xương đòn bên trái và liệt bên tay phải; phổi xẹp một phần, gan đẩy lên cao, tổn thương thần kinh cánh tay phải và phải thở bằng máy, nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch.
Gia đình sản phụ cho rằng, cháu gái vừa sinh đã bị tật nguyền, sự sống mong manh là do một số y, bác sĩ tại khoa Sản của bệnh viện làm việc tắc trách.
Trao đổi với PV, ông Trương Xuân Nhuận, Phó giám đốc bệnh viện Đa khoa Quảng Trị xác nhận, lãnh đạo bệnh viện đã nắm được sự việc qua đơn khiếu nại của gia đình.
Đánh giá về nguyên nhân vụ việc, ông Nhuận cho rằng, do thai nhi to nên bị kẹt vai trong quá trình sản phụ chuyển dạ.
“Đây không phải là trường hợp hiếm gặp trong sản khoa. Với thai nhi lớn như vậy, khi đẻ mổ, dễ xảy ra sai sót và tai biến, đặc biệt là đối với sản phụ”, ông Nhuận cho biết.
Trước câu hỏi: Tại sao kết quả siêu âm cho thấy thai nhi nặng khoảng 4,3kg và người nhà đã nhiều lần xin được sinh mổ nhưng bác sĩ kiên quyết từ chối, ông Nhuận nói, chỉ số siêu âm thai nhi chỉ chính xác khoảng 50%, việc người nhà đề xuất sinh mổ chỉ mang tính tham khảo chứ không mang tính quyết định.
“Bác sĩ quyết định để chị Tâm sinh thường là căn cứ vào quá trình theo dõi, tiên lượng diễn biến trước sinh của sản phụ. Với trường hợp này, các bác sĩ có thiếu sót trong việc làm công tác tư tưởng cho bệnh nhân”, ông Nhuận nói.
Lãnh đạo bệnh viện đã giao phòng Kế hoạch tổng hợp lập hội đồng chuyên môn để đánh giá.
“Việc bây giờ là tập trung cứu chữa cho cháu bé. Chúng tôi cũng sẽ cho kiểm tra kỹ toàn bộ sự việc. Nếu phát hiện sự chủ quan, thiếu trách nhiệm của các y, bác sĩ thì sẽ đề xuất xử lý kỷ luật”, ông Nhuận nói.