Quầng sáng khổng lồ bao quanh Mặt trời khiến dân mạng xôn xao, "điềm báo" thiên tai hay hiện tượng tự nhiên thuần túy?

Diệp Anh,
Chia sẻ

Trưa ngày 21/5, trên bầu trời Lạng Sơn xuất hiện vòng hào quang sáng rực bao quanh Mặt trời khiến nhiều người tỏ ra thích thú.

Trên mạng xã hội đang lan truyền những hình ảnh về quầng sáng rực rỡ bao quanh Mặt trời ở Lạng Sơn và một số tỉnh thành miền Bắc. Ngay khi những hình ảnh này xuất hiện, nhiều người tỏ ra thích thú vì quầng sáng rất to bao quanh Mặt trời và không ít những lời "đồn đoán" được đưa ra.

Ảnh: Huy Hoàng, Quang Thắng, Hoàn Leo

Có người cho rằng đây là điềm báo thiên tai hoặc một thông điệp gì đó về tương lai, nhưng cũng không ít người nói rằng đây chỉ là một hiện tượng thiên nhiên bình thường mà thôi.

Ảnh: Quang Thắng, Lâm Phong Miên, Ly Hiếu

Hiện tượng này quan sát được rất rõ khi trời trong và vắng mây. Nói về hiện tượng này, theo Chủ tịch Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam (VACA) Đặng Vũ Tuấn Sơn, quầng sáng rực rỡ bao quanh Mặt trời gọi là quầng 22 độ, còn gọi là hào quang 22 độ.

Quầng sáng Mặt trời này còn được gọi là hào quang Mặt trời, cũng là hiện tượng thiên văn có tên khoa học là Halo. Chúng còn được gọi với tên gọi khác là "Nhẫn trăng". Những quầng hào quang này là các vòng ánh sáng bao quanh Mặt trời hoặc Mặt trăng khi có một lớp mây mỏng xuất hiện trên bầu trời. Như chúng ta đã biết, bầu khí quyển pha trộn nhiều loại khí, trong đó có oxy, nitơ và hơi nước. Ở một độ cao đủ lớn, hơi nước đặc và đông cứng lại thành tinh thể băng. Nó hình thành khi ánh sáng Mặt trời hoặc ánh trăng bị khúc xạ bởi hàng triệu tinh thể băng hình lục giác lơ lửng trong khí quyển.

Các tinh thể băng tạo ra quầng sáng thường lơ lửng trong các đám mây ti hoặc mây ti ở tầng đối lưu phía trên (5 - 10 km), nhưng trong thời tiết lạnh, chúng cũng có thể trôi nổi gần mặt đất, trong trường hợp đó chúng được gọi là bụi kim cương. Hình dạng và hướng đặc biệt của các tinh thể quyết định loại quầng sáng quan sát được. Ánh sáng bị phản xạ và khúc xạ bởi các tinh thể băng và có thể phân chia thành các màu do sự phân tán. Các tinh thể hoạt động giống như lăng kính và gương, khúc xạ và phản chiếu ánh sáng giữa các mặt của chúng, gửi các trục ánh sáng theo các hướng cụ thể.

Những hiện tượng quang học như quầng sáng xung quanh Mặt trời được xem là dấu hiệu dân gian dùng để dự báo thời tiết. Thông thường, chúng báo hiệu mưa hoặc gió sẽ đến trong vòng 24 giờ. Một vầng hào quang xuất hiện trên bầu trời thường là tiền đề cho những ngày mưa hoặc gió. Tuy nhiên, cũng có trường hợp những đám mây tạo ra hiện tượng này mà thời tiết không hề thay đổi.

Chuyên gia Đặng Vũ Tuấn Sơn khẳng định, dù không phải là hiện tượng thường gặp, nhưng quầng sáng đã được ghi nhận ở nhiều nơi trên thế giới. Người dân không cần quá lo ngại hoặc coi đó là điềm báo không may. Để bảo vệ mắt khỏi tác động tiêu cực của ánh sáng Mặt trời khúc xạ, mọi người nên tránh nhìn thẳng vào Mặt trời và đeo kính râm khi ra ngoài để bảo vệ đôi mắt của mình.

Chia sẻ