Quan điểm gây bão: Chừng nào Tiếng Anh vẫn là môn học xa xỉ thì có lẽ nền giáo dục vẫn còn quá lạc hậu!
Quan điểm này đang nhận được rất nhiều sự đồng tình của các bậc phụ huynh.
Thầy Giang Nguyễn, tên thật là Nguyễn Bá Trường Giang, được biết đến là Nhà sáng lập The Ivy - League Vietnam. Thầy từng tốt nghiệp khoa Kinh tế, Đại Học Cornell, New York và khoa Luật, Đại học Luật Boston, Mỹ; đồng thời từng giảng dạy tại Khoa Ngôn ngữ - Văn hóa Anh - Mỹ, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Thầy thường xuyên có những bài viết chia sẻ quan điểm về giáo dục nhận được rất nhiều sự quan tâm, đồng tình của các bậc phụ huynh vì tính thời sự, thiết thực. Mới đây nhất, thầy Giang Nguyễn có một chia sẻ về việc học bộ môn Tiếng Anh và nhanh chóng nhận được "bão like".
Được sự cho phép của thầy Giang Nguyễn, xin được chia sẻ lại bài viết như sau:
"Chừng nào Tiếng Anh vẫn là một môn học xa xỉ thì có lẽ nền giáo dục vẫn còn quá lạc hậu. Tôi nói thế có thể rất chủ quan nhưng tôi mạnh dạn nói. Có thể nhiều bạn sẽ phản biện khi cho rằng ngay cả ở các nước nói Tiếng Anh người ta vẫn phải dạy Tiếng Anh cho học sinh nước họ.
Đúng thế! Cũng giống như chúng ta vẫn phải dạy Tiếng Việt cho trẻ em Việt. Họ dạy Tiếng Anh để trẻ đọc được Shakespeare, hiểu được cả một nền văn học thời đại Victoria. Cũng như trẻ em Việt Nam học Tiếng Việt thông qua những bài câu chuyện như Thánh Gióng, những tác phẩm thơ của Nguyễn Du, hay các tác phẩm đương đại. Nước nào cũng phải dạy trẻ em hiểu được đất nước bằng ngôn ngữ của họ.
Nhưng việc học Tiếng Anh ở Việt Nam nó lạ lắm. Học để thi đấu, học để khoe, chứ chúng ta chưa nghĩ tới học để biết và thành thạo. Tôi nghĩ đã tới lúc chúng ta hãy coi việc học Tiếng Anh như một việc ăn cơm uống nước hàng ngày.
Thực sự việc học Tiếng Anh ở các thành phố lớn thì thuận tiện rất nhiều. Các cháu học ở trường bằng Tiếng Anh từ nhỏ. Sau này lớn lên cứ thế đọc thông viết thạo, ăn nói lưu loát. Những cháu này là số ít, thường là con nhà có điều kiện. Còn lại đa số là các cháu học môi trường Việt, nơi mà Tiếng Anh chỉ là một môn học, nên thời lượng quá ít.
Các cháu phải đi học thêm để mong thành thạo. Giá học thêm thì không phải rẻ, nhất là tại các đô thị lớn. Có khi một buổi học lên tới cả triệu. Con nhà giàu có mà luyện IELTS hay SAT 1-1 thì phải lên tới vài trăm đô mỗi giờ. Nếu gửi con ra những trung tâm lớn thì cũng phải tốn vài chục triệu một khóa.
Đã 20 năm nay người dân các thành phố ném không biết bao nhiêu tiền vào việc học Tiếng Anh. Khổ cái hết thế hệ anh qua đi thì thế hệ em lại tới. Lại phải học từ đầu. Tiếng Anh không có sự kế tiếp vì đơn giản chúng ta không tạo được môi trường Tiếng Anh trong chính cuộc sống hàng ngày như các nước nói Tiếng Anh như Singapore hay Philippines.
Cứ học rồi lại học nên Tiếng Anh đã trở thành một món hàng đắt giá mà bất cứ cha mẹ nào cũng mong muốn con mình phải thành thạo. Ngày nay ít ai nói đến mù chữ Tiếng Việt mà người ta nói mù chữ là mù Tiếng Anh. Khổ thật sự. Đi làm mà không viết được email bằng Tiếng Anh, không giao tiếp được là tự nhiên thấy mình kém cỏi mặc dù chuyên môn rất giỏi.
Ai cũng biết Tiếng Anh cần thiết nhưng không mấy người biết phải làm sao, tất cả đều cứ ném con ra ngoài kia, chấp nhận chi tiêu dù cũng "của đau con xót" mỗi lần quẹt thẻ. Con cái thì cứ ra khỏi lớp là quên gần hết. Ngồi lên xe về là rơi vãi lung tung. Tối đi ngủ tới hôm sau là quên sạch. Thực sự không đâu vào đâu cả. Chừng nào bọn trẻ không biết tự học Tiếng Anh thì chừng đó cha mẹ còn tốn tiền lâu dài.
Học Tiếng Anh đắt đỏ nên để duy trì nó thì y như nuôi... một con nghiện. Hết khóa này tới khóa khác. Dừng là nó quên hết ngay. Cho nên tôi mới dạy các cháu tự học. Nếu không thì tìm ra những cách học đơn giản nhất, gần gũi nhất mà lại nhớ lâu nhất.
Các thầy cô cũng nên tìm cách để dạy bọn trẻ hiệu quả nhất mà tiết kiệm nhất. Bây giờ thời đại của công nghệ, học qua zoom thì thu phí thật thấp cho phụ huynh dễ chịu. Không cần phải trực tiếp tới nhà cô vừa tốn công, mất thì giờ mà lai thêm tốn của. Các thầy cô có thể ghi âm ghi hình, truyền đạt tận tâm tới bọn trẻ.
Các thầy cô dạy luyện thi thì đừng giấu đáp án làm của chìm của nổi. Tôi nói thật là các thầy cô cứ dời cái đáp an ra là mù tịt. Tôi nói thế các thầy cô luyện thi đừng tự ái. Các bạn phải đọc nhiều, nghe nhiều cho kiến thức sâu sắc và hiện đại lên. Các bạn trẻ thi nhau lao vào dạy IELTS. Bạn nào cũng cố đi thi 8.0 IELTS trở lên để đi dạy IELTS kiếm tiền. Các bạn phải hiểu là bây giờ các cháu lớp 7 cũng thi được 8.0 rồi.
Để thực sự trở thành một người cô người thầy, các bạn phải bỏ thời gian ăn học đàng hoàng, chứ không phải chỉ cố luyện IELTS. Rất nông cạn. Các bạn phải cố gắng đi du học, nếu học về ngành Linguistics hay văn học Anh thì lý tưởng, nếu không cũng có sinh sống trong môi trường bản ngữ, biết thế nào là hàn lâm thực sự.
Tôi nghe một giáo viên nào đó, mở miệng là nói "tôi dạy Tiếng Anh hàn lâm", mà bản thân chưa từng học qua môi trường hàn lâm bao giờ. Liệu giáo viên này có biết trải qua môi trường hàn lâm thực sự, nó vất vả tôi luyện thế nào không? Nó không dễ như cách thầy quảng cáo đâu. Hai từ "hàn lâm", nó trách nhiệm và cao cả lắm, không đơn thuần là cái khẩu hiệu kiếm tiền đâu.
Các phụ huynh thì chẳng chịu tìm hiểu ai là người dạy con mình, cứ nghe người nọ nói này, nói kia là đua nhau cho học. Từ nay các phụ huynh cần thông thái hơn, chịu khó tìm hiểu chứ đừng chạy theo phong trào nhóm kín nọ, nhóm hở kia.
Có nhiều nhóm mục đích không hề tốt đẹp, mà lập ra với mục đích "lùa gà". Tôi biết có nhiều nhóm lập ra ban đầu cũng có vì cộng đồng nhưng sau đó là nơi thao túng tâm lý phụ huynh, rồi gom nhóm ăn phần trăm. Thực sự tôi thấy không văn minh khi làm tiền như thế.
Tôi khuyên các bạn đã làm thầy làm cô thì phải có thực chất. Trước hết phải tự trau dồi. Dạy học là nghề cao quý, trong đó có dạy Tiếng Anh. Biết Tiếng Anh thôi không đủ, mà phải am hiểu nhiều hơn thế.
Chúng ta cần phải tìm mọi cách để phổ cập tới nhiều đối tượng học sinh. Chúng ta cần làm cho Tiếng Anh trở nên dung dị hơn, chứ không nên đua nhau biến Tiếng Anh thành một thứ hàng xa xỉ, đắt đỏ khiến quá nhiều nguồn lực xã hội đổ vào đó. Cũng là nguồn lực ấy nếu được đầu tư cân bằng hơn thì có lẽ xã hội đã có thêm nhiều nhân tài thực chất hơn, đóng góp vào sự phát triển chung cho nhân loại.
Thế nên tôi mới nói: Chừng nào Tiếng Anh vẫn còn là một thứ xa xỉ thì đất nước này còn lạc hậu lắm. Đã tới lúc chúng ta cùng nhau suy nghĩ thật thấu đáo. Chúng ta đừng tìm mọi cách quảng cáo để câu dẫn biết bao phụ huynh nhẹ dạ cả tin, thiếu thông tin và hiểu biết nộp tiền đầy túi.
Chúng ta hãy tìm ra những cách nhân văn nhất để dạy bọn trẻ. Hãy kiếm tiền một cách con người nhất, đừng kiếm tiền trên sự nhẹ dạ hay tuyệt vọng của phụ huynh, mà chúng ta hãy thông qua môn Tiếng Anh, tạo ra giá trị thực sự cho thế hệ mai sau. Đó cũng là đóng góp lớn cho sự nghiệp giáo dục Việt Nam rồi".