Quần đảo Marshall trong đợt bùng phát COVID-19 đầu tiên với hàng nghìn ca mắc
Số ca mắc COVID-19 đang gia tăng trên quần đảo Marshall. Hiện quốc gia Thái Bình Dương này đang phải vật lộn với đợt bùng phát COVID-19 đầu tiên.
Trước khi làn sóng bùng phát COVID-19 đầu tiên diễn ra, nước Cộng hòa Quần đảo Marshall không ghi nhận ca mắc trong cộng đồng nào. Quần đảo Marshall cách Hawaii khoảng 2.500 dặm (khoảng hơn 4.000 km) về phía Tây Nam và cách Philippines 3.000 dặm (trên 4.800 km) về phía Đông.
Trong một bài đăng gần đây trên tài khoản Facebook của mình, Bộ trưởng Bộ Y tế Marshall Jack Niedenthal cho biết, 75% người được xét nghiệm trên đảo chính Majuro đều cho kết quả dương tính.
Trước khi bùng phát đợt dịch hiện tại, khoảng 60 trường hợp COVID-19 đã được báo cáo ở quần đảo Marshall trong suốt thời gian diễn ra đại dịch. Hiện tại, hơn 3.000 người đã có kết quả xét nghiệm dương tính chỉ trong 24 giờ tính đến ngày 13/8.
Con số thực có thể cao hơn vì tỷ lệ báo cáo có xu hướng thấp hơn vào cuối tuần.
Bộ trưởng Jack Niedenthal thông tin, 7 bệnh nhân COVID-19 đã phải nhập viện và 2 người đã tử vong.
Dân số của quần đảo này được ghi nhận là gần 60.000 người, và tỷ lệ tiêm phòng đạt khoảng 70%.
Tuy nhiên, ông Niedenthal tin rằng tỷ lệ tiêm chủng thực sự là gần 85% do dân số giảm trong thập kỷ qua.
Mọi người được khuyến cáo chỉ điều trị lâm sàng nếu họ có các triệu chứng nghiêm trọng như khó thở, sốt cao. Những người có các triệu chứng nhẹ đã được yêu cầu nghỉ ngơi, uống nước và uống paracetamol.
Ông Niedenthal nói thêm, ông tin rằng dịch COVID-19 có thể sẽ được kiềm chế trong vòng một tháng.
Quần đảo Marshall duy trì tình trạng hầu như không có người mắc COVID-19 trong hai năm qua bằng cách hạn chế nhập cảnh, kiểm soát biên giới.
Văn phòng Ngoại giao của Vương quốc Anh thông tin chính thức: "Việc đình chỉ hoàn toàn các du khách quốc tế nhập cảnh vào quần đảo Marshall vẫn tiếp tục diễn ra và các chuyến bay thương mại đến và đi từ quần đảo vẫn còn rất hạn chế. Có một số lượng nhỏ các chuyến bay hồi hương".
Hai chuyên gia từ Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ đã được cử đến quần đảo để giúp quản lý ổ dịch.