Quán cà phê hầu gái đầu tiên được khai trương tại Hàn Quốc: Bị chỉ trích nhưng khách vẫn đặt kín bàn đến hết tháng 3, nhân viên ứng tuyển đuổi đi không hết

NGUYỄN PHƯỢNG,
Chia sẻ

Một "quán cà phê hầu gái" mới được khai trương tại Seoul, Hàn Quốc vào ngày 15/3 vừa qua đang gây ra tranh cãi khắp các trang mạng xã hội. Mọi người cho rằng, việc các nhân viên ăn mặc như những cô hầu gái anime Nhật Bản có thể hạ thấp giá trị và thương mại hóa tình dục.

Nằm ở quận Mapo, "quán cà phê hầu gái" có 28 nữ nhân viên mặc váy xếp ly ngắn và đi tất lưới. Những người này tự nhận là "người giúp việc" phục vụ thức ăn, đồ uống và gọi khách hàng là "chủ nhân".

Chỉ hoạt động theo yêu cầu đặt trước, quán cà phê duy nhất thuộc loại này ở Hàn Quốc đã được đặt kín chỗ cho đến hết tháng 3 kể từ ngày đầu tiên mở cửa. Đặc biệt, theo đại diện quán cà phê, năm ngoái, hơn 300 người đã ứng tuyển vào các vị trí nhân viên chỉ trong một ngày.

Quán cafe hầu gái đầu tiên được khai trương tại Hàn Quốc: Bị chỉ trích nhưng khách vẫn đặt kín bàn đến hết tháng 3, nhân viên ứng tuyển đuổi đi không hết - Ảnh 2.

Quán cà phê hầu gái đầu tiên ở Hàn Quốc - Ảnh: Instagram

Bất chấp sự nổi tiếng ban đầu, quán lấy cảm hứng từ Nhật Bản gây tranh cãi trên mạng xã hội.

Một số ý kiến lo ngại rằng việc phụ nữ trẻ ăn mặc như hầu gái và hành động phục tùng chỉ để thỏa mãn cái nhìn của nam giới. Điều này có thể truyền tải một thông điệp sai lầm, ủng hộ sự phân biệt đối xử với nữ giới.

Trên tài khoản Instagram chính thức của quán cà phê, các bài đăng chi tiết về từng người phục vụ có nội dung: "Chủ nhân, tôi ở đây để làm bất cứ điều gì ngài muốn", "Trái tim tôi dành cho ngài, chủ nhân của tôi, sẽ không bao giờ thay đổi" và "Tôi hy vọng tình yêu và sự dễ thương sẽ khiến bạn cảm thấy được yêu thương và hạnh phúc".

Quán cà phê mở ở Seoul cũng có chính sách nghiêm ngặt "không đụng chạm" giống như những nơi khác.

Trên tài khoản Instagram chính thức, đại diện của quán cà phê tuyên bố rằng nơi này được mở nhằm "tôn vinh anime và tạo ra môi trường an toàn để mọi người trải nghiệm văn hóa".

Cư dân trong khu phố cũng có những phản ứng trái chiều về quán cà phê mới mở. Trong khi một số người nói rằng quán cà phê sẽ thúc đẩy nền kinh tế địa phương, đa số bậc phụ huynh lo lắng nơi này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều trường mẫu giáo và tiểu học trong khu vực.

Được biết, các quán cà phê hầu gái có nguồn gốc từ Nhật Bản vào những năm 1990, một phần của văn hóa cosplay. Quán cà phê hầu gái đầu tiên được mở ở Akihabara, một quận ở Tokyo nổi tiếng với nhiều cửa hàng điện tử và liên quan đến anime.

Trong các quán cà phê hầu gái (còn được gọi là meido kissa), các nữ nhân viên phục vụ thường mặc một loại trang phục hầu gái kiểu Pháp dễ thương. Họ sẽ mặc những chiếc váy ngắn được đính thêm những chiếc nơ đáng yêu, bên ngoài khoác thêm chiếc tạp dề trắng.

Quán cafe hầu gái đầu tiên được khai trương tại Hàn Quốc: Bị chỉ trích nhưng khách vẫn đặt kín bàn đến hết tháng 3, nhân viên ứng tuyển đuổi đi không hết - Ảnh 3.

Cà phê hầu gái là một nét văn hóa đặc trưng ở Nhật Bản

Quán cà phê hầu gái thường có khách hàng là những người hâm mộ anime (phim hoạt hình Nhật Bản), manga (truyện tranh Nhật Bản) và trò chơi điện tử. Họ mong muốn được nhìn thấy những nhân vật ấy phục vụ cho mình và khiến họ cảm giác như thể đang chìm đắm vào thế giới không gian hai chiều.

Cà phê hầu gái không chỉ là những quán cà phê với những cô gái phục vụ ăn mặc như những cô hầu gái. Ở đó, khách hàng được coi là "chủ nhân" (goshujinsama) của cung điện, và các nữ nhân viên phục vụ sẽ hành xử như thể họ là người hầu của khách hàng.

Thông thường trong tất cả các quán cà phê, người ta sẽ nói "Isasshaimase" (Chào mừng) khi khách hàng đến, và "Arigato gozaimashita" (Cảm ơn rất nhiều) khi họ rời đi. Tuy nhiên, trong các quán cà phê hầu gái, họ sẽ nói "Okaeri nasaimase, goshujinsama" (Chào mừng chủ nhân về nhà) khi khách hàng bước vào quán, và "Itterasshaimase, goshujinsama" (Hẹn gặp lại chủ nhân) khi họ ra về.

Tuy bạn có thể là "chủ nhân", nhưng có một điều cần tuân thủ. Cà phê hầu gái là một dịch vụ giải trí. Vì vậy, hầu hết các quán cà phê đều cấm chạm vào nhân viên phục vụ, bao gồm cả hành động bắt tay. Hình thức tiếp xúc cơ thể này có thể được chấp nhận ở những quốc gia khác, nhưng nếu bạn cố gắng làm điều này ở những quán cà phê hầu gái, họ sẽ yêu cầu bạn rời đi. 

Chia sẻ