Quả rừng lạ về Hà Thành, đặc sản màu đen nấu bát canh mất 1 tiếng
Một loại quả rừng quen thuộc ở Điện Biên nhưng còn khá mới lạ với người dân Hà thành. Thế nên, loại quả rừng đặc sản này đang được người săn mua về ăn với giá lên tới 100.000-120.000 đồng/kg.
Gần 4h chiều nhận được một túi quả lạ màu đen cùng cú điện thoại của con gái với nội dung dặn tách vỏ loại quả này ra lấy nhân để tối nấu với canh sườn, bà Đinh Thị Hoàng Lan (Nguyễn Hữu Thọ, Hoàng Mai, Hà Nội) đem ra rổ giá trong bếp cùng chiếc búa nhỏ ra ngồi đập từng quả lấy hạt.
Hì hục ngồi đập từng quả một tách vỏ lấy nhân, bà Lan nói: “Quả mắc ten con gái mua về ăn, đặc sản rừng Điện Biên. Làm khá mất công, được bữa ăn có khi mất cả tiếng đồng hồ ngồi đập nhưng đổi lại ăn ngon, bát canh thơm, bùi rất hấp dẫn”.
Mắc ten - loại quả rừng đặc sản ở Điện Biên đang được dân Hà thành săn mua về ăn
Bà Lan cho biết, đây là lần thứ hai bà ngồi tách vỏ lấy nhân, có kinh nghiệm hơn lần đầu nên chỉ cần dựng hạt lên lấy búa đập dập vỏ nhẹ 2 bên là tách được vỏ ra, nhân bên trong không bị vỡ nát. Lần đầu tiên bà không biết cách làm, đập mãi không xong, nhân đập được nát hết.
Cầm chiếc rổ chứa đầy nhân hạt mắc ten, bà Dung khoe: “Chỗ nhân này nhiều chia được 2 bữa. Tối nay nấu một nửa, nửa còn lại bỏ ngăn mát tủ lạnh mai ăn tiếp”.
Cũng vì khoái ăn loại quả đặc sản này nên chị Lê Thị Thanh Huyền ở Trần Phú (Hà Đông, Hà Nội) còn huy động cả nhà ngồi tách vỏ lấy nhân quả cho nhanh.
“Hai đứa con thì ngồi tách vỏ xanh, còn chị thì lấy búa ngồi đập vỏ đen bên trong. Làm thì cực nhưng luộc lên hoặc nấu canh xương ăn thì ngon”. Chị nói và cho biết, trên thì trường có nơi bán hạt mắc ten đã tách vỏ rồi, nhưng mình mua về tự tách bao giờ cũng tươi ngon hơn.
Loại quả này ăn bùi, béo ngậy thơm ngon, song khá vất vả khi tách 2 lớp vỏ của chúng ra
Theo chị Huyền, mắc ten là loại quả đặc sản rừng ở Điện Biên, chị mới biết đến năm ngoái. Năm nay, chị chờ mãi mới đến mùa để mua về ăn mà mỗi lần phải đặt hàng khá lâu mới có.
“Như chỗ mắc ten này tôi phải đặt mua trước 4 ngày từ một đầu mối trên Điện Biên. Mua 2kg họ không bán nên phải mua 5kg mỗi lần. Giờ ngồi tách vỏ ra để cấp đông tủ lạnh ăn dần. Bởi mùa mắc ten cũng chỉ kéo dài độ khoảng một tháng thôi. Không mua tích tủ lúc hết có muốn ăn cũng khó”, chị chia sẻ.
Trên thị trường, mắc ten là loại quả rừng đang được rất nhiều người lùng mua. Theo đó, loại mắc ten còn nguyên vỏ xanh có giá 80.000 đồng/kg, mắc ten tách vỏ xanh còn vỏ đen giá 100.000 đồng, riêng loại tách hết vỏ rồi giá lên tới 120.000 đồng/kg.
Các đầu mối cho biết, nhu cầu khách mua nhiều, trong khi nguồn hàng phụ thuộc hoàn toàn vào lượng quả bà con vùng bản ở Điện Biên thu hái được trong rừng. Do đó, khách thường phải đặt trước, nhanh thì 1-2 ngày có hàng, còn có đợt hiếm phải chờ tầm khoảng 1 tuần.
Đa phần các đầu mối chỉ tách sẵn lớp vỏ xanh mềm bên ngoài, lớp vỏ xanh cứng bên trong khách mua về phải lấy búa đập mới tách được
Loại tách sẵn trên thị trường có giá lên tới 120.000 đồng/kg
Trao đổi với PV. VietNamNet, chị Lê Thị Đào - một đầu mối bán đặc sản rừng ở Tuần Giáo (Điện Biên) - thừa nhận, mắc ten là loại quả rừng đặc sản ở Điện Biên đang được dân Hà Nội rất chuộng ăn. Do đó, trung bình mỗi ngày chị gửi xuống Hà Nội từ 50-100 kg mắc ten để trả đơn hàng cho khách.
Chị Đào cũng cho biết, đặc điểm của quả mắc ten là bên ngoài có lớp vỏ xanh mềm dễ tách. Sau lớp vỏ xanh, bên trong sẽ còn lớp vỏ đen khá cứng, phải lấy búa đập và dao tách ra mới lấy được nhân bên trong ăn.
Người dân ở Điện Biên mùa này thường vào rừng hái quả mắc ten hoặc nhặt những quả đã rụng dưới đất về tách lấy nhân luộc ăn hoặc nấu canh. Ăn thừa mới đem đi bán nên nguồn hàng của bọn chị gom mua được phụ thuộc vào dân bản vào rừng hái được ít hay nhiều.
Đặc biệt, mùa thu hoạch quả mắc ten khá ngắn, chỉ kéo dài 3-4 tuần. Bây giờ đang bắt đầu vào mùa, đến tầm khoảng cuối tháng 8 quả khi đó già, mọc mầm bên trong ăn sẽ không ngon.
Dân sành ở Hà Nội thích ăn quả này, cũng sợ hết mùa nên có nhà mua tích trữ rất nhiều để ăn dần.
Theo chị Đào, trên Điện Biên 1kg mắc ten nguyên vỏ xanh giá 50.000 đồng, còn vỏ đen giá 70.000 đồng. Khách Hà Nội đặt mua phải chịu phí vận chuyển từ Điện Biên về. Do đó, về đến Hà Nội giá thành sẽ đội lên khá cao.