Ploy Ngọc Bích: "Đừng cố dỗ dành mình rằng đi du lịch rẻ là vô địch!"
Trước cuộc tranh cãi sau câu chuyện du lịch giá rẻ ở châu Âu, nữ nhà văn Ploy Ngọc Bích đã có những chia sẻ vô cùng thú vị về quan điểm: "Không nên tự xoa dịu mình bằng cách dỗ dành rằng đi rẻ thật vô địch" của cô.
Câu chuyện đi "du lịch giá rẻ" đang là một trong những chủ đề gây tranh cãi nhất trong những ngày gần đây. Các bạn trẻ - chia ra làm hai phe với những quan điểm vô cùng rõ ràng và... hợp lý. Một bên cho rằng: Du lịch cần phải có đủ chi phí để trải nghiệm hết những điều thú vị, những tinh hoa văn hoá - như vậy mới thực là khám phá thế giới. Một bên lại nghiêng về ý kiến: Có thể hy sinh một chút tiện nghi để nhìn ngắm sự hùng vĩ của thế giới này cũng chẳng có gì tồi tệ.
Đứng giữa cuộc tranh luận, nữ nhà văn Ploy Ngọc Bích - một trong những nhà văn trẻ đang rất được yêu thích hiện nay. Cô gái trẻ này đã chia sẻ một đoạn status dài trên fanpage cá nhân, nói lên quan điểm của mình trước xu hướng "du lịch tiết kiệm hết mức", "du lịch giá rẻ". Dòng status đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm và đồng tình của nhiều bạn trẻ, bởi sự thuyết phục và chân thành xuất phát từ một trái tim người trẻ yêu dịch chuyển.
Để bạn đọc có cái nhìn cân bằng hơn về mỗi luồng quan điểm, chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện với Ploy Ngọc Bích và lắng nghe những chia sẻ của cô về chuyện du lịch, về những trải nghiệm trong những chuyến đi, và tại sao người trẻ không nên chỉ giới hạn mình trong những chuyến đi tiết kiệm hết mức có thể. Hay sự khác nhau giữa việc du lịch để thực sự hiểu về nơi mình đến, và du lịch để cưỡi ngựa xem hoa, rồi "ganh đua đấu giá" xem ai đi được rẻ hơn.
Tên: Trần Lê Ngọc Bích
Sinh ngày: 7/4/1986
Từng làm việc ở vị trí quản lý tại rất nhiều công ty lớn trong lĩnh vực truyền thông, marketing cả trong nước lẫn các nước trong khu vực.
Từng là một cây viết nổi tiếng của Hoa học trò, và tính đến năm 2015, cô đã có 7 đầu sách được xuất bản.
Ở ngoài đời, Ploy rất yêu du lịch và từng đặt chân tới không dưới 15 đất nước
Ý kiến của bạn trên Facebook, ngắn gọn lại thì có phải là: “Đi du lịch tốt nhất nên có chi phí dư dả”?
Không. Ý của mình là liệu cơm gắp mắm. Ví dụ nhé, thay vì kham khổ cố kiết đi hết chục nước châu Âu (chỉ là một cách dùng từ nhé!) trong vòng một tháng thì có thể đi năm nước thôi và dành tiền hưởng thụ trọn vẹn chuyến đi của mình, tham quan hết các danh thắng bảo tàng, ăn các món ngon nhất, vân vân. Style du lịch của mình là chất lượng hơn số lượng.
Tuổi trẻ, không có nhiều chi phí cho chuyện đi du lịch, phải dằn lòng mình lại trước mỗi chuyến đi vì không có đủ tiền tiêu xài thoải mái, như thế theo bạn liệu có phải là một suy nghĩ quá an toàn hay không?
Đây không phải suy nghĩ an toàn mà là suy nghĩ thực tế. Không cần phải chi xài thoải mái trong chuyến đi, tiết kiệm khác với kham khổ. Đừng mù quáng tin chuyện mình có thể vừa làm vừa đi, tiểu thuyết mới hay như thế. Thứ nhất, đi làm với visa du lịch là làm chui, là phạm pháp. Thứ hai, khả năng của bạn là thế nào mà ảo tưởng người ta sẽ mướn mình - tiếng Anh tốt không? Muốn vẽ hay chơi nhạc trên phố châu Âu thì cần biết dân nhạc viện, mỹ thuật châu Âu cũng làm như thế hàng ngày, bạn đủ trình như người ta chưa? Chưa kể, trở lại ý thứ nhất: đi làm bằng visa du lịch là phạm pháp, có thể bị bắt và trục xuất, cấm nhập cảnh vĩnh viễn.
Vậy bạn nghĩ sao về quan điểm đi du lịch càng tiết kiệm càng tốt? Dường như chuyện khoe đi du lịch ở nơi này nơi kia, tiết kiệm tuyệt đối và đi với mức giá siêu rẻ - đang là xu hướng của rất nhiều bạn trẻ bây giờ.
Mỗi người một quan điểm, có bạn chỉ cần được đi, được thấy là đủ. Còn với mình, mình muốn trải nghiệm đầy đủ của năm giác quan nên không thích kham khổ khi đi du lịch.
Có những người sẽ nói, đi để hoà vào cuộc sống thực sự của người dân ở đấy, hoà vào thiên nhiên… mới thực sự là những trải nghiệm nên có. Bạn sẽ nói thế nào với họ?
Muốn hiểu một cuộc sống cần thời gian, bạn ở được bao lâu mà bảo là hoà vào cuộc sống ở đấy? Vài ba ngày thì trải nghiệm dưới bất cứ hình thức nào cũng chỉ là cưỡi ngựa xem hoa. Mà, đâu cứ phải kham khổ, tiết kiệm thì mới gọi là hoà nhập vào cuộc sống dân bản địa? Vậy, dân bản địa ở đó không ăn nhà hàng sang, không mua sắm, không đi chơi đây đó trong chính thành phố của mình ư? Cuộc sống nào cũng có lát cắt giàu nghèo, thiên nhiên là cuộc sống mà nhà cao tầng cũng là cuộc sống.
Đi du lịch xa với nguồn kinh phí eo hẹp cũng là một trải nghiệm tuyệt vời đấy chứ? Cũng có rất nhiều người chấp nhận đổi tiện nghi để lấy những phút giây đẹp tuyệt được thưởng ngoạn cảnh đẹp ở một vùng đất xa xôi mà.
Mình đang không hiểu bạn muốn chứng minh điều gì bằng chuyện đi du lịch với kinh phí eo hẹp? Dân kinh doanh du lịch thế giới rất nhạy bén, ví như ở Thuỵ Sĩ, một trong những đất nước có thiên nhiên đẹp nhất thế giới, thì muốn vào các khu bảo tồn thiên nhiên phải trả tiền vé không đắt. Ở Hallstatt nước Áo, cảnh rất đẹp, và cách duy nhất có thể ngắm bình minh ở đó là qua đêm tại một trong những khách sạn có giá siêu đắt (đất chật nhu cầu cao mà!). Ngay ở Việt Nam, bạn nghĩ khách sạn ở Sa Pa giá rẻ ư? Muốn bảo tồn thiên nhiên thì cần kinh phí, ai cũng ham rẻ thì lấy đâu ra tiền mà tái đầu tư?
Đi để mở rộng tầm nhìn và đi để hưởng thụ thế giới - Bạn nghiêng về bên nào hơn?
Cả hai như nhau. Chúng ta không làm một chuyện chỉ vì duy nhất một mục đích.
Là một người đã từng đi du lịch rất nhiều nơi, vậy trải nghiệm nào khiến bạn nhớ nhất đến tận bây giờ?
Cốc capuccino nóng vào buổi sáng sau Noel ở Zurich (Thuỵ Sĩ), sau khoảng hai giờ đi dạo ngắm thành phố giữa trời mưa phùn 0 độ. 99% hàng quán đóng cửa, quá lạnh và quá đói khiến cốc cà phê 6CHF đó thành ngon nhất thế giới, đến giờ mình vẫn nhớ cái vị ấy.
Trải nghiệm “đắt tiền” nào mà bạn cho rằng đáng giá nhất trong những chuyến đi của mình?
Tốn gần 200 euro chỉ cho một ngày ở thị trấn Hallstatt nước Áo. Đi hai người là 400. Đường đi xa nhưng cảnh đẹp và thức ăn ngon có thể cân bằng lại tất cả.
Bạn có thể dành tặng lời khuyên cho các bạn trẻ, chưa có điều kiện kinh tế nhưng ham mê du lịch và muốn trải nghiệm thế giới được chứ?
Nếu điều kiện chưa cho phép, có thể đi gần rồi đi xa. Đừng nghĩ chỉ Âu Mỹ mới tốt mà Đông Nam Á là bèo bọt. Mỗi nơi là một kho tàng khác nhau. Đi nhiều nơi mới có nhiều góc nhìn.
Cảm ơn bạn về buổi trò chuyện thú vị này.