Phụ huynh nêu quan điểm về Tiếng Việt không dấu: "Sáng tạo là tốt nhưng cần sáng tạo thứ khiến cuộc sống đơn giản hơn"
Sau khi bộ chữ "CVNSS 4.0" được công bố, nhiều phụ huynh đã nêu quan điểm của mình về công trình nghiên cứu này.
Sau khi công bố toàn bộ công trình nghiên cứu "CVNSS 4.0" tới độc giả, tác giả Kiều Trường Lâm và đồng tác giả Trần Tư Bình đã gặp phải nhiều luồng tranh cãi trái chiều từ dư luận. Nhiều người cho rằng, bộ chữ cải tiến của 2 tác giả không có tính thực tiễn và khó áp dụng vào đời sống vì có quá nhiều quy ước rườm rà.
Bên cạnh đó theo nhiều người, chữ Quốc Ngữ đã quá phổ biến và quen thuộc nên việc sáng tạo thêm "một ngôn ngữ song song" là chưa thực sự cần thiết. Trước mong muốn Tiếng Việt không dấu có thể phổ biến hơn, thậm chí là đưa vào giảng dạy cho học sinh của tác giả Kiều Trường Lâm, nhiều phụ huynh đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình.
Chị Trần Huyền Trang là một Biên tập viên đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội, có con nhỏ đang sắp vào lớp 1. Khi biết đến "CVNSS 4.0", chị tỏ ra khá bất ngờ trước công trình này. Dù nghi ngờ về tính thực tiễn của chữ mới nhưng chị Trang không phản ứng tiêu cực, thay vào đó phân tích nhưng thứ được và chưa được. Chị Trang nêu quan điểm:
"Về khía cạnh nghiên cứu, mình nghĩ việc các nhà nghiên cứu xoay sở với ngôn ngữ để tìm kiếm cách thức hiện đại hơn, đó là việc bình thường. Mỗi nhà nghiên cứu có một quan điểm. Việc họ sáng tạo ra những sản phẩm học thuật mới là đáng trân trọng về mặt khoa học".
Khi biết tác giả Kiều Trường Lâm tính thử nghiệm "CVNSS 4.0" với đối tượng là học sinh từ lớp 2 trở lên, chị Trang không đồng tình và cho biết:
"Ở khía cạnh phụ huynh, mình thấy các nguyên tắc trên quá phức tạp, rườm rà và trên tinh thần phải biết đọc viết thông thạo chữ quốc ngữ đã. Do đó nó có vẻ không phù hợp lắm để phổ cập với học sinh tiểu học. Cải cách bất cứ thứ gì cũng là để tiện dụng cho cuộc sống, làm cuộc sống giản đơn hơn chứ không phải phức tạp lên.
Nhìn vào bài học của các chữ tượng hình ở nước ta thì thấy chữ Hán vốn là loại chữ khó, dành cho tầng lớp trí thức, phải học hành đến nơi đến chốn, không dễ mà phổ cập. Chữ Nôm là sáng tạo của người Việt từ chữ Hán, thậm chí còn phức tạp và khó hơn chữ Hán, vì phải thông thạo chữ Hán mới có thể dùng chữ Nôm.
Do đó, nó không dành cho đại chúng, không phổ biến được đến đại đa số người dân (với những sự hiểu biết và cơ hội tiếp cận khác nhau). Chữ quốc ngữ làm được điều đó (phổ cập toàn dân) vì nó dễ nhớ, dễ học, nguyên tắc đơn giản và không quá thách thức với đại đa số người dân. Chưa kể đến việc nó đã quá quen thuộc với người Việt cả vài trăm năm nay".
Chị Trang chia sẻ, khi cân nhắc việc cho con học một ngôn ngữ/chữ mới, chị luôn quan tâm đến tính ứng dụng hoặc tính văn hóa của nó. Ví dụ tiếng Anh để hội nhập toàn cầu, tiếng Hán/Nôm để tìm hiểu văn hóa cổ truyền... "Chữ viết này, chị nghĩ để coi là công trình nghiên cứu thì nên tôn trọng, còn chọn cho con học thì thôi, vì nó không cần thiết và quá nhiều nguyên tắc phức tạp, rườm rà", chị Trang bày tỏ.
Chị Lê Hồng Hạnh (TP.HCM) có con nhỏ đang học lớp 3. Khi hỏi về tính ứng dụng và việc chữ mới có phù hợp với nhận thức của trẻ nhỏ hay không, chị Hạnh cho biết: "Mình là người lớn nhưng đọc xong còn thấy khá khó hiểu. Thế nên trẻ con khó mà nhận thức hết được. Chữ mới này có quá nhiều quy ước. Chữ Quốc Ngữ chỉ có vài quy ước mà nhiều trẻ học hết lớp 3 vẫn còn chưa thành thạo. Do đó mình nghĩ việc đưa vào thử nghiệm cho học sinh từ lớp 2 trở lên là không phù hợp, bất khả thi".
"Mình có thấy tác giả chia sẻ về việc chỉ cần học thuộc công thức là có thể áp dụng thành thạo chữ mới. Nhưng mình nghĩ thuộc theo kiểu học thuộc lòng thì trẻ khó mà thành thạo được chữ thật sự".
Anh Trần Quang (Hà Nội) có con đang học cấp 1 cho biết, bản thân anh không phán xét CVNSS 4.0, cũng như không quá nôn nóng bình luận tiêu cực như nhiều cư dân mạng. Bởi: "Đây mới chỉ là sáng tạo của họ. Còn từ sáng tạo đến áp dụng vào thực tiễn là cả một câu chuyện khác. Không phải sáng tạo nào cũng được áp dụng, thay thế cho cái cũ nên mọi người không cần quá hoang mang như vậy.
Còn về việc có muốn cho con học chữ mới này không thì tôi từ chối. Chữ Quốc Ngữ hiện tại đã đáp ứng đủ mọi tiêu chí, nhu cầu thực tiễn rồi".
Anh Cao Hải Long (Hà Đông, Hà Nội) cũng nêu quan điểm: "Đây là một sản phẩm sáng tạo. Việc cấp bản quyền là điều bình thường. Còn việc triển khai sẽ là bất thường. Bởi ngay cả từ điển Tiếng Anh cũng chỉ thêm vài từ vào từ điển mỗi năm dựa trên sự ứng dụng của nó. Nếu không có tính ứng dụng thì chưa chắc đã đưa vào thực tiễn cuộc sống và cho các cháu học sinh học".
Sau 27 năm nghiên cứu, bộ chữ "Việt Nam song song 4.0" kết hợp từ "Chữ Việt Nhanh" và "Ký Hiệu Dấu" của 2 tác giả Kiều Trường Lâm và Trần Tư Bình đã chính thức nhận được giấy chứng nhận bản quyền số 1850/2020/QTG từ Cục Bản quyền tác giả thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Theo đó, "Chữ Việt Nam song song 4.0" chỉ sử dụng 26 chữ cái La-tinh, trong đó dùng 18 chữ cái La-tinh để thay thế dấu thanh và dấu phụ cho chữ Quốc ngữ. Hiện tại, "Chữ Việt Nam song song 4.0" tạm được gọi là "Chữ VN song song 4.0". Anh Kiều Trường Lâm cho biết, "Việt Nam" được viết tắt thành "VN" vì còn cần xin ý kiến Quốc hội về tên.