Phụ huynh hào hứng trước điều chỉnh mới của Sở GD&ĐT Hà Nội: "Cảm ơn! Chúng tôi sẽ đỡ vất vả hơn rất nhiều!"
Nếu được triển khai tốt, đây có thể là bước đột phá trong cách tổ chức giáo dục đầu cấp.
Bắt đầu từ năm học 2026 - 2027, Hà Nội dự kiến thay đổi hình thức tuyển sinh đầu cấp cho trẻ mầm non, học sinh lớp 1 và lớp 6, từ "theo tuyến" sang "gần nhà". Đây là một điều chỉnh tưởng chừng kỹ thuật nhưng lại có thể tạo ra những chuyển biến lớn trong cách tổ chức và tiếp cận giáo dục tại Thủ đô.
Từ "phân tuyến" đến "gần nhà" - Một bước chuyển đổi đáng kỳ vọng
Hiện nay, việc tuyển sinh đầu cấp ở Hà Nội được tổ chức theo hình thức phân tuyến địa lý: Trẻ ở phường nào học ở trường phường đó. Cách làm này có ưu điểm là rõ ràng, dễ quản lý hành chính, nhưng lại phát sinh nhiều bất cập ở những khu vực giáp ranh giữa các phường, xã. Không ít gia đình dù nhà ở rất gần một trường học nhưng vì không "đúng tuyến" mà con không được theo học tại đó.
Chuyển sang mô hình "gần nhà", học sinh sẽ được ưu tiên học ở trường gần nơi cư trú thực tế, bất kể địa giới hành chính. Việc này được hỗ trợ bởi hệ thống thông tin địa lý (GIS – Geographic Information System), cho phép tính toán chính xác khoảng cách từ nơi ở đến các trường xung quanh.

Ảnh minh hoạ
Tác động đa chiều: Phụ huynh, học sinh, nhà trường và quản lý giáo dục
1. Phụ huynh và học sinh:
- Tiết kiệm thời gian và chi phí: Trẻ được học gần nhà giúp giảm thời gian đưa đón, thuận tiện hơn trong sinh hoạt hàng ngày.
Nói về chính sách mới của Sở GD-ĐT Hà Nội, trên mạng xã hội, các hội nhóm và diễn đàn, nhiều phụ huynh bày tỏ sự vui mừng, ủng hộ lớn. Anh Quang Huy (phụ huynh ở quận Hà Đông) chia sẻ: "Các cháu lớp 1, lớp 6 thường chưa thể tự đi học, bố mẹ đưa đón rất vất vả. Gần nhà là mong mỏi của hầu hết chúng tôi. Nay Hà Nội có chính sách mới như thế, ai cũng mừng, cũng mong đợi".
Chị Phương Nga (phụ huynh ở quận Hai Bà Trưng) cũng bày tỏ sự đồng tình. Theo chị, việc học gần nhà sẽ giảm đáng kể tình trạng tắc đường, nhất là vào các khung giờ cao điểm sáng và chiều – thời điểm học sinh đến và rời trường.
- Tâm lý an tâm: Phụ huynh dễ theo sát việc học tập, sinh hoạt của con khi trường ở gần. Đồng thời, việc học gần nhà cũng giúp các em nhỏ tránh được mệt mỏi vì quãng đường xa, dễ thích nghi với môi trường học tập.
"Sang năm con út nhà tôi vào lớp 1, nếu chính sách được thực hiện thì chúng tôi sẽ đỡ vất vả hơn rất nhiều", chị Hồng Anh (phụ huynh quận Thanh Xuân cho hay). Bà mẹ 2 con cho biết, trường của con lớn, hiện học cấp 2 không gần nhà nên mỗi sáng, bố mẹ phải dậy sớm hoặc có hôm rời công việc giữa chừng để đưa đón con đi học. Nếu con cái được học gần nhà thì việc đưa đón diễn ra nhanh chóng, linh hoạt hơn, con cũng không bị mệt mỏi.
- Giảm chênh lệch trong tiếp cận giáo dục: Trẻ ở khu vực "giáp ranh" không còn bị thiệt thòi do rào cản hành chính.
"Nhiều phụ huynh từng phải đi xin học trái tuyến, vừa phiền hà, vừa thiệt thòi nếu không được chấp thuận", một phụ huynh chia sẻ.
Tuy nhiên, một số phụ huynh cũng bày tỏ lo ngại. Theo anh Trần Quang (quận Cầu Giấy): "Có khi trường gần nhà nhưng cơ sở vật chất yếu, chất lượng giáo viên chưa cao, phụ huynh vẫn muốn con học ở trường xa hơn nhưng tốt hơn". Anh Trần Quang nhận định, nếu không đảm bảo đồng đều về chất lượng giáo dục giữa các trường, chính sách "gần nhà" có thể bị vô hiệu hóa bởi tâm lý chọn trường chất lượng thay vì gần địa lý.
2. Nhà trường và giáo viên:
- Giảm áp lực tuyển sinh cục bộ: Các trường ở khu vực trung tâm, đông dân cư thường xuyên quá tải, trong khi trường ở khu vực lân cận lại thiếu học sinh. Mô hình mới giúp phân bổ đều hơn.
- Tổ chức lớp học hợp lý: Số lượng học sinh ổn định hơn, dễ bố trí nhân sự, cơ sở vật chất. Đồng thời, giáo viên cũng có thể bám sát chương trình giảng dạy với ít biến động về sĩ số.
3. Cơ quan quản lý giáo dục:
- Dữ liệu hóa – số hóa quản lý: Áp dụng bản đồ số GIS thể hiện định hướng hiện đại hóa, minh bạch hóa hoạt động giáo dục.
- Giảm khiếu nại, tiêu cực: Việc xác định học sinh theo khoảng cách thực tế sẽ minh bạch hơn, hạn chế tình trạng "chạy trường".
Thách thức khi thực hiện
- Cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ: Ở các khu đô thị mới, trường học chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Điều này đòi hỏi sự phối hợp giữa ngành giáo dục và chính quyền địa phương trong quy hoạch và đầu tư. Như một phụ huynh đã chỉ ra: "Vấn đề là có đủ trường công để con em học không, chứ nộp hồ sơ rồi không tiếp nhận thì cũng bằng không".
- Cần chính sách ưu tiên đi kèm: Việc đảm bảo con em các gia đình thuộc diện tái định cư, công nhân, hộ nghèo được vào trường công lập phù hợp là một thách thức về chính sách xã hội.
- Quản lý dữ liệu và định danh chính xác: Để GIS hoạt động hiệu quả, dữ liệu về địa chỉ cư trú, hộ khẩu/tạm trú của học sinh phải chính xác và đồng bộ – điều hiện còn chưa ổn định ở nhiều địa phương.
Bài học kinh nghiệm từ TP.HCM
Trước Hà Nội, TP.HCM bắt đầu tuyển sinh đầu cấp theo nguyên tắc ưu tiên học trường gần nhà từ năm 2023, thí điểm với ba địa phương. Dựa vào nơi cư trú thực tế của học sinh, với sự trợ giúp của hệ thống thông tin địa lý (Geographic Information System - bản đồ GIS), ban chỉ đạo tuyển sinh đầu cấp địa phương sẽ bố trí chỗ học gần nhà nhất cho trẻ, thay vì phân tuyến học sinh ở phường nào phải nhập học ở trường thuộc địa bàn đó.
Từ năm ngoái, việc này được mở rộng, áp dụng với toàn thành phố. Cách làm này được đánh giá tạo nhiều thuận lợi về đi lại, đưa đón cho học sinh, phụ huynh, hạn chế tình trạng "chạy" hộ khẩu, học trái tuyến.
Hà Nội có thể học hỏi để tránh lặp lại những khó khăn tương tự.
Nhìn chung, việc chuyển từ phân tuyến hành chính sang tuyển sinh theo khoảng cách thực tế là một thay đổi tiến bộ, phù hợp xu hướng hiện đại hóa và cá nhân hóa dịch vụ công. Tuy nhiên, để chính sách phát huy hiệu quả toàn diện, cần một quá trình chuẩn bị nghiêm túc, đầu tư đồng bộ và giám sát chặt chẽ trong thực hiện.
Nếu được triển khai tốt, đây có thể là bước đột phá trong cách tổ chức giáo dục đầu cấp, không chỉ tại Hà Nội mà còn là mô hình mẫu cho các tỉnh, thành khác trên cả nước.