Phụ huynh Hà Nội bất lực vì con "nghiện" ăn trộm tiền của các bạn, bị phát hiện nhiều lần nhưng vẫn nhởn nhơ: Tôi thất bại rồi!
Con cái có hành vi không chuẩn mực, người buồn nhất chính là cha mẹ.
Mới đây, một phụ huynh tại Hà Nội đã lên MXH tâm sự về tật xấu khó bỏ của con mình. Được biết, con vị phụ huynh này năm nay 12 tuổi, em thường xuyên có hành vi ăn trộm tiền của các bạn trong lớp. Thấy hành vi của con là sai trái, nên người mẹ này đã uốn nắn theo chiều cách khác nhau nhưng mọi chuyện vẫn đi vào ngõ cụt.
Nếu vị phụ huynh này và chồng nhắc nhở, dạy dỗ nhiều thì em cũng chỉ nói xin lỗi rồi hứa cho qua chuyện, còn nếu sử dụng hình thức nặng hơn là đánh mắng, em van xin, hứa hon đủ đường và mong bố mẹ tha thứ. Nhưng đến ngày hôm sau, em lại bình thản như chưa có chuyện gì xảy ra.
"Tôi đã đọc và áp dụng rất nhiều cách của mọi người chia sẻ trên nhóm, nhưng với con tôi dường như không có tác dụng. Từ Tết đến bây giờ, con tôi đã lấy trộm tiền của các bạn ở lớp liên lục, mặc dù đã bị phát hiện nhiều lần" , vị phụ huynh kể khổ.
Người mẹ này nói thêm, mỗi ngày con chị có 20 nghìn đồng tiền ăn sáng và hàng tuần bố mẹ vẫn cho tiền tiêu vặt mỗi khi hoàn thành việc nhà. Con của vị này không hề thiếu thốn về vật chất, nếu muốn thứ gì mà hợp lý thì đều được bố mẹ đáp ứng.
"Con học không giỏi, lười và ham chơi, đến tắm rửa hàng ngày còn không muốn tắm. Tôi thấy mình thất bại quá các bác ạ, nhiều khi tôi nghĩ cứ thế này chắc cho con nghỉ học, không học nữa ở nhà kè kè với mẹ xem sau này có bỏ được tật ăn trộm không. Thật sự tôi bất lực quá", vị phụ huynh mệt mỏi chia sẻ.
Các vị phụ huynh khác nghĩ gì?
Sau khi câu chuyện này được lan tỏa, nhiều phụ huynh đã chia sẻ với nỗi lòng của người mẹ này. Chẳng có ai mong con trở thành một đứa trẻ hư cả. Con cái có hành vi không chuẩn mực, người buồn nhất chính là cha mẹ.
- Mẹ thử trao đổi, chia sẻ với con kỹ hơn xem sao. Mẹ nên bình tĩnh nghe con đưa ra giải pháp. Mình nghĩ hành vi trẻ trộm tiền không phải là tính xấu, mà chỉ đáp ứng nhu cầu nào đó mà trẻ đang thiếu hụt. Mẹ thử cho con đi khám tâm lý xem.
- Đồng cảm cùng bạn, mình cảm nhận rõ được sự bất lực bên trong bạn. Giống 1 bạn học cùng lớp hay xin tiền, rồi lấy bút, bẻ bút con mình… Ở lớp ai có gì mới là bạn ấy sẽ lấy trộm. Con mình sợ đến nỗi không dám lấy bút chì mới đi học, mua bút cũng không dám dùng.
- 12 tuổi là cái tuổi ẩm ương, thay đổi tâm lý hoàn toàn đấy mẹ ạ. Bé lại là con gái nữa, có những nhu cầu cao hơn như son môi, vòng, nhẫn theo sở thích... Tuổi này nhiều bé bắt đầu biết có cảm tình với bạn khác giới nữa nên nhiều khi bé biết bố mẹ sẽ không đáp ứng những nhu cầu đó thì lấy trộm tiền, lần đầu sẽ có lần sau. Mẹ hãy cứ nhẹ nhàng về vấn đề này, lập 1 quỹ cho con tích góp, đừng quá khắt khe, cũng đừng coi con còn bé. Thỉnh thoảng mua cho con món đồ con thích, dạy con cách chi tiêu cho đúng. Dần dần bé sẽ hiểu mẹ ạ.
- Mình hay áp dụng cách này, bạn tham khảo nhé. Mình theo cấu trúc gieo - gặt: suy nghĩ, hành động, thói quen, tính cách, số phận. Nên khi con sai mình sẽ nói rất rõ ràng rằng "hành vi trộm cắp là xấu, rất xấu", và cho con biết hậu quả từng mức độ "nhẹ là mọi người ghét con, coi thường con, xa lánh con, không ai chơi với con"; "nặng là con sẽ bị quản thúc, bị xử lý theo luật". Có thể con phản biện, lúc này mình cần lý luận thắng, lý luận thắng chứ không phải đánh mắng nhé bạn. Từ đây chuyển qua hành động, nếu trộm cắp là xấu thì con phải bỏ tính này. Nếu con không bỏ thì sẽ nhận hậu quả. Và bạn hãy làm cho hậu quả xảy ra thật. Con không thấy rõ thì chỉ con thấy rõ. Đôi khi mình nhấn mạnh lặp lại cái hậu quả này nhiều lần mẹ nhé.
- Nếu bé không hợp tác nói chuyện thì cũng có khi mình đang chưa nói đúng ngôn ngữ mà con cần nghe đó mẹ. Vì độ tuổi này bé gần như đã hoàn thiện tính cách rồi, việc thay đổi trước tiên rất cần sự nhận thức của bé, sau đó mới có thể kiên nhẫn cùng bé thay đổi.
Cha mẹ cần làm gì khi con "ăn cắp vặt"?
Thói quen ăn cắp vặt rõ ràng là rất xấu. Nhiều người không ăn trộm những thứ lớn và thậm chí họ cũng chẳng cần mấy thứ đó nhưng nếu đã thành thói quen, họ thích thì vẫn cứ lấy về cất giấu. Nếu như một ngày, phụ huynh phát hiện ra con mình có hành vi ăn cắp vặt, cha mẹ cần xử lý khéo léo để không làm tổn thương tâm lý của con. Đây không phải là điều dễ dàng đối với bất kỳ bậc phụ huynh nào khi rơi vào tình huống này bởi nó đòi hỏi sự khéo léo, tinh tế cùng lòng kiên nhẫn. Khi thấy con có hành vi ăn cắp vặt, cha mẹ cần:
Đầu tiên, hãy bình tĩnh và không tỏ thái độ giận dữ hoặc trách móc quá mức, điều này có thể khiến trẻ sợ hãi và không mở lòng. Thay vào đó, hãy tìm hiểu động cơ đằng sau hành vi của trẻ - có thể trẻ đang tìm kiếm sự chú ý, muốn thể hiện mình, hoặc đơn giản là do tò mò. Một cuộc đối thoại cởi mở sẽ giúp trẻ cảm thấy được lắng nghe và hiểu rằng hành vi của mình là không chấp nhận được.
Tiếp theo, cha mẹ nên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng quyền sở hữu của người khác. Qua đó, trẻ sẽ hiểu rằng ăn cắp là vi phạm quyền của mọi người. Hãy đưa ra những ví dụ cụ thể và dễ hiểu để trẻ có thể nhận thức rõ ràng hơn về hành vi của mình.
Một bước không thể bỏ qua là giáo dục trẻ về việc chịu trách nhiệm với hành động của mình. Điều này có nghĩa là trẻ cần phải trả lại những gì đã lấy và có thể là phải xin lỗi người bị hại. Việc này không chỉ giúp trẻ học cách sửa sai mà còn rèn luyện tính cách và sự tự giác.
Cuối cùng, hãy tạo môi trường gia đình lành mạnh, nơi mà lòng tin và sự thấu hiểu lẫn nhau được đề cao. Điều quan trọng là phải dạy trẻ biết sẻ chia và quan trọng hơn nữa là phải làm tấm gương cho trẻ noi theo. Hãy chú trọng vào việc xây dựng niềm tin và trò chuyện với con thường xuyên, để trẻ biết rằng chúng có thể chia sẻ mọi vấn đề với cha mẹ mà không sợ bị phán xét.
Như vậy, việc phản ứng phù hợp khi phát hiện con có hành vi ăn cắp vặt không chỉ giúp giải quyết vấn đề hiện tại mà còn góp phần xây dựng nền tảng đạo đức vững chắc cho trẻ. Với sự kiên nhẫn và tình yêu thương, cha mẹ có thể hướng dẫn con mình học cách tự chủ và tôn trọng người khác.
Tổng hợp