Phụ huynh đau đầu vì làn sóng emo trong giới trẻ

Bạch Mai,
Chia sẻ

"Cắt tay tự sướng" là một trong những "phong cách" của emo ở tuổi mới lớn có tinh thần bất ổn

Emo và nước mắt

Emo có gốc từ emotional (thuộc về cảm xúc). Trào lưu này đang lây lan nhanh chóng trong giới trẻ các nước phương Tây. Những thanh thiếu niên tự cho mình là emo bởi nhận thấy mình có nhiều cảm xúc trước một số sự việc nhưng không thể chia sẻ cùng cha mẹ, người thân, chỉ có thể chia sẻ với người cùng tâm trạng, hoặc ôm giữ cho riêng mình. Chẳng hạn, bị ức chế khi việc học quá tải, nỗi buồn từ một chuyện tình đổ vỡ... Và, trong trường hợp này, những emo chỉ biết khóc lóc thê thảm, buồn bã ủ ê, thậm chí không biết đến ăn uống, gặp gỡ bất cứ ai trong gia đình.

 Cũng cần phân biệt, nhiều bé gái tuổi 14-15 mau nước mắt, hay khóc, hay hờn dỗi nhưng không phải  là emo. Ở những emo, chuyện buồn bã, khóc than, gào thét thường được đẩy lên quá mức và đôi khi chỉ òa vỡ lúc họ nhập lại thành một nhóm. Các em dễ bị lây nhiễm cảm xúc lẫn nhau: cùng yêu thích một thần tượng, cùng ghét một biểu hiện nào đó của người khác, cùng buồn khi một bạn bị bố mẹ la mắng, cùng trung thành với nhau ở một quyết định. Đây là một dạng emo mà các bậc phụ huynh cần quan tâm để giúp đỡ con cái.

 Emo thời trang

 Những emo luôn muốn chứng tỏ cho người chung quanh biết mình là ai. Không phải emo nào cũng bị lụy, sụt sùi, làm bạn cùng nước mắt. Bây giờ, khi bước chân ra phố, dễ dàng thấy những cô cậu mới lớn trong các loại trang phục dị thường. Có thể các em bắt chước các thần tượng của mình. Có thể do chính các em tự thiết kế. Nhưng, đặc điểm nhận dạng emo qua thời trang là: thích lùng nhùng, hoặc như "bộ xương di động", màu sắc rực rỡ hoặc đen thui từ trên xuống dưới.

 Trên một trang web dành cho tuổi teen, nhiều ý kiến cho biết: ăn mặc như vậy cũng hay, trước hết, không hở hang khêu gợi, sau đó là cảm thấy mình đặc biệt, được nhiều người chú ý!

 Phong cách thời trang emo còn xuất phát từ những nhóm nhạc emo kids, emo punk. Ở đó, các cậu bé có dáng vẻ gầy gò như thiếu ăn, thích ăn mặc mang nhiều nét nữ tính, tóc tai bù xù không theo mốt nào cụ thể và thường vuốt gel. Các cô bé thì thích cách trang điểm ấn tượng: mắt đen thui hoặc xanh lè, môi màu xanh, màu tím, thậm chí lông mày bạc. Những emo này chỉ "quái dị" ở vẻ bên ngoài, tất cả những thứ khác (kể cả cảm xúc) đều bình thường.

 Emo và... phụ huynh

 Việc tự cắt cổ tay hành xác mình, vì bất mãn bố mẹ, vì một "đam mê" bệnh hoạn theo kiểu "đau mới thấy thích" hãy còn là hình ảnh cá biệt của teen Việt.

Đang mùa hè, con cái chúng ta có nhiều thời gian để làm những việc chúng thích. Một trong những việc đó là chúi mũi vào internet, là bấm bấm điện thoại di động tải thứ này, thứ khác. Cũng không loại trừ việc chúng say sưa đọc các bài viết của emo. Cha mẹ nên quan tâm đến việc con cái dạo chơi trên các trang web và kịp thời hướng dẫn con cái khi thấy con có một vài biểu hiện của emo: ưa khóc lóc, buồn bã thái quá; thích lặng lẽ một mình hoặc thường giao du với nhóm bạn "kỳ lạ"...

Những emo thường có cảm xúc mạnh hơn người khác, nhưng không vì thế mà đánh đồng emo với những suy nghĩ tiêu cực (phải hành xác mình, phải tự tử cho... đỡ khổ), hoặc biểu hiện dở hơi (lúc nào cũng nước mắt ngắn nước mắt dài như "con ma khóc nhè", gây sự chú ý nơi người khác đến mức phản cảm...). Tuổi teen nhẹ dạ non lòng, chưa nhận thức được sự khác biệt này, lại dễ bị lôi cuốn theo "làn sóng mới" nên cha mẹ phải biết cách kéo con cái ra khỏi lực hút của cái gọi là "những đứa trẻ emo"

 Theo Bạch Mai
Phụ nữ
Chia sẻ