Phỏng vấn giáo viên cơ khí... "Nam vương" Tiến Đoàn

Duy Khánh,
Chia sẻ

Khó có thể hình dung được hình ảnh một giảng viên khoa cơ khí trong dáng dấp của một Nam Vương. Nhưng đó lại là sự thực, hai mảng màu khác nhau cùng song hành trong một chân dung...

- Người mẫu thì thu hút công chúng, người thầy thì được vị nể, kính trọng. Anh thích người khác gọi về mình thế nào ngoài nick name quen thuộc "Nam vương Tiến Đoàn"?

- Tôi muốn sinh viên gọi tôi là thầy khi đứng trên bục giảng, khán giả gọi là người mẫu khi đứng trên sàn catwalk, đơn giản vậy thôi (Cười).

- Lịch làm việc của một người mẫu thì luôn dày đặc, hơn nữa anh còn tham gia trong lĩnh vực báo điện tử và nhiều hoạt động nghệ thuật khác. Thời gian giành cho giảng dạy chắc rất “hiếm hoi”?

- Đúng là tôi có tham gia trong việc xây dựng một trang báo điện tử. Đây là chuyên trang về người nổi tiếng mở  ra để gắn kết người nổi tiếng với độc giả. Tôi làm trang này cùng với những người bạn, người anh là nhà báo nên công việc không có gì là phức tạp và khó khăn cả, tôi vẫn sắp xếp được lịch lên lớp.

- Hình ảnh giữa một siêu mẫu và một giảng viên. Tưởng chừng như khác biệt nhưng lại có nhiều điểm tương đồng. Anh nghĩ sao về điều này?

- Giống nhau ở việc xuất hiện trước nhiều người, người mẫu thì xuất hiện trước khán giả yêu thời trang, còn giảng viên lại xuất hiện trước sinh viên. Cái thứ hai nữa là sự xuất hiện của mình đều phải thu hút. Người mẫu phải làm thế nào để mọi người chú ý đến trang phục và tạo được ấn tượng trong phong cách trình diễn. Người thầy phải lôi cuốn sinh viên vào bài giảng của mình, làm sao để các bạn luôn hứng thú và hào hứng mỗi khi mình lên lớp.


- Chọn lựa trang phục khi đi dạ tiệc, họp báo thì khá cầu kỳ vì mình là người của công chúng. Còn trước mặt sinh viên, anh có cầu kỳ và chau chuốt hình ảnh của mình không?

- Quần tây và áo sơ mi là trang phục ưa thích của tôi. Tuy nhiên, giữa đi tiệc và đi dạy có nhiều sự khác biệt trong trang phục, ví dụ: đi dạy thì cần lịch sự, đơn giản còn đi tiệc cần lịch lãm và nổi bật. Còn nếu nói tôi là người cầu kỳ trong lựa chọn trang phục thì không phải, vì với tôi "trang phục đẹp khi mình tự tin là đẹp".

- Tiến Đoàn nổi tiếng về những bộ ảnh nude. Khó thể chối bỏ vẻ đẹp ở body chuẩn của anh. Nó gây hiệu quả ở công việc người mẫu, nhưng với cương vị người thầy thì có hơi phản cảm quá không?

- Nếu chỉ đơn giản là thầy giáo thì khó có thể chấp nhận. Tuy nhiên, nếu là người mẫu thì phải biết sáng tạo và làm việc hết mình. Tôi vẫn phân biệt rõ hai vị trí với hai công việc khác nhau này.

 Không táo bạo thì làm sao tìm ra được sự sáng tạo

- Trong quan niệm của người Việt Nam, người thầy ví như tấm gương, trò ngoan thì luôn phải soi mình vào. Đó có phải là áp lực lớn với anh, bởi nghề mẫu luôn mang theo nhiều thị phi và tai tiếng?

- Không chỉ là quan niệm của riêng người Việt Nam mà những nước Á Đông hay đến cả nước Mỹ cũng vậy và tôi cũng thế. Với tôi người thầy là một hình ảnh cao quý, tốt đẹp nên những ai đã và đang làm thầy giáo đều phải có trách nhiệm giữ vững hình tượng ấy, đó là trách nhiệm và áp lực với tất cả những ai làm trong nghành giáo dục chứ không riêng gì tôi.

- Hút hồn ở nụ cười thân thiện và vẻ nóng bỏng của hình thể là điều các fan nữ cảm nhận về anh. Với học sinh của mình, anh có biết cảm nhận của họ không?

- Đương nhiên là biết chứ, không những tôi cảm được cách sinh viên nhìn mình, tôi hiểu được cách các sinh viên nói chuyện với mình mà tôi còn biết cách đưa sinh viên trở về với bài học nữa. Nắm bắt tâm lý của sinh viên là việc cực quan trọng để giúp cho quá trình giảng dạy tốt hơn. Đồng thời gắn kết khăng khít tình thầy trò.

 - Với lĩnh vực thời trang thì công chúng đã thấy được những thành quả và sự nỗ lực của anh trên con đường nghệ thuật. Còn với giảng đường, anh đã “nỗ lực” ra sao?

- Cái này thì công chúng không biết rồi vì đặc điểm của showbiz thì càng nổi tiếng càng tốt còn môi trường giáo dục thì không cần điều ấy. Mặt khác, sự học là bao la, không ai có thể nói mình đã thành công trong sự học được. Với sự nỗ lực cũng vậy, không ai có thể đong đếm nên tôi không bao giờ muốn khoe khoang về việc này.

Giữ được hình ảnh người thầy là một áp lực lớn

- Chuyện giảng đường không khoe được, vậy chuyện đóng phim chắc sẵn sàng chia sẻ chứ?  Và anh có dự định “lấn sân” sang lĩnh vực này không?

- Tôi chưa phải diễn viên đâu, đơn giản là người "tay ngang" vừa mới tham gia một bộ phim thôi. Khả năng, cách cảm nhận và cách diễn còn thiếu nhiều sự sâu sắc lắm.

Bạn muốn hỏi về trải nghiệm làm phim à... cái này nhiều lắm, tôi không thể kể hết những trải nghiệm với một số dòng ngắn ngủi như vậy đâu. Còn việc có nhận thêm những vai diễn nào khác hay không thì tôi không chắc vì điều này phụ thuộc vào các nhà sản xuất và đạo diễn chứ không phải tôi.
 

- Những vai diễn mới thì còn phải chờ thời gian tới, còn công việc hiện tại của anh ra sao? 

- Tôi đang cùng công ty cổ phần may Nhà Bè tổ chức cuộc thi sắc đẹp dành riêng cho nam giới mang tên Người Mẫu Nam Việt Nam 2010 (Mister Việt Nam 2010)  nhằm tôn vinh vẻ đẹp khỏe khoắn, tự tin, lôi cuốn, tri thức... của đàn ông Việt Nam, là tiền đề cho việc tham gia Mister International 2011 tổ chức tại Phillipine. Mong rằng sẽ được sự đón nhận và ủng hộ từ phía công chúng. Bên cạnh đó thì tôi vẫn tham gia các hoạt động trong lĩnh vực thời trang và rồi ngày ngày lên lớp (Cười).
 
Có nhiều người hỏi tôi rằng: "Sau này không đủ sức để đảm đương cả hai công việc, anh sẽ bỏ việc nào?". Xa xôi hơn thì tôi chưa dám chắc, nhưng hiện tại tôi vẫn làm tốt cả hai việc: người thầy và người mẫu. Tôi vẫn để hai việc này cùng song hành, những mảng đối lập ở hai lĩnh vực khác nhau đôi khi lại mang đến những thú vị và giúp tôi cân bằng trong cuộc sống. Hơn nữa, tôi đang trẻ mà, ngại gì lao động chứ. (Cười).
 
- Xin cảm ơn anh về buổi nói chuyện hôm nay!

Duy Khánh

Chia sẻ