Phong trào "nói không với túi nylon" tại Cát Bà: Mục đích tốt, sản phẩm hay nhưng giá thành cao nên chưa được nhiều sự ủng hộ từ người tiêu dùng?
Từ tháng 8/2019, UBND huyện Cát Hải tiến hành triển khai thực hiện phương châm nói không với túi nylon khi bán hàng. Phong trào này nhận được nhiều sự ủng hộ của cộng đồng, thế nhưng thực tế các tiểu thương và người dân tại quần đảo du lịch này thực hiện ra sao, dưới đây là ghi nhận của chúng tôi về sự việc này.
Thời gian qua, tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa, đặc biệt là túi nylon khó phân hủy, xu hướng sử dụng sản phẩm xanh trong xã hội ngày càng được triển khai mạnh mẽ. Trong đó, phải kể đến túi tự hủy sinh học có thể hấp thụ hoàn toàn vào trong đất hoặc nước, phân hủy ở bất cứ môi trường trong nhà hay ngoài trời, thậm chí không cần có nước.
Thực trạng phong trào nói không với túi nylon ở quần đảo Cát Bà mà chúng tôi ghi nhận được.
Trước thực trạng quần đảo du lịch Cát Bà đang bị đe dọa bởi rác thải, đầu tháng 8/2019, huyện Cát Hải – thành phố Hải Phòng đã bắt tay vào việc thực hiện nói không với túi nylon, giảm thiểu rác thải nhựa.
Nhiều băng-rôn khẩu hiệu nói không với túi nylon được treo trong chợ Cát Bà.
Đã 1 tháng kể từ ngày chính thức đi vào thực hiện, hiệu quả của phong trào này đang được mọi người quan tâm. Phóng viên của chúng tôi đã có mặt tại quần đảo Cát Bà – Hải Phòng để ghi nhận sự việc.
Chợ Cát Bà là nơi đi đầu với khẩu hiệu "hơn 300 tiểu thương chợ Cát Bà nói không với túi nylon". Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có tiểu thương nào thay thế túi nylon thông dụng bằng túi sinh học thân thiện với môi trường.
Đối với các tiểu thương giá thành ảnh hưởng lớn đến khả năng thực thi của phong trào
Trước đó, huyện Cát Bà đã giao cho Hội Liên hiệp phụ nữ có trách nhiệm tuyên truyền phổ biến cho các tiểu thương đang hoạt động tại chợ Cát Bà sử dụng túi tự hủy sinh học và dụng cụ bao gói hàng hóa bằng chất liệu hữu cơ trong buôn bán.
Dạo 1 vòng quanh chợ Cát Bà, từ những hàng hóa thực phẩm cho đến những cửa hàng vật dụng đều chẳng khó để nhìn thấy hình ảnh của những chiếc túi nylon.
Những chiếc túi sinh học thân thiện với môi trường.
Thế nhưng, những chiếc túi tự hủy sinh học hay dụng cụ bao gói hàng hóa bằng chất liệu hữu cơ lại được tìm thấy nhiều nhất ở… những ki-ốt bán túi nylon.
Bà Lê Thị Do, một tiểu thương đăng kí cung cấp sản phẩm túi nylon thân thiện với môi trường ở chợ Cát Bà cho biết đây là loại túi được làm từ bột sắn và nhựa sinh học có khả năng tự phân hủy với giá 70.000 đồng/kg.
Bà Do cho biết túi sinh học này bán ra mỗi ngày với số lượng rất ít.
Với giá thành cao hơn nhiều so với giá thành của túi nylon thông thường đã khiến số lượng sản phẩm thân thiện với môi trường này tại ki-ốt của bà Do không bán được nhiều.
"Túi sinh học này ngày chỉ bán được có 1kg thôi. Có nhiều cái bất cập, nhất là về giá thành nên người ta vẫn chưa có ý định sử dụng túi thân thiện với môi trường nhiều", bà Do cho biết.
Bà Duyên cho rằng giá thành của túi sinh học quá đắt so với thu nhập của mình.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Duyên, một tiểu thương tại chợ Cát Bà cho biết: "Chúng tôi buôn bán kinh doanh, cái gì rẻ và tiện lợi thì chúng tôi sẽ sử dụng.
Mỗi 1kg gạo chúng tôi chỉ lãi có 1.000 đồng thì chúng tôi phải tính toán xem loại nào rẻ thì mới có thể sử dụng được lâu dài".
Một tiểu thương khác đang buôn bán tại chợ Cát bà cũng cho biết sự bất cập về giá cả chính là trở ngại lớn nhất khiến bà cũng như nhiều tiểu thương khác không thể lựa chọn sử dụng sản phẩm túi nylon sinh học thân thiện với môi trường.
Một tiểu thương khác cho biết nếu giá thành giảm đi sẽ có nhiều người hưởng ứng phong trào này hơn.
"Nếu như giá thành của túi sinh học giảm bớt đi ngang bằng hoặc thấp hơn giá thành của các loại túi nylon thông thường thì chúng tôi sẽ tích cực sử dụng.
Khi giá thành của sản phẩm này bớt đi thì sẽ thuận tiện cho cả dân chúng cũng như bảo vệ được môi trường không bị ô nhiễm.
Người dân cũng như các hộ sinh doanh đều biết việc sử dụng túi nylon rồi vứt rác thải ra sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường. Thế nhưng, việc thực hiện sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường cũng cần đi kèm với giá cả hợp lý để kích thích người dân hưởng ứng hơn".
Với lãi thu về thấp khiến bà Tuyết không có điều kiện theo phong trào bảo vệ môi trường này.
Bà Lê Thị Tuyết, một người bán hàng tại chợ Cát bà cũng phản ánh ý kiến của mình đối với việc giá thành của túi nylon thân thiện với môi trường nhưng chưa mấy thân thiện với kinh tế của người dân.
"Giá thành của túi sinh học đấy cao quá, chúng tôi bán hàng rau xanh này lãi rất ít. Thu nhập của chúng tôi không cao mà phải chi trả cho túi đựng hàng không hề thấp như vậy thì rất khó để hưởng ứng phong trào này".
Ngại thay đổi thói quen của cả người bán lẫn kẻ mua đã ảnh hưởng đến khả năng thực thi của phong trào
Việc sử dụng túi nylon thông dụng đã trở thành thói quen của hầu hết người dân, việc thay đổi từ túi nylon sang các sản phẩm khác càng trở nên khó khăn hơn cũng bởi thói quen này.
Người dân bao gồm cả các tiểu thương lẫn người mua hàng đều ý thức rất rõ tác hại của túi nylon đối với môi trường.
Ngoài giá thành thì thói quen của cả người bán lẫn người mua cũng là 1 trở ngại.
"Nếu có sản phẩm nào thân thiện với môi trường thì tất nhiên là tốt hơn, nhưng dùng túi nylon thì vẫn tiện lợi nhất.
Bản thân mình cũng muốn thực hiện phong trào này nhưng hầu hết các cơ sở bán hàng đều chưa có đáp ứng được nên mình cũng phải theo số đông", bạn Nguyễn Thanh Huyền (ngụ tại thị trấn Cát Bà – tỉnh Hải Phòng) chia sẻ ý kiến của mình.
Trước đó, trao đổi với chúng tôi bà Lê Thị Do (một tiểu thương cung cấp túi sinh học tại chợ Cát Bà) cũng cho biết, thói quen sử dụng túi nylon của người dân đã từ rất lâu rồi, nếu ngay lập tức thay đổi hoàn toàn sang túi sinh học là điều rất khó.
Kết
Quần đảo Cát Bà được thiên nhiên ưu đãi với nhiều danh thắng đẹp thu hút khách du lịch. Thế nhưng, rác thải trên các vịnh thuộc quần đảo đang đe dọa môi trường của khu du lịch này.
Rất nhiều các loại túi nylon, chai lọ nhựa, phao xốp vỡ vụn… trôi nổi trên mặt nước. Tình trạng ô nhiễm tại Cát Bà xuất phát từ việc người dân, du khách và chủ các tàu bè xả rác bừa bãi.
Thực trạng môi trường tại khu du lịch quần đảo Cát Bà đang trong tình trạng báo động.
Ngoài ra còn do một lượng rác đáng kể theo dòng nước từ các cửa sông, cửa biển từ nơi khác dạt vào khu vực này. Vì vậy, việc sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường là điều đúng đắn cũng như nên được người dân hưởng ứng và thực hiện.
Các rác thải bao gồm cả chai lọ nhựa được đổ trực tiếp xuống biển.
Nắm bắt được thực trạng trên, huyện Cát Hải đang từng bước thực hiện công tác tuyên truyền tới các tổ chức, hộ gia đình và từng cá nhân trong việc sử dụng túi nylon thân thiện với môi trường đối với hoạt động thương mại, tiến dần tới phát triển Nhãn hiệu chứng nhận Cát Bà Xanh.
Thế nhưng trên thực tế, thói quen sinh hoạt của người dân cũng như giá thành của sản phẩm này chưa hợp lý với hầu hết người dân Cát Bà. Chính vì vậy, tính khả thi của phong trào này vẫn còn bị bỏ ngỏ.