Phòng tránh táo bón ngày Tết
Đã ba ngày, tôi không đi đại tiện được nên cảm thấy rất nặng bụng. Chắc do tôi ăn nhiều đồ nóng. Phải làm sao để cải thiện tình trạng này, thưa bác sĩ? (một bạn đọc)
- Trả lời:
Theo thư, có thể bạn bị táo bón. Táo bón là một triệu chứng có sự khó khăn, chậm trễ trong việc thải phân với phân ít và khô rắn hơn bình thường, số lần thải phân không vượt quá 3 lần trong tuần.
Táo bón có thể không gây ra hậu quả nghiêm trọng trước mắt nhưng về lâu dài người bệnh thường bị nhiễm độc (biểu hiện thường xuyên nhức đầu, mệt mỏi, biếng ăn), nhiễm khuẩn và có thể mắc bệnh trĩ.
Nguyên nhân táo bón không phải chỉ do ăn “đồ nóng” như bạn nghĩ mà còn nhiều nguyên nhân khác. Nguyên nhân thông thường gây táo bón có thể kể như: sai lầm trong ăn uống (ăn thiếu chất xơ, uống quá ít nước), sinh hoạt tĩnh tại ít vận động (làm nghề ngồi nhiều: thợ may, thư ký đánh máy), thói quen đại tiện xấu (thường xuyên nín nhịn khi mót đi tiêu) làm mất phản xạ đại tiện, hoặc do thuốc: (thuốc chứa opium, thuốc kháng acid trị viêm loét dạ dày - tá tràng, thuốc chống trầm cảm, thuốc chống tiết cholin, thuốc trị Parkinson…).
Bạn có thể thực hiện các biện pháp không dùng thuốc như sau: ăn nhiều chất xơ sợi hơn (rau cải, hoa quả), uống nhiều nước (1,5-2 lít nước, thêm nước cam, nước chanh), tái huấn luyện phản xạ đại tiện (đi đại tiện đúng giờ cố định)… Các biện pháp vừa kể còn được dùng để phòng và kết hợp với việc dùng thuốc.
Về thuốc trị táo bón, trước hết dùng thuốc loại có ít tác dụng phụ như: thuốc tạo khối trong phân (parapsyllium), thuốc thẩm thấu (Duphalac, Forlax, Sorbitol), hoặc thuốc bơm hậu môn (Rectiofar). Nếu tình hình không cải thiện mới dùng thuốc trị táo bón loại kích thích như Bisacodyl là loại cho tác dụng mạnh nhưng có tác dụng phụ.
Theo PGS.TS. Nguyễn Hữu Đức
(Đại học Y Dược TP.HCM)
Phụ nữ Online