Phong tỏa hoàn toàn bệnh viện lớn nhất Đà Nẵng vì Covid-19
Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, bệnh viện lớn nhất Đà Nẵng và là nơi đang điều trị 2 ca bệnh Covid-19 thứ 416 và 418, bị phong toả hoàn toàn, nội bất xuất ngoại bất nhập.
Ngày 16/7, ông Lê Trung Chinh, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, xác nhận Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Đà Nẵng đã quyết định phong toả bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, nơi đang điều trị cho bệnh nhân Covid-19 thứ 416 và 418 tại Việt Nam.
Việc phong toả áp dụng từ lúc 13h ngày 26/7 đối với toàn bộ nhân viên y tế, các bộ, bác sĩ, người nhà bệnh nhân, người phục vụ bệnh nhân và các bệnh nhân tại đây.
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Đà Nẵng giao Sở Y tế phối hợp Sở Công Thương đảm bảo việc cung cấp nhu yếu phẩm thiết yếu, lương thực tại Bệnh viện Đà Nẵng trong thời gian cách ly.
Sở Y tế phối hợp với BHXH TP phân bổ hợp lý bệnh nhân có nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu là Bệnh viện Đà Nẵng sang cơ sở khám, chữa bệnh khác trên địa bàn.
Cơ quan Công an Đà Nẵng bắt đầu phong toả bệnh viện Đà Nẵng
Liên quan đến việc phong toả bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng, cho biết sẽ tiến hành xét nghiệm Covid-19 đối với toàn bộ 2.000 nhân viên y tế, cán bộ, bác sĩ tại bệnh viện Đà Nẵng.
Bác sĩ Tôn Thất Thạnh, GĐ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng, cho biết, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 khiến việc truy vết, tìm kiếm nguồn lây của bệnh nhân 416 gặp nhiều khó khan. Bộ Y tế đã hỗ trợ Đà Nẵng thêm phương pháp xét nghiệm mới do Việt Nam sản xuất. Đây là phương pháp tìm kháng thể được thực hiện theo phương pháp xét nghiệm bằng kỹ thuật Elisa.
"Xét nghiệm kháng thể nói dễ hiểu là đánh giá người được xét nghiệm đã từng mắc bệnh hay chưa. Nếu kết quả dương tính nghĩa là bệnh nhân đã từng nhiễm bệnh.
Cách làm này giúp Đà Nẵng có thể xác định được nguồn lây nhiễm sớm, từ đó có biện pháp kịp thời", bác sĩ Thạnh cho biết.
Bệnh viện Đà Nẵng hiện có hơn 2000 cán bộ, nhân viên y tế, bác sĩ
Theo ông Thạnh, bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng là đơn vị thực hiện xét nghiệm đầu tiên và tiếp đó sẽ triển khai tại bệnh viện C Đà Nẵng, những nơi mà bệnh nhân 416, 418 đã từng ở, đến sinh hoạt. Ngoài ra, các khu du lịch, cơ sở lưu trú có người nước ngoài cũng sẽ được thực hiện.
Tính đến trưa ngày 26/7, Đà Nẵng đã ghi nhận 2 ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng là bệnh nhân 416 và bệnh nhân 418. Cả 2 ca bệnh hiện được điều trị tại bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. Tình trạng các bệnh nhân hiện đều rất nặng, phải thở máy.
Bệnh nhân 416 có lịch trình dịch tễ phức tạp khi di chuyển nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người. Cụ thể, ngày 7/7, bệnh nhân đến chăm mẹ ruột đang điều trị tại Trung tâm Y tế quận Ngũ Hành Sơn. Ngày 10/7, mẹ của bệnh nhân T.V.D chuyển Bệnh viện Đà Nẵng để tiếp tục điều trị. Ngày 16/7, bệnh nhân T.V.D đến tầng 5, khoa Can thiệp tim mạch - Trung tâm Tim mạch (Bệnh viện Đà Nẵng) để chăm sóc mẹ đang nằm viện.
Ngành y tế Đà Nẵng đang phun thuốc khử trùng nơi bệnh nhân 418 sinh sống
Bệnh nhân, có triệu chứng sốt, mệt mỏi vào ngày 17/7. Tối 17/7, bệnh nhân tham dự bữa tiệc gia đình tại nhà bà con nằm trên đường Nguyễn Lương Bằng (phường Hoà Khánh Bắc). Ngày 18/7, bệnh nhân T.V.D đi đám cưới tại Trung tâm Tiệc cưới và Hội nghị For You Palace (Đường 2/9, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, Đà Nẵng) với hàng trăm khách mời. Ngày 20/7, bệnh nhân sốt, ho, đàm nhiều nên đến khám tại Bệnh viện C Đà Nẵng lúc 8h25 và được chuyển đến bệnh viện đa khoa Đà Nẵng ngày 24/7.
Trong khi đó, Bệnh nhân 418 phát sốt ngày 11/7 với các triệu chứng ho, mệt mỏi, sụt ký, ăn uống kém. Bệnh nhân có đến khám tại 1 phòng khám tư nhân trên đường Đinh Tiên Hoàng (quận Hải Châu, Đà Nẵng) và sau đó đến cấp cứu tại bệnh viện quận Hải Châu vào ngày 18/7.
Ngày 23/7, bệnh nhân được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực để điều trị. Người nhà bệnh nhân cho biết người này không rời khỏi Đà Nẵng trong 1 tháng qua và không tiếp xúc với người nước ngoài.