Những đứa trẻ sống dưới tán bần ở Cù lao Dung: Chật vật giữa "kho vàng"

Hoàng Xuân Ảnh: Khả Hương, Hoàng Xuân,
Chia sẻ

"Con chưa từng đọc cuốn truyện nào hết á. Trong trường con không có truyện, chỉ có sách học hà. Nhỏ lớn con chưa từng đọc truyện. Bạn con cũng vậy á cô".

18 tuổi, Duy hồn nhiên kể như vậy với tôi. Một câu chuyện tôi không tưởng tượng được. Ở thế kỷ này, trong một vùng đất được xem là giàu tiềm năng của đồng bằng sông Cửu Long màu mỡ, chỉ mất 15 phút qua phà là tới trung tâm của một tỉnh, lại có những đứa trẻ đã đến tuổi trưởng thành nhưng chưa từng cầm trên tay cuốn truyện nào sao?

Phóng sự: Sống dưới tán rừng ngập mặn - Ảnh 1.

Gia đình Duy có bốn người, sống ở bìa rừng bần xã An Thạnh 3, huyện Cù lao Dung, tỉnh Sóc Trăng. Cù lao thoi loi giữa sông Tiền, bên này là Trà Vinh, bên kia là Sóc Trăng. Từ Trà Vinh qua Sóc Trăng và ngược lại chỉ cần bắt phà từ tỉnh nọ sang cù lao, rồi từ cù lao qua tỉnh kia, mất vài chục ngàn, đi thẳng một đường nhanh chóng. Chứ theo đường bộ thì phải vòng thêm mấy chục cây số nữa, vừa xa vừa tốn. Nên ba con phà lớn cứ qua lại nườm nượp giữa Cù lao và hai bờ sông.

Ở đây dân nuôi nhiều tôm. Đang mùa, sáng thì bắt tôm, cân ký, đổ lên xe đông lạnh, chiều thì xe nọ nối xe kia chở tôm đi các hướng, chạy suốt đêm.

Phóng sự: Sống dưới tán rừng ngập mặn - Ảnh 2.

Mỗi ngày, anh Dũng chèo ghe ra biển theo con lạch từ bìa rừng bần này, đi đặt lú để kiếm cá tôm mưu sinh. Buổi chiều nước ròng chảy ngược ra biển, người dân sống ven rừng bần phải lội trên nước cạn ngang bắp chân đẩy bộ ghe vô. Cực nhọc nhưng chẳng mấy chuyến có được dồi dào cá tôm.

Cù lao rộn ràng như vậy nhưng ở đầu mút phía Bắc, dưới tán rừng bần mấy chục năm tuổi, Duy và gia đình nó, cùng hết thảy bốn mái nhà trong cái xóm này vẫn sinh sống như thời năm bảy chục năm trước. Xóm ở đầu lộ Vùng 7, ngay kinh xáng bìa rừng bần phòng hộ, khoảng hai chục người già trẻ. Nhà nào cũng vách thưng lá dừa cũ nát, lủng lỗ chỗ. Trên đầu, mái tôn lủng như sao sa. Nền nhà là đất nện, phía trước đắp cao lên một khoảnh làm sân, lấy lưới cá cũ bao quanh cho khỏi gà vô bươi và ị tróc cái sân. Mùa mưa, nước ngập vô tới buồng. 

Sớm sớm, chồng bơi xuồng đi đặt lú bắt tôm cá. Vợ ở nhà chỉ lo cơm nước, ai khéo léo siêng năng thì nuôi thêm gà vịt. Chiều trút lú, có tôm bán tôm, có cá bán cá, mua ký gạo về sống qua ngày. 

Có cái hơn hồi xưa. Là mấy đứa nhỏ đều được đi học, tùy sức của nó. 

Và cũng nhiều cái không bằng hồi xưa. Cái thời miền Tây sản vật trù phú trong văn học khiến người dân nơi khác thèm nhỏ dãi như phải rẽ cá ra mới múc được nước dưới sông, trên bờ vườn trái cây trĩu trịt, lúa vàng óng đồng nặng oằn cả bông… đã thành quá vãng. 

Phóng sự: Sống dưới tán rừng ngập mặn - Ảnh 3.

Anh Trương Văn Dũng, ba của Duy, sáng sáng theo những con rạch nhỏ bơi xuồng xuyên khoảng 100m qua rừng bần, đi đặt lú ngoài bãi bồi. Từ lâu rồi cá tôm vắng lắm. Cái nơm, cái lú tre đan hồi xưa không còn bắt được cá, giờ thông dụng xài loại lú "12 cửa ngục" của Trung Quốc. Thay vì chỉ có hai đầu đối diện để cá tôm theo nước chui vô lú, cái 12 cửa ngục có tới mấy chục cái cửa khắp ba bề bốn bên, con cá con tép bơi theo dòng nước nào cũng lọt vô không sót. 

Vậy mà có những ngày anh Dũng đặt tới 30 cái lú, khắp chỗ, nhưng thu về không được nửa ký cá tôm. Thậm chí những ngày nước lớn của năm nay, phù sa đổ về cũng biến nước cửa sông thành một màu gạch non, mà anh không vớ được con cá nào. Lú đặt đi lại thu về như không. Chán, anh quăng một mớ ngoài sân, quay qua ai mướn gì làm nấy kiếm sống. 

Mà anh Dũng còn may mắn hơn người khác vì hai năm nay có một giảng viên ở Đại học Cần Thơ xuống hướng dẫn cho dân Cù lao làm dự án sinh kế dưới tán rừng, anh được ở trong nhóm này. Nhà anh được bày cách nuôi ốc len và cua trong vuông; giống thì nhóm dự án cho. Ốc nuôi được hai năm chưa bán con nào vì còn chờ dự án về đánh giá kết quả, nhưng cua thì chị Út vợ anh thỉnh thoảng mua cá nhỏ và đầu cá về cho ăn, bữa nào kẹt quá cũng bắt lên được mấy ký bán đóng tiền học cho con, mua gạo nấu cơm.

Phóng sự: Sống dưới tán rừng ngập mặn - Ảnh 4.

Những cái lú 12 cửa ngục mắt lưới nhỏ, không con cá nào thoát nhưng cũng không bắt được cá, bị anh Dũng bỏ lăn lóc từ nhiều ngày.

Hàng xóm của vợ chồng anh Dũng là nhà anh Lâm Văn Miền, cùng trạc 50 tuổi. Anh Miền có ba đứa con. Đứa nào cũng được đi học nhưng thằng út Lâm Văn Huy chậm học chữ nên học tới lớp 4 là nghỉ. Giờ 20 tuổi, cao như cái sào, chân tay dài chắc nịch nhưng chữ rớt xuống bãi bồi hết rồi, ngay cả ký tên nó cũng không biết. Mặt mũi chân chất ngây ngô như đứa con nít. Chị nó học hết lớp 6 cũng nghỉ. Rồi theo thói thường của không ít gia đình miền Tây là con gái và mẹ chỉ việc ở nhà cơm nước, cha và con trai đi làm kiếm sống cho cả nhà, nó cũng ra bãi bồi đặt lú với cha. 

Hai cha con thằng Huy đặt tới 36 cái lú, lang thang cả ngày ngoài bãi bồi, cửa sông. Trúng thì được mười mấy ký cá tôm đủ loại. Thất thì được ba bốn chục ngàn. Có khi không có con nào, về nấu cơm ăn với nước mắm.

Hai năm nay, may có chị gái lớn của Huy học hết lớp 12 rồi học nghề tóc, qua Đài Loan làm, kiếm được tiền. Gần như mình nó gồng gánh cả gia đình. Nên anh Miền mới có tiền lợp lại mái tôn, đổ xi măng cái hiên trước cho bớt sình lầy. Khấm khá hơn hẳn trước đây vì không còn bữa đói. 

Phóng sự: Sống dưới tán rừng ngập mặn - Ảnh 5.

Cái xóm bìa rừng này cũng có điện: Câu nhờ từ mấy nhà khá khá bên kia lộ. Buổi trưa tivi ca cải lương vang lừng. Có cả internet xài chung: Thằng Duy cầm cái điện thoại lướt rất thành thạo. 

Wifi về tới tận rừng, gần như biếu không một kho tàng đầy ắp kinh nghiệm, kiến thức, quan hệ để làm ăn và học hành. Những đứa trẻ lớn lên trong cái xóm này như hai anh em thằng Duy, như mấy chị em thằng Huy, như mấy nhỏ cũng sàn sàn tuổi nó ở những mái nhà gần đó, cầm chiếc chìa khóa vàng trong tay nhưng không ai chỉ cho chúng cách mở, mở cái kho nào, lấy ra thứ gì, sử dụng ra sao… nên chiếc chìa ấy vô dụng. Cả nước khá nhiều những người lớn đi tìm trường để lập tủ sách, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng chung tay đưa sách về nông thôn, lập vô vàn quỹ học bổng để tiếp sức học sinh nghèo, nhưng ngay nơi này, những đứa học sinh nghèo đúng nhóm đối tượng đích vẫn hầu như chưa được cầm một cuốn sách truyện trên tay.

Phóng sự: Sống dưới tán rừng ngập mặn - Ảnh 6.
Duy

Duy kể, học hết 12 thôi, rồi sẽ đi học nghề, chứ ba má nghèo không nuôi đi học tiếp được. Duy thích học nghề đầu bếp, nó thích từ nhỏ lận. Chạy vô nhà, nó lục ra tờ giấy quảng cáo dạy nghề của một trung tâm có dạy nghề đầu bếp ở Cần Thơ mang ra khoe. Tờ quảng cáo trên giấy cán bóng, in màu đẹp đẽ nhưng cũ lơ cũ lắc, từ mấy năm rồi, thậm chí chẳng biết bây giờ trung tâm đó có còn đào tạo những nghề này hay không. Nhưng thằng bé nâng niu cất kỹ suốt mấy năm nay, chỉ vì nó làm bằng giấy (cất giữ được) và được một nhóm quảng cáo trường nghề phát tới tận trường từ mấy năm trước. Nó không biết dùng điện thoại nối mạng để tìm thông tin.

Phóng sự: Sống dưới tán rừng ngập mặn - Ảnh 7.

Bên kia đường lộ, có hai gia đình nữa cũng thuộc loại nghèo nhứt ấp như gia đình anh Dũng và anh Miền. Họ cùng một hoàn cảnh: Không có chữ, không có đất, không có nghề. Và cũng một phần không được siêng năng cố gắng nữa.

Chị Út vợ anh Dũng kể, hồi đó hai vợ chồng lấy nhau nhưng không có đất nên kéo nhau ra bìa rừng khu này ở đại. Họ cất cái chòi nhỏ bằng lá dừa, ngày ngày hai vợ chồng đi đăng ngoài biển. Mới cách đây ít lâu, Nhà nước cho tiền cất nhà tình thương bề ngang khoảng 4m, cha chị cho thêm tiền cất thành cái nhà rộng hơn, mái tôn vách lá như đã kể. Nhưng mai mốt Nhà nước làm cái lộ này, lấy lại miếng đất cất nhà thì họ chưa biết đi đâu.

"Chắc kéo qua bên lộ bên kia, che cái chòi ở tiếp. Rồi qua lại làm ăn (ý chị chỉ chuyện nuôi cua, nuôi ốc len) bên này". Nói thì nói vậy, nhưng nhìn mấy con gà trời mưa run rẩy bu lên mấy dàn cây cẩu thả, chiếc chuồng trống đặt ngay mé gió, tôi biết chị không khéo léo siêng năng cho lắm. Tôi chỉ cho chị cách dùng rác nhà bếp nuôi trùn cho gà và cua ăn, lấy phân bón cho rau, trộn tỏi cho gà ăn tránh cúm và che chuồng tránh gió cho gà… chị đều rất ngỡ ngàng.

Thằng Đạt con út của anh chị, tên Nguyễn Thành Đạt như gói hết cả ước mơ của cha mẹ, năm nay lớp năm, hàng ngày đạp xe đi tám cây số tới trường. Thằng nhỏ ham học, đặc biệt rất khéo tay, thích mày mò làm vật dụng theo hướng dẫn trên Youtube. Bẫy chim, bẫy cá, nó làm đủ hết, cô giáo khen quá chừng nhưng ba mẹ chỉ có thể rạng rỡ theo con, chớ cũng không biết nếu ráng nuôi nó học tới nơi tới chốn thì sẽ cho nó học ngành gì. 

Chị Út học tới lớp 6, như không ít người cùng lứa tuổi với chị ở đây.

Phóng sự: Sống dưới tán rừng ngập mặn - Ảnh 8.

Hồi trước trong Cù lao Dung làm gì có đường. Rừng bần bịt bùng từ cửa sông vô tới giữa cù lao. Nhà nào sang thì có cái xuồng đuôi tôm, trị giá chắc cũng cỡ cái xe hơi bây giờ. Hầu hết chỉ lội bờ ruộng, trời mưa té lên té xuống sách vở ướt hết, rồi đi học xa quá, con nít ngán, nghỉ. Chiến tranh bom đạn. Đã vậy, ở đây thời tiết thuận hòa, cây trái mướt mắt, cá tôm dồi dào quanh năm, không đi học, không làm cao cũng no. Chiều xách cái xà nen (xà nen đan bằng tre, giống cái ky (xẻng) hốt rác, có cán, dùng để xúc tôm cá. Người xúc đi dài dài theo rạch, dùng xà nen xúc một cái, tôm cá nhỏ nhảy ra hết, chỉ có tôm cá lớn ở lại) xúc một xúc là ăn cả ngày. So sánh hơn kém vậy nên người nào đi học, chịu học phải là quyết chí lắm, gia đình biết nhìn xa trông rộng lắm. Lứa 40 - 50 tuổi mù chữ rất nhiều. Những thay đổi sau này mấy ai đoán được.

Nhưng không phải ai không chữ, không nghề cũng chật vật cả đời như dân xóm bìa rừng. Ở ven đường lộ, quán thịt vịt của vợ chồng chị Ba Dốn khang trang, no đủ. Tít tận cái mũi cuối cùng của cù lao này, chỉ có khách quen chớ khách du lịch không có, mà mỗi ngày vợ chồng chị bán đều đều hai ba chục con vịt luộc. Chị không biết chữ nhưng con cái đứa lớn học Đại học điều dưỡng, ra trường về làm bệnh viện huyện. Con gái giữa làm cô giáo mầm non, dạy ở huyện. Thằng út cái mặt lém lỉnh , đôi mắt xếch cười là tít mắt, học lớp chuyên. "Mẹ không biết chữ mà con học lớp chuyên mới ghê chớ" - chị Ba Dốn tự hào khoe con. Ánh mắt đầy tự hào bù đắp cho câu chuyện tủi buồn trước đó, chị kể: "Tui không biết chữ cô à. Bởi vậy tủi thân lắm, có lần tui về tui khóc với ba. Ba tui ổng cũng khóc, ổng nói hồi đó giặc giã bom đạn, đâu có ai nghĩ tới chuyện cho con nít đi học được cô ơi". 

Phóng sự: Sống dưới tán rừng ngập mặn - Ảnh 9.

Xóm đầu lộ vùng 7 gồm có 5 ngôi nhà, nhà nào cũng như thế này.

Trước hai vợ chồng chị Ba cũng nghèo cực. Anh Ba, tên giấy tờ là Nguyễn Thanh Tùng, 55 tuổi, đi bộ đội về, hai vợ chồng lấy nhau, đi làm rẫy mía mướn, rồi cũng đi đặt lú như người ta. Lăn như trâu, dành dụm từng chút, tới chừng có chút tiền lận lưng thì chị lên chợ mua cá bán lại, anh thì vẫn làm mướn đủ nghề. 

Nhưng "Phải lên chợ làm ăn mới được chớ ở ruộng hoài không khá nổi" - anh nói. Anh chị thu vén lên chợ. Trong câu chuyện, họ nhắc nhiều nhất chữ "hà tiện hà tặn" và "cày ngày cày đêm".

Rồi dần dà anh chị mua được đất, cất nhà. Cả hai nấu ăn ngon quá nên mở ra bán cháo vịt, lần lần mua được thêm miếng đất khác để mướn người ta mần mía. Hàng ngày chị luộc vịt, làm gỏi, chế biến nước mắm, anh nêm nếm. Chị bán, anh chạy xe đi giao loanh quanh. Rảnh, anh xách cái rựa đi kiếm củi. Ai có củi đem cho hay chỗ nào có củi bỏ, anh chạy xe lượm về hết. Nhà buôn bán thức ăn mà mấy năm nay quán cháo của anh chị không phải mua miếng củi nào. Cái bếp, sàn nhà đều sạch bóng, không kiếm lấy được một vệt tro đổ ra ngoài. 

Theo báo cáo của UBND huyện Cù lao Dung, trong số 60.000 nhân khẩu thì có 1.700 hộ nghèo, chiếm đến 10,2 %. Số hộ nghèo là người dân tộc thiểu số (Khmer, Hoa) còn nhiều hơn, chiếm tới 16%.Dù vậy, nhìn vào những chính sách ưu đãi từ gạo, học phí, xây nhà tình thương… thì cũng dễ hiểu vì sao có nhiều người nghèo vậy nhưng không đói. 

Phóng sự: Sống dưới tán rừng ngập mặn - Ảnh 10.

Đất cù lao màu mỡ, thảy một nắm hạt xuống ít tháng sau là trái đầy cành. Sông rạch chằng chịt, tưới tiêu và mang phù sa bồi đắp quanh năm, thời tiết hiền hòa quanh năm. Thậm chí cho đến bây giờ dù được nhận định là cá tôm thiên nhiên đã cạn kiệt nhưng năm ngoái 2018, lượng thủy sản đánh bắt ngoài thiên nhiên vẫn bằng phân nửa lượng tôm cá nuôi trong cù lao. Thiên nhiên ưu đãi quá nên phần nào cũng làm người ta dễ hài lòng với chuyện đủ ăn, không cần quá phấn đấu. Nhiều người chỉ cần tàng tàng, túc tắc vậy vẫn sống được.

Ở xóm Khmer xã An Thạnh 3, cách đây khoảng 7 năm, nhờ có dự án Nhà chống lũ nên đã dần dần lột xác. Trước đó, những khu vườn rậm rịt đầy cỏ, nhà tạm bợ và thấp. Mùa nước lớn tràn vô người không có chỗ ngủ. Dự án góp một phần và kêu gọi bà con bỏ thêm tiền để trổ cửa sổ, nâng tường cao làm gác chống lũ. 

Bây giờ, hai bên con đường bê tông là những ngôi nhà vườn rộng đầy hoa. Có những ngôi nhà tuy không sang trọng nhưng sạch sẽ và khang trang, của những người có công việc ổn định dù thu nhập không cao. Nhưng cũng không ít ngôi nhà bỏ hoang, vườn bỏ mặc cho cỏ và bụi rậm, vách lá dừa khô xám xơ xác mục từng mảng toang hoác phơi trần xác nhà trống. Chủ nhân của nó đã đi cả gia đình lên Cần Thơ, Sài Gòn, Bình Dương… kiếm kế sinh nhai. 

Giữa trưa, một người đàn ông khoảng 55 - 57 tuổi, vạm vỡ, mặt đỏ bừng, cười khà khà đầy men rượu chạy qua kiếm cô Thu Lành - nhân viên dự án Nhà chống lũ từng lăn lộn suốt mấy năm ở đây với bà con. Ông ta kể cái mái nhà lủng hết rồi, vách rách, chưa có tiền làm lại. 

Phóng sự: Sống dưới tán rừng ngập mặn - Ảnh 11.

Dưới tán rừng bần vốn là môi trường tốt cho nhiều loại hải sản đặc sản miền Tây, nhưng do khai thác thiếu quản lý và không giữ được hệ sinh thái thiên nhiên nên tôm cá ngày càng ít ỏi.

"Làm lại cũng hết 10 triệu đồng đó cô, chừng nào dự án cho xin đi". Ông ta đang nói thì cái điện thoại trong tay ca lên một bài rõ to. Bị tôi dồn, nửa tỉnh nửa say, người đàn ông khoe mới mua chiếc điện thoại này tuần trước, giá năm triệu đồng. "Để hát karaoke cho vui chớ" - ông cười khà khà giải thích!

Căn nhà nơi chúng tôi đứng nói chuyện cưu mang 6 con người: Một đôi chồng 24 tuổi, vợ 22, nhưng đã có hai đứa nhỏ cộng thêm một cái bụng tròn căng sắp đẻ, thêm một bà nội mới 56 tuổi. Lá dừa chằm vách rách nát, gió lùa tông tốc, trên cái bàn ăn chỉ có xoong cơm, đĩa rau luộc và chén nước mắm. Một mình thằng nhỏ đi làm mướn nuôi cả gia đình, còn có gạo để nấu cơm ăn là may phước. Trông nó mệt mỏi, già háp, ứ đầy lo lắng. Nhà rách toác, mưa gió thổi vào, ban đêm cả nhà dậy đi núp mưa, nhưng nó tính phải qua Tết mới để dành đủ tiền để thay vách lá. 

Hỏi sao sanh con dày và nhiều quá nên khổ, nó cười như khóc: "Giờ con sợ lắm rồi, đi làm mệt dữ lắm mà không đủ ăn".

Phóng sự: Sống dưới tán rừng ngập mặn - Ảnh 12.

Năm ngoái đã có doanh nghiệp nước ngoài tới đặt vấn đề phát triển du lịch sinh thái Cù lao Dung. Rừng bần lớn nhất miền Tây là đặc sản xứ này, cho hàng ngàn hecta bãi bồi vừa làm du lịch độc đáo, vừa nuôi được ốc len, cá thòi lòi, cá bớp, cua, những sản vật đắt giá miền Tây. Trái bần nấu canh chua, làm mứt bán cho dân du lịch, bán lên thành phố.  

Không khí trong lành, mặt nước mênh mông, hàng ngàn hecta rừng bần xanh thắm, hoa mồng gà đỏ thắm rực rỡ trên từng lối đi, đìa tôm, bãi bùn ngập phù sa lún tới đùi, những cái rễ bần chòi lên mặt bùn dày đặc, con rắn nước trườn quanh gốc cây, những con còng gió đỏ chói, xanh biếc, vàng óng chạy nhanh như biến trên mặt bùn óng nuột… cái gì dân thành phố cũng thèm muốn, khát khao, đều bán được cho những khách du lịch yêu mê thiên nhiên miền Tây hoang sơ và trù phú. Vấn đề chỉ là biết cách làm.

Phóng sự: Sống dưới tán rừng ngập mặn - Ảnh 13.

Chị Ba Dốn chủ quán cháo vịt ngon nhất đoạn cuối Cù lao Dung. Không đất, không nghề, không vốn, vợ chồng chị trở nên khấm khá nhờ siêng năng cần cù.

Ở Cù lao Dung, điều khó nhất có lẽ không phải thu hút khách du lịch hay kiếm nguồn ra cho sản vật đồng bằng, không phải kiếm tiền thay những mái lá dừa mục nát. Mà là đưa được tầm mắt và lối nghĩ của những người nông dân ở đây vươn ra khỏi tán rừng bần hay đìa tôm quanh nhà, dạy cho những đứa trẻ quen thuộc với sách vở và cách sử dụng kho báu internet, cách tìm kiến thức, sử dụng kiến thức. 

Cái chân những thằng Duy, thằng Đạt phải đi ra khỏi cù lao để nhìn thấy nhà sách, thư viện, quảng trường, nhà máy, bến cảng, trường đại học, hiệu thời trang... Để biết khao khát và mơ ước. Để sau một bữa ăn may mắn óc nóc tôm cua trong mùa nước nổi, xoa bụng nằm trên võng nghe câu cải lương ngọt ngất trong bóng chiều êm dưới tán bần, chúng vẫn hiểu rõ chúng đang thiếu những điều gì. 

Chia sẻ