Phòng ngừa viêm bàng quang ở thai phụ

,
Chia sẻ

Đây là bệnh mà bà bầu dễ mắc phải và có nguy cơ tái phát cao, cần lưu ý phòng ngừa.

Viêm bàng quang là sự nhiễm khuẩn bàng quang. Ở phụ nữ bình thường, họ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới do niệu đạo ngắn, vi khuẩn từ vùng hậu môn dễ xâm nhập vào bàng quang qua niệu đạo. Với thai phụ, nguy cơ mắc bệnh càng cao hơn. Chúng tôi đã trao đổi với bác sĩ Phạm Quốc Hùng, công tác tại Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương, TP. HCM, về nguyên nhân, mức độ nguy hiểm, cách phòng ngừa bệnh.

- Thai phụ có nguy cơ mắc bệnh viêm bàng quang cao hơn so với người bình thường. Nguyên nhân do đâu?

- Thai phụ có nguy cơ cao hơn vì đây là giai đoạn thay đổi hormone mạnh mẽ. Thời kỳ này, đường tiểu của họ trở nên mềm hơn và dãn nở hơn, làm tăng nguy cơ bị vi khuẩn xâm nhập.

Nguyên nhân gây bệnh có thể do tử cung lớn dần, bàng quang bị chèn ép làm nước tiểu ứ đọng là điều kiện để vi khuẩn sinh sôi như E.coli, Proteus mirabilis, Klebsiella pneumoinae... Các vi khuẩn này thường từ vùng hậu môn hoặc từ âm đạo qua niệu đạo rồi xâm nhập vào bàng quang gây viêm. Ngoài ra, không đảm bảo tuyệt đối vô khuẩn khi thăm khám hoặc khi thực hiện các thủ thuật bằng dụng cụ... cũng dẫn đến viêm bàng quang.

- Ngoài tiểu buốt, đi tiểu nhiều lần, bệnh còn có dấu hiệu nhận biết đặc trưng nào?

- Do niêm mạc bàng quang bị viêm, dễ bị kích thích nên bệnh nhân lúc nào cũng có cảm giác buồn tiểu, số lần đi tiểu tăng lên và tiểu gắt. Nước tiểu thường đục ở đầu bãi hoặc toàn bãi, đôi khi có máu. Người bệnh hay có cảm giác tức ở vùng dưới rốn (vùng tương xứng với vị trí của bàng quang), sốt cao (39-40 độ C), mạch đập nhanh, thể trạng suy sụp nhanh, đau vùng thắt lưng (đặc biệt là bên phải), buồn nôn và nôn, nhức đầu, phù toàn thân nhanh...

- Mức độ nguy hiểm của viêm bàng quang đối với thai phụ như thế nào?

- Thai phụ mắc bệnh nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến hội chứng tiền sản giật/sản giật hay nhiễm độc thai nghén, gây nguy hiểm cho cả mẹ và con.

Việc điều trị cho thai phụ không giống bình thường. Thai phụ cần đến khoa sản của các bệnh viện để được điều trị đúng cách và theo dõi nhằm hạn chế những biến chứng. Thai phụ cần tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ, trị bệnh dứt điểm để tránh nguy cơ kháng thuốc, bệnh sẽ tái phát.

Để phòng bệnh, thai phụ cần chú ý giữ vệ sinh cơ thể, vùng sinh dục (do môi trường âm đạo thay đổi khi có thai) để tránh nhiễm khuẩn, nhiễm nấm.

Thai phụ nên uống đủ nước, đi tiểu đều đặn, tiểu hết nước tiểu trong mỗi lần đi. Tránh nhịn tiểu lâu gây tình trạng nước tiểu ứ đọng ở bàng quang. Nên kiểm tra nước tiểu trong những lần khám định kỳ nhằm sớm phát hiện bệnh để điều trị kịp thời.

Theo Tiếp thị gia đình
Chia sẻ