Phòng ngừa tiền sản giật cho bà bầu

,
Chia sẻ

Tiền sản giật có thể khiến bà bầu phải kết thúc thai kỳ sớm, kể cả phải sinh non để tránh nguy cơ biến chứng nặng và tử vong cho mẹ.

Ai dễ mắc tiền sản giật?

Tiền sản giật là biến chứng do nhiễm độc thai nghén, chiếm tỉ lệ 6-8% số phụ nữ mang thai. Tiền sản giật thường xảy ra sau tuần lễ thứ 20 của thai kỳ và biến mất hoàn toàn sau sinh. Tuy nhiên, tiền sản giật có thể xuất hiện sớm hơn, trước tuần thứ 20 của thai kỳ, trong những trường hợp đa thai và thai trứng. Tiền sản giật xảy ra trước tuần thứ 28 thường diễn tiến nặng hơn là các rối loạn xảy ra sau tuổi thai này.

Tiền sản giật thường xuất hiện ở những thai phụ mang thai lần đầu, phụ nữ béo phì, có bệnh như bệnh thận, bệnh basedow, bệnh tiểu đường, thai trứng, có bệnh lý mạch máu từ trước…

Triệu chứng của tiền sản giật

Bệnh có biểu hiện đặc trưng là tăng huyết áp, phù mặt, tay, phát triển phù toàn thân, (khác với hiện tượng phù nề do xuống máu. Tuy nhiên, các hiện tượng trên thường đi kèm với nhau nên có thể phân biệt được với hiện tượng phù nề do xuống máu thông thường.), tăng cân nhanh đột ngột, nước tiểu nhiều chất đạm, đau đầu dữ dội, kèm theo mờ mắt, hoa mắt…

Nếu có triệu chứng nặng, khi siêu âm thai sẽ cho kết quả chậm phát triển hoặc thiểu ối.

Hậu quả của tiền sản giật

Tiền sản giật có thể gây biến chứng nghiêm trọng cho người mẹ và thai nhi.

Với mẹ: Tiền sản giật có thể khiến người mẹ bị tổn thương gan, thận, suy tim, suy hô hấp, tai biến mạch máu não, chảy máu (máu chảy không cầm được hay co giật khi chuyển dạ)…

Với thai nhi: làm thai nhi chậm phát triển, suy thai, thậm chí thai chết lưu..

Nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể dẫn đến biến chứng rau bong non, phù phổi, xuất huyết não, rối loạn tâm thần cho mẹ hoặc tử vong cho cả mẹ và con.

Nếu bạn bị chẩn đoán bị tiền sản giật, bác sĩ của bạn sẽ dùng biện pháp đặc biệt để chăm sóc bạn và thai nhi.

Điều trị tiền sản giật

Trường hợp tiền sản giật nhẹ bà bầu có thể điều trị bệnh bằng cách nghỉ ngơi, ăn nhạt, khám thai định kỳ 2 lần/tuần để kiểm tra huyết áp, xét nghiệm nước tiểu và kiểm tra tình trạng phát triển của thai nhi.

Nếu bị tiền sản giật nặng bà bầu phải nhập viện và tuân thủ theo chỉ định của bác sỹ. Với tuổi thai trên 34 tuần có thể sẽ được chỉ định bấm ối sinh non để bảo toàn tính mạng cho cả mẹ và con.

Phòng ngừa bệnh tiền sản giật

Khám thai định kỳ: Mặc dù chứng bệnh tiền sản giật có thể nghiêm trọng nhưng đa số các trường hợp bị nhẹ có thể kiểm soát được bằng cách đi khám đều đặn.

Tăng cân hợp lý:  Nguy cơ của bệnh là bị béo phì, do vậy bà bầu nên có một chế độ ăn uống lành mạnh và cân đối sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh.

Ăn nhạt: Ăn nhạt tốt cho tim mạch và giúp hạn chế phù nề nên loại trừ được khả năng mắc bệnh.

Nằm nghiêng: Bà bầu nên chọn tư thế nằm thoải mái nhất và nằm nghiêng được đánh giá là tư thế thoải mái hơn cả. Tư thế này giúp máu qua thai nhi dễ dàng hơn.

Minh Trang
(Tổng hợp)
Chia sẻ