Phòng ngừa hạ đường huyết và bệnh đái tháo đường

,
Chia sẻ

Ở những người bị bệnh đái tháo đường, hạ đường huyết (lượng đường trong máu thấp) xảy ra khi lượng đường trong cơ thể không đủ để cung cấp cho tế bào hoạt động.

Hạ đường huyết gây hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu…

Các yếu tố gây hạ đường huyết thường là: chế độ ăn uống kém do kiêng cữ quá mức hoặc tuân thủ điều trị đến thái quá, đang uống thuốc, tập thể dục quá mức, và khi bị bệnh đái tháo đường thì sự điều chỉnh lượng đường của cơ thể cũng kém hơn người bình thường.

Các triệu chứng của hạ đường huyết

Các triệu chứng hạ đường huyết xuất hiện khi lượng đường trong máu thấp hơn 70 mg/dl.

Các triệu chứng sớm có thể bao gồm:

• Hoa mắt, chóng mặt.

• Lẫn lộn.

• Đói, run rẩy.

• Khó chịu, nhức đầu.

• Nhịp tim nhanh.

• Da nhợt nhạt, vã mồ hôi lạnh.

• Lo âu, yếu ớt.

Nếu không được điều trị, các triệu chứng này sẽ nghiêm trọng hơn:

• Nhức đầu, bứt rứt, khó chịu.

• Mất phối hợp các động tác.

• Mất tập trung.

• Tê môi, lưỡi, miệng.

• Mê man, ác mộng.

Nhìn chung, mục tiêu của các loại thuốc điều trị đái tháo đường là làm giảm lượng đường trong máu. Nhưng vì một hay nhiều lý do nêu trên mà gây ra hạ đường huyết, và cần phải lưu ý thêm các loại thuốc góp phần làm giảm thêm lượng đường trong cơ thể như các thuốc kháng viêm, giảm đau, thuốc bắc điều trị đái tháo đường mà không có mặt trong toa… và uống rượu.

Hạ đường huyết xảy ra khi nào?

Hạ đường huyết có thể xảy ra ở người bệnh đái tháo đường sau một bữa ăn chứa nhiều đường đơn, thường là bữa ăn có rất nhiều trái cây, được gọi là tình trạng hạ đường huyết phản ứng. Nghĩa là khi đưa vào cơ thể một lượng lớn đường đơn thì cơ thể đáp ứng bằng cách tiết ra một lượng lớn insulin để đưa đường vào tế bào, bởi vì ở người bệnh đái tháo đường khả năng điều chỉnh lượng đường trong máu kém hơn bình thường, nên lượng đường này được đưa vào tế bào quá mức dẫn đến tình trạng hạ đường huyết.

Tình trạng hạ đường huyết cũng xảy ra nếu người bệnh bỏ lỡ một bữa ăn nhẹ, hay không ăn bữa ăn chính, ăn trễ hơn bình thường, chán ăn trong những ngày bệnh, hoặc uống rượu mà không ăn thức ăn. Do đó, nó đặc biệt quan trọng cho người bị đái tháo đường để không bỏ bữa ăn, đặc biệt khi họ đang uống thuốc.

Tập thể dục quá mức cũng gây hạ đường huyết bởi vì các tế bào sử dụng đường nhiều hơn bình thường.

Điều trị hạ đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường

Trong quá trình điều trị bệnh đái tháo đường, bệnh nhân có thể sẽ trải nghiệm qua một hoặc vài lần hạ đường huyết. Nếu bạn nghi ngờ mình bị hạ đường huyết thì hãy đến bệnh viện để kiểm tra lượng đường trong máu của bạn. Bác sĩ sẽ khám bệnh, chẩn đoán nguyên nhân và điều chỉnh thuốc uống phù hợp.

Ngay khi có các triệu chứng kể trên, người bệnh nên nghĩ đến tình trạng hạ đường huyết và cần phải bổ sung đường ngay lập tức. Một viên kẹo ngọt ( nên thường xuyên có trong túi người bệnh), nửa ly nước đường, 1 cốc sữa hay 1 muỗng mật ong… sẽ rất có ích. 15 phút sau khi đã ăn thức ăn chứa đường, hãy kiểm tra lại lượng đường trong máu. Nếu cảm thấy không tốt hơn và đường huyết vẫn còn thấp hơn 70 mg/dl thì dùng thêm thực phẩm có đường một lần nữa. Cần thiết phải đến bác sĩ để được điều trị tốt hơn.

Phòng ngừa hạ đường huyết

• Ăn đúng giờ, chia thành nhiều bữa ăn trong ngày, có bữa ăn nhẹ xen kẽ bữa ăn chính, 2 bữa ăn không cách nhau quá 4 giờ.

• Tập thể dục từ 30 phút - 1 giờ mỗi ngày, có thể chia làm 2-3 lần, có thể tập sau bữa ăn. Nếu tập thể dục vào sáng sớm khi chưa ăn sáng thì cần phải mang theo thức ăn chứa đường.

• Dùng thuốc đúng giờ và kiểm tra đúng thuốc trước khi uống.

• Kiểm tra đường huyết thường xuyên theo chỉ dẫn của bác sĩ.

• Đảm bảo các thành viên trong gia đình, bạn bè biết các triệu chứng hạ đường huyết để hỗ trợ khi cần thiết.

Điều quan trọng nhất là nhận ra dấu hiệu cảnh báo của lượng đường trong máu thấp và điều trị kịp thời.

Theo BS Quốc Trị

PNO

Chia sẻ