Phòng chống sốt xuất huyết mong đợi giải pháp hiệu quả, bền vững
Bước vào thời điểm giao mùa, dịch sốt xuất huyết tại Việt Nam lại có dấu hiệu quay trở lại, do đó cần có thêm biện pháp phòng chống chủ động, hiệu quả và bền vững để ngăn chặn dịch bùng phát.
Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2024, số ca mắc và tử vong vì sốt xuất huyết trên thế giới đã vượt ngưỡng báo động và được dự đoán sẽ nghiêm trọng hơn khi bước vào mùa dịch. Tính đến hết tháng 1/2024, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ghi nhận hơn 500.000 ca sốt xuất huyết và hơn 100 ca tử vong trên toàn cầu, gấp 189% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tạp chí y khoa Lancet dẫn dữ liệu từ WHO cho thấy năm 2023, Brazil đã thông báo có gần 3 triệu trường hợp mắc bệnh, trong tổng số hơn 5 triệu trường hợp mắc sốt xuất huyết trên toàn cầu. Trước đó, Peru cũng chính thức ban bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc khi chỉ còn 5 trên 25 khu vực tại đất nước này chưa bị đặt vào tình trạng khẩn cấp.
Tại Việt Nam, dịp Tết Nguyên đán vừa qua, hàng chục ổ dịch được phát hiện ở nhiều địa phương (TP HCM, Tiền Giang, An Giang, Tây Ninh, Bến Tre). Theo Cục Y tế dự phòng, tính đến ngày 22/3, tổng cộng 12.937 trường hợp mắc sốt xuất huyết được ghi nhận trên cả nước. Ở cả 2 miền Bắc và Nam đều xuất hiện những ca bệnh nặng, ngay cả khi không phải là thời điểm dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh nhất.
Bệnh nhân sốt xuất huyết với bàn tay đầy ban đỏ, điều trị tại bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Ngọc Thành
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính có thể bùng phát thành dịch do vi rút Dengue gây ra. Sốt xuất huyết có diễn biến lâm sàng với triệu chứng đa dạng, diễn tiến khó lường từ nhẹ sang nặng, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong. Có thể nói việc bùng nổ số ca mắc sốt xuất huyết sẽ là gánh nặng và thách thức lớn đối với ngành y tế và xã hội.
Bài học từ dịch Covid-19 đã chứng tỏ giá trị và vai trò then chốt của vắc xin trong việc phòng chống và đẩy lùi dịch bệnh. Do đó, ngoài việc tiếp tục nâng cao ý thức phòng chống, năng lực chẩn đoán và điều trị nhằm giảm thiểu tỷ lệ tử vong do dịch, việc chủ động phòng chống từ khi chưa có dịch, đặc biệt là có vắc xin sốt xuất huyết để tiêm phòng là một giải pháp cấp thiết hiện nay.
Bác sĩ khám bệnh nhân sốt xuất huyết tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Ảnh: Trần Anh
Hành trình nghiên cứu vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết đầy chông gai được nhân loại theo đuổi suốt gần 100 năm qua gần đây đã có những tín hiệu lạc quan. Một số loại vắc xin phòng được cả 4 chủng vi rút gây sốt xuất huyết đã được đưa vào thử nghiệm và phê duyệt, cấp phép tại nhiều quốc gia. Hiện một số loại vắc xin vừa có hiệu quả phòng chống sốt xuất huyết vừa có khả năng ngăn ngừa bệnh trở nặng đã được phê duyệt tại EU, Brazil, Agentina, Indonesia, Thailand, Malaysia và nhiều nước trên thế giới.
Cụ thể, từ tháng 3/2023, chính phủ Brazil đã chính thức phê duyệt kế hoạch đưa vắc xin sốt xuất huyết vào chương trình tiêm chủng mở rộng của nước này. Ông Ethel Maciel, Bộ trưởng Y tế và Giám sát Môi trường Brazil chia sẻ: "Chúng tôi hy vọng có thể ngăn ngừa căn bệnh truyền nhiễm này bằng vắc xin".
Cùng với đó, những phương pháp phòng chống sốt xuất huyết truyền thống như tiêu diệt véc-tơ truyền bệnh; bảo vệ cá nhân bằng thuốc xua và quần áo dài; kiểm soát ổ dịch; quản lý, điều trị kịp thời ca bệnh đang được WHO khuyến nghị cho các nước trên thế giới áp dụng, bao gồm cả Việt Nam.
Trên thực tế, tuy kiến thức phòng bệnh đã được phổ biến nhưng ý thức tuân thủ và thực hiện triệt để các biện pháp này hầu như còn rất thấp. Bên cạnh các yếu tố như biến đổi khí hậu, tình trạng đô thị hóa, giao thương diễn ra nhanh chóng; thực trạng này góp phần khiến cho tình hình dịch sốt xuất huyết tại Việt Nam nói riêng, trên thế giới nói chung vẫn diễn biến phức tạp và có xu hướng tăng tiến theo từng năm. Hy vọng vắc xin sẽ sớm có mặt tại Việt Nam để gia tăng khả năng chủ động phòng chống dịch sốt xuất huyết tại Việt Nam, bên cạnh những phương pháp phòng bệnh truyền thống.
GS. Vũ Sinh Nam
(Nguyên Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, chuyên gia cao cấp về sốt xuất huyết)