Phong cách sống không tiền mặt "cashless" thất sủng ở Hàn Quốc vì nhu cầu "thắt lưng buộc bụng"
Từng coi thẻ tín dụng là "vật bất ly thân", giới trẻ Hàn Quốc giờ đây lại phải nói lời chia tay.
Trong suốt lịch sử phát triển của loài người, mỗi phát minh mới hoặc tiến bộ công nghệ đều giúp người bớt phải mang đồ cồng kênh bên mình hơn.
Ví dụ, việc phát minh ra tiền xu đã giúp giảm bớt gánh nặng cho người dân mang theo hàng hóa mà họ muốn trao đổi.
Rồi đến sự ra đời của điện thoại thông minh - thiết bị nhỏ bé chỉ nặng có vài trăm gram mà như thể mang được cả thế giới bên mình.
Thiết bị nhỏ bé này đang mang đến những thay đổi chấn động cho mọi khía cạnh của cuộc sống hàng ngày. Và ở Hàn Quốc, một trong những quốc gia có mạng lưới Internet lớn nhất trên thế giới, điện thoại thông minh chắc chắn cần thiết để xây dựng một xã hội "không dùng tiền mặt". Mua món đồ tạp hóa vài xu cũng có thể đưa điện thoại ra quét QR.
Từng là "trend" cực hot
Ngược dòng thời gian về khoảng 4 năm trước, năm 2019, tờ Korea Times đã có hẳn một bài viết nhận định về xu thế loại bỏ tiền mặt trong chi tiêu.
Tờ báo này bình luận: "Quả thực, ngoài thẻ tín dụng, điện thoại thông minh đang thúc đẩy xu hướng sống không tiền mặt ở nền kinh tế lớn thứ tư châu Á".
Korea Times một vài câu chuyện nhỏ cuộc sống hàng ngày của người Hàn Quốc có thể mang lại cái nhìn thoáng qua về cuộc sống của mọi người khi loại trừ tiền mặt ra khỏi ví.
Park Kyung-jun, một nhân viên văn phòng 35 tuổi, bắt đầu ngày mới bằng chuyến xe buýt đến nơi làm việc ở Bundang, ngay phía Nam Seoul và thanh toán bằng thẻ tín dụng có sẵn trên ứng dụng di động của mình.
Park nói: "Tôi thường không mang theo tiền mặt và không thể nhớ lần cuối cùng tôi rút tiền mặt từ nhân viên ngân hàng là khi nào".
Anh sử dụng cùng một thẻ ứng dụng di động không cần thẻ suốt cả ngày để thanh toán phần lớn chi tiêu của mình, bao gồm bữa trưa, cà phê và đôi khi là bữa tối. Ngay cả khi ở nhà, anh vẫn sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt khác để mua sắm, ăn tối và vui chơi.
Các cuộc khảo sát của Korea Times vào thời điểm đó cho thấy hầu hết mọi người vẫn mang theo một ít tiền mặt để đề phòng, nhưng số tiền họ mang theo đã giảm đáng kể qua các năm.
Theo một cuộc khảo sát do Ngân hàng Hàn Quốc (BOK) thực hiện vào năm 2018, người Hàn Quốc có trung bình 78.000 won (1,4 triệu VNĐ) tiền mặt trong túi tại bất kỳ thời điểm nào, giảm 33% so với 116.000 won (2,1 triệu VNĐ) vào 3 năm trước đó.
Theo độ tuổi, những người ở độ tuổi 20 có trung bình 54.000 won (1 triệu VNĐ), so với 67.000 won (1,2 triệu VNĐ) đối với những người ở độ tuổi 30, 91.000 won (1,7 triệu VNĐ) đối với những người ở độ tuổi 40 và 105.000 won (1,9 triệu VNĐ) đối với những người ở độ tuổi 50.
Cũng trong năm 2018, tiền mặt chiếm 32,1% tổng chi tiêu hộ gia đình, giảm từ mức 38,8% vào năm 2015.
Mặt khác, tỷ lệ các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt như thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ đã tăng lên 52% vào năm 2018, tăng từ mức 37,4% của 3 năm trước đó.
Một trong những lý do ngày càng nhiều người cố gắng tránh sử dụng tiền mặt là vì nó thường đồng nghĩa với việc mang theo một túi đầy những đồng xu nhỏ nhưng nặng.
"Sự khác biệt giữa thanh toán bằng tiền mặt và bằng thẻ tín dụng là khi tôi thanh toán bằng thẻ tín dụng, tôi không phải đi loanh quanh với một túi tiền lẻ cả ngày rồi bỏ vào một đống tiền xu lớn ở nhà", Kim Mi-ra, một bà nội trợ 42 tuổi, nói.
Thế mà giờ lại "quay lưng" với thẻ tín dụng
Hàn Quốc từng hướng tới xây dựng một xã hội phi tiền mặt là thế mà giờ đây, sau vài năm, giới trẻ nước này lại muốn đi ngược với xu thế vì lý do "thắt lưng buộc bụng" trong bối cảnh lạm phát.
Mới đây, tờ báo The Korea Herald đã có bài viết phản ánh tình hình một bộ phận giới trẻ xứ kim chi đang quay về dùng tiền mặt để dễ dàng quản lý chi tiêu vì "nợ ngập đầu ngập cổ".
Hồi giữa tháng 4 năm 2023, dữ liệu của Ngân hàng Hàn Quốc (BOK) cho biết số lượng thanh niên xứ kim chi (từ 20 đến dưới 40 tuổi) mắc nhiều khoản nợ đã tăng thêm 40.000 người.
Nhóm người vay nợ ở độ tuổi chưa đến 30 được ngân hàng trung ương Hàn Quốc phân loại vào nhóm "những người đi vay dễ bị tổn thương".
Họ bao gồm những người vay tiền từ 3 tổ chức tài chính trở lên và có xếp hạng tín dụng thấp hoặc thu nhập thấp. Giữa thời điểm lãi suất cao, khả năng trả nợ của những người trẻ là thấp khiến họ dễ rơi vào cảnh "vỡ nợ".
Chính vì rơi vào cảnh khủng hoảng tài chính như vậy, trong khi giá cả hàng hóa cứ leo thang chóng mặt, người trẻ Hàn Quốc không còn cách nào khác là phải "thắt lưng buộc bụng".
Mà thắt buộc bằng cách nào cho hiệu quả? Họ đã nghĩ ra chiêu quay về thời ông bà, dùng TIỀN MẶT.
Kim Ji-hye, một nhân viên văn phòng 32 tuổi, nói với The Korea Herald rằng: "Ngày trước, tôi chi khoảng 1 triệu won (18,7 triệu VNĐ) cho các ứng dụng giao đồ ăn, nhưng sau khi chuyển sang thanh toán bằng tiền mặt, khoản chi tiêu này đã giảm gần 70%".
Tương tự, Yang Eun-bi, một nhà thiết kế web chuyên nghiệp 33 tuổi, cho biết: "Trước đây, phần lớn thu nhập của tôi dùng để thanh toán hóa đơn mà tôi đã mua bằng thẻ tín dụng, nhưng kể từ khi bắt đầu sử dụng tiền mặt, số tiền tiết kiệm của tôi đã tăng từ 0 lên 1,2 triệu won mỗi tháng".
Hay Choi Su-ji, một YouTuber, thường xuyên chia sẻ kế hoạch lập ngân sách thông qua các video trên trang cá nhân của mình. Cô cho biết việc tiêu tiền mặt thực sự rất bất tiện, thế nhưng chính sự bất tiện này đã giúp cô hay những người bạn của cô có thể gạt bỏ những khoản chi tiêu không cần thiết.
Nhìn thấy gì từ câu chuyện này?
Hiện nay, ở Việt Nam và một số nước châu Á, việc dùng thẻ tín dụng hoặc các ứng dụng thanh toán trên điện thoại di động đang "bùng nổ" như một xu hướng biểu hiện cho sự hiện đại, năng động.
Đến nỗi mà, giờ đây, người ta đi ra ngoài chỉ cần mang theo thứ duy nhất là điện thoại di động mà vẫn có thể "mua cả thế giới". Bà bán rau vài nghìn đồng/mớ cũng có mã QR code cho khách "quét" tiện lợi biết bao.
Tuy nhiên, mọi thứ đều có 2 mặt. Câu chuyện của giới trẻ Hàn Quốc có chăng là bài học nhãn tiền cho chúng ta trong việc chi tiêu. Đồng ý rằng việc chi tiêu không dùng tiền mặt là thành tựu của sự phát triển vượt bậc về công nghệ và hướng đến cuộc sống tiện nghi, hiện đại hơn. Nhưng, nếu không dùng đúng cách, chi tiêu hợp lý, nó lại trở thành "cái bẫy" khiến chúng ta rơi vào cảnh nợ ngập đầu ngập cổ và sau cùng là sự bế bắc, vùng vẫy trong những khoản nợ không biết bao giờ mới hết.