"Phối" rau củ thành thuốc
Phối hợp các loại rau củ quả dưới đây sẽ thành một bài “thuốc nam tiềm gà”, giúp bổ khí huyết mà không cần phải vất vả tìm đến các tiệm thuốc Bắc mua thuốc.
Rau củ quả nấu “thuốc nam tiềm gà” rất dễ tìm - Ảnh: T.T.D. |
Theo quan niệm của y học cổ truyền, muốn cơ thể khỏe mạnh, không bệnh tật thì khí huyết phải lưu thông, âm dương bình hành. Vì vậy việc lựa chọn những thực phẩm dễ mua, dễ chế biến, lại vừa ngon miệng, vừa nên thuốc, vừa có tác dụng bổ dưỡng như món gà tiềm là rất cần thiết.
Các bà nội trợ không cần cầu kỳ với món “gà ác tiềm thuốc Bắc” mà có thể chế biến món tiềm với các loại rau củ quả quen thuộc, vừa túi tiền mà còn đầy đủ dược tính giúp tăng cường sức khỏe cho các thành viên trong gia đình sau một ngày lao động.
1. Củ năng, được dùng làm thức ăn và làm thuốc từ lâu đời. Củ năng có vị ngọt, tính bình, tác dụng bổ trung ích khí, khai vị tiêu thực, giải nhiệt độc, chỉ khát sinh tân, bổ phế, trừ thũng. Củ năng được dùng làm thuốc chữa ăn uống không tiêu, trướng bụng, các trường hợp ngộ độc rượu, trẻ em nổi rôm sảy, sởi, ho có nhiều đàm, người lớn có cơ địa huyết áp tăng cao, phù thũng, táo bón, viêm gan vàng da. Nước sắc từ củ năng còn giúp tiêu hóa tốt, dễ hấp thu. Mỗi ngày lấy khoảng 100 gam (10 củ) gọt vỏ sạch, cho vào nồi tiềm.
2. Nấm mèo (mộc nhĩ), có chứa nhiều sinh tố như B1, B2, PP và khoáng tố. Nấm mèo có vị ngọt, tính bình, tác dụng thông lợi ngũ tạng, hoạt huyết, bổ khí, tăng lực, hay dùng để chữa băng huyết, kiết lỵ, trĩ, bệnh đường ruột, chữa táo bón, giải độc cơ thể, hạ mỡ máu, phụ nữ ăn mỗi ngày vài tai nấm mèo sẽ giúp khí huyết lưu thông, làn da sáng đẹp. Ngâm nở khoảng 2-3 tai nấm (10 gam) rồi tiềm chung với gà hoặc thịt heo.
3. Hạt sen, chứa nhiều tinh bột, protid, lipid, đường, tác dụng an thần, được dùng để chữa mất ngủ, đau đầu, thần kinh suy nhược, tim đập nhanh, hồi hộp. Hạt sen còn có tác dụng tăng cường chức năng của tì vị, đảm bảo dinh dưỡng cho cơ thể, giúp hấp thu tốt. Đối với nam giới, hạt sen còn chữa chứng di tinh, hoạt tinh, thận yếu. Trẻ em hay khóc đêm, đái dầm, dùng mỗi ngày 10-30gam, nấu nước uống hoặc tiềm chung với gà ác.
Chỉ cần ngon miệng Sự ngon miệng sẽ kích thích tì vị hoạt động tốt. Không cần cao lương mỹ vị, không cần ăn nhiều, chỉ cần ngon và ăn trong trạng thái thoải mái, phấn khởi, vừa lòng sẽ giúp cải thiện hệ tiêu hóa, hệ tuần hoàn, hệ bài tiết và đem lại cho ta một giấc ngủ ngon. Điều đó không đúng với câu ông bà thường nói “ăn được ngủ được là tiên” đó sao? |
5. Long nhãn có vị ngọt, tính bình, tác dụng định tâm ích trí, khai vị kiện tì, nhuận phế, được dùng để trị kém ăn mất ngủ, suy nhược thần kinh, thiếu máu, tì vị yếu, giảm trí nhớ. Mỗi lần dùng 10-20 gam nấu chè chung với hạt sen hoặc dùng chung trong món tiềm.
6. Cà rốt, thêm nửa củ cà rốt vào tiềm chung với các loại kể trên sẽ giúp chữa được nhiều bệnh như quáng gà, mắt mỏi do làm việc nhiều trên máy tính, tăng cường sức đề kháng, nâng cao khả năng miễn dịch tế bào, kháng khuẩn, giải độc, chống rụng tóc, khô da. Phụ nữ dùng mỗi ngày rất tốt nhờ cà rốt chứa một lượng lớn carotene, protid, lipid, glucid, các chất xơ, các nguyên tố vi lượng và các vitamin E, A. Cà rốt không chỉ bồi bổ cơ thể mà còn có khả năng chữa bệnh tuyệt vời. Tuy nhiên không nên mua loại củ to đẹp vì có thể có chất kích thích tăng trưởng.
7. Hành tây, vài lát hành tây trong món tiềm sẽ có tác dụng kích thích tiêu hóa, ngoài ra tinh dầu trong củ hành còn có tác dụng sát khuẩn, chống nhiễm khuẩn đường hô hấp, chữa ho, giảm đau nhức, chữa mệt mỏi, tiểu đường, bổ thần kinh, ngừa huyết khối, chứng suy sinh dục và viêm đường tiết niệu.
8. Gừng, đóng vai trò một sứ giả để điều vị trong bài tiềm vì gừng có vị cay, tính ấm, trung hòa tính mát của các vị kể trên, giúp ấm bụng, chống nôn, đầy bụng; ngoài ra gừng còn chống nhiễm trùng, ngừa cảm cúm, giảm đau nhức xương khớp, ăn gừng còn giúp sáng mắt. Dùng một củ gừng nhỏ là đủ, gừng còn giúp khử được mùi tanh nồng của các loại thịt cá.
9. Thịt gà, vị ngọt, tính ôn, thịt gà đen tác dụng bổ khí lực, bổ thận tinh; thịt gà trắng tác dụng bổ khí, trừ lao, lợi tiểu, trừ đàm, chữa ho. Vì vậy có thể dùng gà đen hoặc trắng tùy trường hợp. Người Trung Quốc hay dùng gà nuôi lâu năm (gà già) đem hầm lấy nước uống có tác dụng bổ hư, tăng khí lực. Dùng khoảng 200 gam thịt gà cho một lần ăn.
Nếu không có gà cũng có thể sử dụng giò heo, thịt heo, bồ câu, vịt, dê, tùy ý thích và tùy đối tượng sử dụng. Tất cả đều tốt cho người già, nam giới, phụ nữ mang thai hoặc sau sinh, thanh thiếu niên, trẻ em suy dinh dưỡng. Mỗi tuần có thể ăn một lần.