Phó Chủ tịch Hội ung thư: 2 dấu hiệu 'chỉ điểm' ung thư dạ dày thường gặp ở đa số bệnh nhân
Tại Việt Nam, ung thư dạ dày là căn bệnh ung thư đường tiêu hóa khá phổ biến. Số ca mắc ung thư dạ dày ở Việt Nam vẫn tăng trong những năm qua và ngày một trẻ hóa.
PGS.TS.BS Đoàn Hữu Nghị, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện K, Phó Chủ tịch Hội ung thư (Hà Nội) cho biết, chế độ ăn thiếu tiết chế cộng thêm chế độ sinh hoạt ít vận động khiến cho nguy cơ mắc ung thư dạ dày ở người trẻ ngày càng gia tăng. Một nguyên nhân khác khiến ung thư dạ dày trẻ hóa còn liên quan tới việc y học phát triển, bệnh nhân đi khám sớm nên phát hiện ung thư sớm.
Ung thư dạ dày có nguy cao mắc ở người bị viêm loét dạ dày mạn tính có nhiễm vi khuẩn HP. Vi khuẩn HP có khả năng tiết ra men và độc tố làm tổn thương niêm mạc dạ dày, tá tràng, có thể gây viêm loét dạ dày tá tràng cấp tính và mạn tính. Quá trình viêm mạn tính kéo dài sẽ làm cho tế bào niêm mạc dạ dày tăng sinh bất thường, làm tăng nguy cơ xuất hiện tế bào lạ (ung thư).
Theo PGS Nghị, ung thư dạ dày có mối liên quan mật thiết tới chế độ ăn uống. Ung thư dạ dày hay gặp ở các nước Châu Á như Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc) và khu vực Đông Nam Á do có liên quan tới thói quen ăn mặn, đồ nướng, chiên, thực phẩm chế biến như thịt hun khói, thức ăn ngâm, tẩm muối. Các món ăn chứa lượng muối cao thường có liên quan đến tỉ lệ mắc ung thư dạ dày.
Trên thế giới cũng đã có nghiên cứu thực hiện trên 2 nhóm chuột: Nhóm chuột thứ nhất uống chất protein giã hoá (thịt chế biến) và nhóm chuột còn lại uống nước lọc. Kết quả nhóm chuột thứ nhất có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn so với nhóm uống nước lọc.
Bên cạnh đó, thói quen hút thuốc lá cũng là một trong những yếu tố nguy cơ làm gia tăng số ca mắc ung thư dạ dày. Ung thư dạ dày cũng có liên quan tới yếu tố tuổi tác, khoảng 96% là người ở độ tuổi từ 40 trở lên. Nam giới có tỉ lệ mắc ung thư dạ dày cao khoảng hơn gấp đôi so với phụ nữ.
PGS Nghị cho rằng: "Ung thư dạ dày cũng có liên quan tới yếu tố di truyền, những người có người thân mắc polyp tuyến có tính chất gia đình (FAP); mắc hội chứng Lynch; hội chứng Peutz-Jeghers; hội chứng Juvenile polyposis cũng có nguy cơ cao mắc ung thư dạ dày.
Trong quá trình khám tôi cũng tiếp nhận các trường hợp bệnh nhân có bố mắc ung thư dạ dày, các con cũng có nguy cơ mắc bệnh sau này".
Dấu hiệu phát hiện ung thư dạ dày sớm
PGS Nghị cho biết dấu hiệu để phát hiện ung thư dạ dày giai đoạn sớm, thường gặp ở khá nhiều bệnh nhân là tình trạng đầy bụng, khó tiêu. Thông thường một người sau ăn 6 tiếng sẽ tiêu hết thức ăn. Tuy nhiên, với người mắc ung thư dạ dày, thức ăn sẽ không tiêu hoá được, người bệnh sẽ luôn có cảm giác ấm ách trong bụng. Nguyên nhân là do các tế bào thành niêm mạc bị biến loạn, không tiết được axít để tiêu hoá thức ăn.
Tuy nhiên, các triệu chứng đầy bụng, khó tiêu sẽ dễ bị nhầm lẫn với viêm dạ dày thông thường, do vậy bệnh nhân dễ bỏ sót triệu chứng và đi khám muộn.
Bệnh nhân mắc ung thư dạ dày cũng sẽ có cảm giác chán ăn. Điều này là do khối u ở dạ dày khiến cho bệnh nhân cảm thấy no nhanh hơn và gây hiện tượng chán ăn. Vì vậy, trong trường hợp bệnh nhân cảm thấy chán ăn kéo dài kèm theo sút cân không rõ nguyên nhân thì nên đi khám để loại trừ nguy cơ mắc ung thư.
Cũng theo các chuyên gia ung bướu, ung thư dạ dày có thể có thêm một số triệu chứng khác như: nôn ra máu, ợ chua, đầy bụng sau khi ăn, đi ngoài ra phân màu bất thường… Khi cơ thể xuất hiện các triệu chứng bất thường, mọi người cần đi khám sớm. Ung thư dạ dày hoàn toàn có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm.
Để phòng ngừa ung thư dạ dày, PGS Nghị khuyến cáo: Mọi người cần hạn chế ăn đồ ăn mặn; Hạn chế ăn đồ hun khói, đồ nướng, đồ chiên; Hạn chế ăn thức ăn sống. Về lối sống, mọi người cần phải từ bỏ thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia, sử dụng chất kích thích…
Về chế độ ăn uống, mọi người cần có chế độ ăn hợp lý bổ sung thêm rau xanh, hoa, quả tươi, đồng thời cần có chế độ nghỉ ngơi, luyện tập thể dục thể thao hợp lý, điều độ. Cuối cùng, mọi người nên đi khám sức khoẻ khi có dấu hiệu bất thường tại đường tiêu hóa.