Phim Việt ngày càng gây tranh cãi

Theo 24h,
Chia sẻ

Việc lấy cái tên thật khác người, thật sốc… dường như đã trở thành một trào lưu “khó cưỡng” trong điện ảnh Việt.

Từ tên phim

Còn nhớ cách đây vài năm, thị trường âm nhạc Việt Nam trở nên “điên đảo” với những tên bài hát giống như một câu nói hài hước, dài dòng, khó nhớ, mới nghe đã sốc. Nhiều người thắc mắc sao lại có tên bài hát kỳ lạ thế và rồi vì tò mò, người ta cũng nghe thử xem nó thế nào. Chẳng thế mà lượng pagesview trên các trang nhạc trực tuyến cứ tăng vùn vụt và ca sĩ cho đó là sự thành công.  Nhưng họ không hiểu rằng nó tăng lên vì tên bài hát chứ đâu phải vì chất lượng, hoặc họ hiểu nhưng cố tình làm thế để nổi tiếng như: Không say không về, Điện thoại yêu sim, Lời tâm sự giữa hai người đàn ông, Người phụ nữ tự tin, Anh chỉ biết câm nín nghe tiếng em khóc, Đàn ông không được quên hết tình còn nghĩa… Những tưởng cách đặt tên không giống ai này chỉ có ở thị trường âm nhạc nhưng giờ đây nó đã lan sang cả lĩnh vực điện ảnh.

Việc lấy cái tên thật kêu, thật khác người, thật sốc… dường như đã trở thành một trào lưu “khó cưỡng” trong điện ảnh Việt Nam. Gần đây, một số tên những bộ phim được giật tít trúc trắc đến khó khiểu đã khiến nhiều người cho rằng, mục đích của những nhà làm phim là để câu khách, câu người xem.

Một cảnh trong phim "Hotboy nổi loạn..."

Chúng ta đều hiểu rằng, cách đặt tên cho một bộ phim là cả một quá trình trăn trở của các nhà làm phim cho đứa con nghệ thuật của mình. Tên phim làm sao có thể cô đọng, hàm súc mà toát lên được cả nội dung của phim. Để làm được điều đó đòi hỏi ở nhà làm phim một lối tư duy sâu sắc và thâm thúy. Chỉ cần nghe tên phim cũng đủ hiểu người làm phim đã chăm chút nó tới mức nào và cuối cùng khi xem phim mới thấy tên phim ấy thật có giá trị.

Song trong thời đại thị trường phim ảnh dường như có vẻ “hỗn loạn” này, việc đặt tên cho phim không còn là sự trăn trở và chăm chút của một số nhà làm phim nữa. Tên làm sao thật lạ, thật kêu, thật sốc, càng gây sự chú ý tò mò của khán giả càng tốt. Chẳng hạn các phim như Đẻ mướn, Khi người đàn ông mang bầu, Thiên sứ 99, Công chúa teen và ngũ hổ tướng, Bóng ma học đường, Em hiền như ma sơ… Đó là những bộ phim thành công ở khâu thu hút khán giả nhưng hiệu quả nghệ thuật còn gây quá nhiều tranh cãi và chưa đền đáp xứng đáng sự mong mỏi của khán giả. Trên các trang mạng xã hội không thiếu gì những bình luận kiểu như: “Phải chăng vì nội dung phim không-có-gì nên phải “mời gọi” khán giả bằng “cái vỏ” gây hiếu kỳ như thế”. Thậm chí, nhiều ý kiến còn cho rằng, khi nghe tên phim khiến ta không khỏi liên tưởng đến cách đặt tên của một quán ăn hay một nhà hàng nào đó để “hút khách”.

Và gần đây nhất, lại xuất hiện tên phim dài, trúc trắc, mới đọc xong đã hết hơi chứ nói gì đến nhớ nó. Đó là phim Hot boy nổi loạn, câu chuyện về thằng cười, cô gái điếm và con vịt. Tuy nhiên, không thể phủ nhận là ngay khi công chiếu, bộ phim này đã nhận được nhiều sự ủng hộ bởi theo đánh giá, đây là bộ phim có nội dung hay. Song, vì tên phim quá dài, quá khó nhớ nên khán giả thường gọi tắt là Hot boy nổi loạn

Nói đến đây không thể không nhắc đến một tựa phim dài ngoằng, vô nghĩa là Siêu sĩ, ca mẫu, nhà con học và khoa chó. Đây là tên tiêu đề phim khiến nhiều người không hiểu nổi nhà sản xuất nghĩ thế nào khi quyết định tên phim khó hiểu và khó nhớ như thế?

Khi báo giới thắc mắc về tựa phim, nhà sản xuất cho biết tựa gốc là Giới tính lộn xộn nhưng sau khi đoàn làm phim tổ chức thi đặt tựa phim trên một diễn đàn thì Siêu sĩ, ca mẫu, nhà con học và khoa chó được nhiều người chọn nhất.

Tuy vậy, giải thích trên vẫn chưa hoàn toàn thuyết phục và ngay khi tựa phim vừa xuất hiện trên các báo và diễn đàn mạng đã làm dấy lên làn sóng tranh cãi. Rất nhiều bạn trẻ cho rằng tựa phim đã làm “xấu” tiếng Việt. Chỉ ở điểm này thôi, không biết nhà làm phim có tự hỏi như vậy mình đã thực sự thành công?

Chúng ta luôn giáo dục thế hệ trẻ phải giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt và phim là một loại hình nghệ thuật truyền tải giá trị nhân văn cho con người, góp phần giáo dục thế hệ trẻ nhưng ngay từ tên phim đã không làm được điều này.

Tới tên bài hát trong phim

Hồi cuối tháng 5/2011 khi bộ phim Thẩm mỹ viện của đạo diễn Đinh Đức Liêm được phát sóng đã gây tranh cãi trong lòng khán giả vì bài hát Tâm hồn là vĩnh cửu trong phim được người đẹp “dao kéo” Phi Thanh Vân thể hiện. Bài hát với những lời lẽ rời rạc, chắp nối, không có ý tứ sâu xa lại kết hợp với chất giọng “không tròn trịa” của Phi Thanh Vân khiến nhiều ý kiến cho rằng, đây là scandal Da nâu thứ hai của cô diễn viên/ người mẫu này.

Mới đây phim Cột mốc 23 của đạo diễn Nguyễn Quốc Duy cũng khiến cư dân mạng xôn xao bởi bài hát Bài ca thịt chó do diễn viên Huy Khánh và Diễm Châu thể hiện trong bối cảnh một quán thịt chó ở vùng quê. Ông chủ quán (Huy Khánh) đang hăng say nấu nướng, còn cô chủ quán nhiệt tình đón khách.

Huy Khánh với vai ông chủ quán thịt chó trong phim "Cột mốc 23"

Bài hát có tựa đề Bài ca thịt chó do nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong sáng tác. Nhưng khi clip tung ra cũng lại gây nhiều tranh cãi. Tranh cãi bởi trước tiên là tên bài hát. Có lẽ từ trước đến giờ, đây là lần đầu tiên món ăn “thịt chó” được đưa vào bài hát và chuyển thành lời ca. Dường như cái tên bài hát “quá lạ”, “quá mới” và lời bài hát cũng rất “sáng tạo”. Không biết có phải vì trước đây chúng ta chỉ quen được nghe các ca khúc trữ tình, ngọt ngào, du dương trong phim mà tác giả và đạo diễn lo sợ khán giả thấy nhàm chán nên mạnh dạn đột phá, sáng tác ra một bài hát ấn tượng như thế? Tranh cãi nữa là cũng có nhiều ý kiến phê phán ca khúc này là hành động cổ vũ cho việc ăn thịt chó, một loài vật được xem là “bạn trung thành” của con người.

Ngoài ra, cái không hợp lý trong clip đó là cứ mỗi lần “ông chủ quán” hát là khách hàng của quán lại cất lên những tiếng “gâu gâu” phụ họa rất nhiệt tình nhưng hơi thái quá. Vẫn biết là đoạn clip có tính hài hước, xem để giải trí nhưng chắc chắn khán giả nào cũng rất muốn bộ phim mình xem mang lại tiếng cười có ý nghĩa thực sự. Hi vọng rằng khi phim công chiếu sẽ chiếm được cảm tình của khán giả.

Trong thời điểm phim ngoại lên ngôi và gần như chiếm lĩnh thị trường trong nước, chúng ta phải công nhận các nhà làm phim đã cố gắng trong việc sản xuất nhiều phim hơn để cạnh tranh, để thỏa sự mong mỏi quá khán giả. Tuy nhiên không phải cứ cố gắng là thành công. Nghệ thuật là con đường vinh quang nhưng luôn đòi hỏi tài năng và sự cống hiến của người đi trên nó. Nhưng những bộ phim Việt mới đây luôn tạo ra sự mâu thuẫn lớn giữa tên phim và chất lượng thực. Mong rằng trong tương lai, khán giả không chỉ được đón xem những bộ phim hay, những tên phim có ý nghĩa mà còn cả những giai điệu trong phim đủ sức làm rung động trái tim công chúng.
Chia sẻ