Phiên dịch sự kiện: Áp lực từ văn hóa Hàn Quốc và 1 điều tối kỵ không thể bỏ qua

Trúc Hà,
Chia sẻ

Một công việc không chỉ đòi hỏi về khả năng chuyên môn mà còn cần phải có sự khéo léo, linh hoạt và “cả tá” những yêu cầu khắt khe khác mà chỉ người trong nghề mới có thể kể hết.

Phiên dịch viên vốn là một nghề khiến nhiều người ngưỡng mộ và cũng không thiếu phần tò mò. Bởi trong mỗi sự kiện quốc tế, những phiên dịch viên luôn nắm những mắt xích quan trọng, truyền tải đầy đủ nội dung, thông điệp theo ngôn ngữ phù hợp. Do đó những người làm nghề phiên dịch đều phải có khả năng ngôn ngữ tốt, nhạy bén trong việc xử lý tình huống,...

Tuy nhiên, công việc nào bên ngoài nhìn vào càng “ngầu” thì lại càng có nhiều áp lực. Không phải lúc nào mọi chuyện cũng sẽ diễn ra suôn sẻ 100% như những gì đã chuẩn bị trước, các phiên dịch viên luôn phải “thủ sẵn” những bí kíp đối phó với mọi biến số có thể xảy ra. 

Trong những ngày vừa qua, MXH đưa ra nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh phiên dịch viên tại buổi fanmeeting của Jisoo ở Hà Nội ngày 30/3. Người khen, người góp ý đủ cả. Thế nhưng để hiểu hơn về công việc này, cùng lắng nghe chia sẻ của 3 phiên dịch viên tiếng Hàn dưới đây: 

- Chị Lê Nguyễn Minh Phương - người Việt Nam đầu tiên được vinh danh "Công dân danh dự Seoul"; Giáo sư Đại học tại Hàn Quốc; phiên dịch cho các đoàn công tác cấp cao; MC song ngữ cho các fan meeting, các sự kiện văn hóa lớn ở Hàn có sự tham dự của lãnh đạo cấp cao hai nước hay các chương trình có sự góp mặt của các nghệ sĩ Hàn-Việt như Lam Trường, Sơn Tùng MTP, Noo Phước Thịnh, MAMAMOO, TEMPEST...

- Quỳnh Mai (hay còn biết đến là Mai Tiếng Hàn) - Phiên dịch tiếng Hàn, làm MC song ngữ Việt - Hàn. Từng đảm nhận MC, phiên dịch trong nhiều sự kiện với các nghệ sĩ Hàn Quốc như Song Seung Heon, Lee Dong Wook, Jung Hae In,... 

- Nguyễn Ngọc Thanh My (Dan Mi) cũng đang là phiên dịch viên, MC tiếng Hàn. Cô từng từng tham gia phiên dịch trong nhiều sự kiện lớn như T-Ara Concert, BLACKPINK World Tour, 2NE1 Welcome Back Concert, Chanyeol Concert,... 

Những áp lực khi làm phiên dịch viên tiếng Hàn: Top 1 - Độ chính xác! 

Có kinh niệm nhiều năm làm phiên dịch viên tiếng Hàn, đặc biệt là phiên dịch cho các VVIP, chị Minh Phương cho biết áp lực lớn nhất mà bất kỳ phiên dịch viên nào cũng phải đối mặt là sự kỳ vọng cao về độ chính xác. Càng là những cuộc họp quan trọng, những sự kiện thuộc lĩnh vực luật pháp, chính trị, kinh tế,... càng không được phép sai sót. 

“Một sự sai lệch dù rất nhỏ trong quá trình chuyển ngữ cũng có thể ảnh hưởng lớn đến nhiều người khác khi gây nhiễu thông tin, ảnh hưởng đến không khí sự kiện, hoặc có khi ảnh hưởng đến kết quả cả chương trình làm việc hoặc thương thảo. Ngoài ra, việc có trí nhớ tốt, duy trì được sự bình tĩnh và tập trung trong môi trường căng thẳng trước nhiều sự chú ý và áp lực thời gian cũng là một thử thách lớn khi vừa phải nghe hiểu, vừa xử lý thông tin, và gần như ngay lập tức phải chuyển ngữ ngay, đôi khi không có cả thời gian để ghi chép”, chị Minh Phương chia sẻ. 

Do đó để đảm bảo thông tin chính xác trong các sự kiện cao cấp hoặc các lĩnh vực khó, chị Phương thường xuyên liên hệ với các bên trước buổi dịch để đảm bảo được cung cấp đầy đủ các tài liệu và thông tin liên quan. Chị Minh Phương cũng cho biết việc nghiên cứu tài liệu sẽ giúp nắm sơ bộ về nội dung và khối lượng công việc của mình. Bên cạnh đó với những lĩnh vực khó hoặc mang tính đặc thù, phiên dịch viên sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ bằng việc trao đổi thêm với các bên để hiểu hơn, hoặc nếu cần thì tham khảo ý kiến của các chuyên gia về lĩnh vực cần dịch để hiểu sâu hơn các khái niệm và sau đó chuẩn bị riêng một danh mục thuật ngữ chuyên ngành xuất hiện trong tài liệu và có thể liên quan để sẵn sàng khi cần dùng đến trong tình huống phát sinh. 

Phiên dịch sự kiện: Áp lực từ văn hóa Hàn Quốc và 1 điều tối kỵ không thể bỏ qua - Ảnh 1.

Chị Lê Nguyễn Minh Phương có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phiên dịch cho các VVIP

“Trong trường hợp gặp từ ngữ nằm ngoài phạm vi kiến thức đã có, lúc này nếu không cảm thấy chắc chắn, hoặc không đủ dữ liệu để phán đoán, phiên dịch buộc phải linh hoạt đặt thêm câu hỏi sử dụng ngữ cảnh và ví dụ cụ thể để đảm bảo mình hiểu đúng khái niệm hoặc từ chuyên ngành đó, để diễn đạt một cách rõ ràng và chính xác nhất có thể”, chị Minh Phương nói về việc phiên dịch viên luôn cần đảm bảo tính chính xác cao nhất khi dịch thuật.

Trong lĩnh vực sự kiện, giải trí, dù có phần “dễ thở” hơn nhưng với Quỳnh Mai - người đã có 7 năm làm phiên dịch viên tiếng Hàn cũng cho biết độ chính xác phải luôn là điều được ưu tiên lên đầu. Ngoài ra, những áp lực khác cũng có thể kể đến như thời gian thực tế của chương trình; ngôn ngữ và chuyên môn của phiên dịch viên; áp lực tâm lý, thể chất cá nhân và cuối cùng là những tình huống bất ngờ, không thể lường trước trong quá trình dịch thuật. 

Còn với Thanh My - người có kinh nghiệm phiên dịch tại những sân khấu lớn, các buổi concert thì áp lực còn đến từ những tác động khách quan. “Đầu tiên công việc này đòi hỏi chuyên môn cao và độ chuyên nghiệp nên khi làm việc mình luôn cần tập trung cao độ, đảm bảo sự chính xác và tính chuyên nghiệp. Với những lần phiên dịch sự kiện, áp lực mình gặp phải là khó nghe ra từ vựng cho âm thanh lớn từ chương trình lẫn người hâm mộ. Ngoài ra các bạn fan K-pop cũng là những người rất cuồng nhiệt nên phần nào cũng dẫn tới áp lực cho các phiên dịch viên trong những sự kiện lớn”

Phiên dịch sự kiện: Áp lực từ văn hóa Hàn Quốc và 1 điều tối kỵ không thể bỏ qua - Ảnh 2.

Thanh My là gương mặt quen thuộc với không ít bạn trẻ yêu thích K-biz bởi cô phiên dịch tại nhiều sân khấu lớn, các buổi concert có sự tham gia của các nghệ sĩ Hàn Quốc

Phiên dịch là lĩnh vực có nhiều biến số, phiên dịch viên giỏi phải biết “tùy cơ ứng biến”

Đề cao sự chính xác - không có chỗ cho sự sai sót là điều tất yếu nhưng cũng không thể phủ nhận, lĩnh vực phiên dịch sẽ luôn có những tình huống bất ngờ xảy ra khi ra thực tế, nằm ngoài kịch bản đã chuẩn bị sẵn. Do đó ngoài chuyên môn cao, khả năng ngôn ngữ tốt thì phiên dịch viên đều cần biết cách ứng xử nhanh nhạy, khéo léo trước mọi sự cố. 

Ngay cả những người dày dặn kinh nghiệm như chị Minh Phương cũng đã từng có lúc phải đối mặt với những tình huống phát sinh. 

“Có lần mình theo dịch tháp tùng một đoàn công tác cấp cao nhiều ngày với nhiều hoạt động khác nhau. Trong một buổi làm việc lẽ ra chỉ có phiên dịch phía bạn phụ trách vì bên họ là bên tổ chức và nắm hết mọi nội dung, nhưng vì có vấn đề đột xuất với phiên dịch bên bạn nên ngay khi bước vào phòng họp, mình rất bất ngờ khi được chỉ định là người dịch chính trong khi không được biết trước, cũng không được nhận bất kỳ tài liệu nào trước đó. Nhưng là một phiên dịch viên đi tháp tùng cho đoàn, chịu trách nhiệm phiên dịch cho trưởng đoàn trong suốt chuyến đi, mình không thể từ chối chỉ với lý do mình không được chuẩn bị trước”, chị Phương kể. 

Với chị Phương, buổi dịch hôm đó căng thẳng hơn bình thường vì phải bắt đầu một cách bị động nhưng vì tình hình thực tế nên các vị đại biểu rất thông cảm và hỗ trợ. Những khái niệm khó đều được chủ động giải thích một cách đơn giản kèm theo ngữ cảnh và ví dụ cụ thể. 

Chị Minh Phương nói thêm: “Tương tự như câu chuyện mình đã gặp, khi lịch trình thay đổi, nội dung thay đổi, hay ý kiến phát biểu của lãnh đạo được thay đổi vào phút chót..., là một phiên dịch viên chuyên nghiệp, bạn phải linh hoạt ứng biến để thích nghi được với mọi thay đổi và đảm bảo chất lượng công việc của mình cùng sự hài lòng của người thuê phiên dịch tốt nhất có thể. Hoặc khi vì những lý do chủ quan như vấn đề sức khỏe, hoặc bất chợt bị phân tâm và lỡ mất thông tin quan trọng, cần xác nhận lại để đảm bảo không dịch sai”

“Điều này không thể hiện năng lực bạn kém, mà thể hiện tinh thần trách nhiệm của một phiên dịch viên. Mình nghĩ có những tình huống phiên dịch phải tự thân vận động, tự mình bình tĩnh ứng biến để vượt qua, như ở trên sân khấu, hoặc trên truyền hình trực tiếp chẳng hạn, nhưng cũng có những lúc hoàn toàn có thể tìm kiếm được sự hỗ trợ từ những người xung quanh. Vì sau cùng, cái mà người ta quan tâm nhất vẫn là kết quả, “bạn dịch có tốt hay không?” chứ không mấy ai biết rằng điều gì đã xảy ra và ảnh hưởng đến chất lượng phiên dịch của bạn”, nữ giáo sư bày tỏ. 

Thanh My cũng cho rằng khi ra thực tế, sẽ có rất nhiều tình huống bất ngờ khiến cho phiên dịch viên phải tập trung, tìm cách xử lý. Vì ai cũng nhìn vào kết quả nên sẽ có nhiều trường hợp phiên dịch bị cho rằng thiếu kỹ năng, ngôn ngữ không tốt nên xảy ra sai sót. Trong khi, có vô vàn “biến số” phía sau hậu trường mà các phiên dịch viên đã cố gắng để cho ra một kết quả tốt nhất. 

“Thường các phiên dịch viên sẽ có tai nghe và kịch bản sườn để theo dõi và dịch. Sẽ có các trường hợp mọi thứ nằm ngoài kịch bản hoàn toàn, người phiên dịch khi đó nếu không được chuẩn bị cũng phần nào lúng túng và phải tìm cách để ‘chữa cháy’. Hay cũng có trường hợp, mọi người nghĩ đã xong việc nên thu và trả lại tai nghe, microphone nhưng khi có phát sinh, phải nhanh chóng cầm lại mic để dịch mà chưa kịp đeo tai nghe dẫn tới nhịp độ bị ảnh hưởng. 

Các tình huống như vậy ban tổ chức hiểu hoặc khán giả thông cảm thì không sao. Nhưng nếu không thì phiên dịch viên cũng sẽ bị cho rằng không giỏi, không tốt, dịch không sát nghĩa,...”, Thanh My nói. 

Phiên dịch sự kiện: Áp lực từ văn hóa Hàn Quốc và 1 điều tối kỵ không thể bỏ qua - Ảnh 3.

Thanh My tham gia nhiều sự kiện giải trí, cần sự ứng biến linh hoạt và nhanh nhạy

Với Quỳnh Mai, cô bạn cũng từng gặp “kiếp nạn” khi mới bắt đầu công việc phiên dịch tiếng Hàn. Theo đó, vì tốc độ nói quá nhanh và vấn đề kỹ thuật âm thanh nên trong một sự kiện, Quỳnh Mai không nghe rõ được nội dung mà người Hàn nói. Để xử lý, cô dựa vào ngữ cảnh và những từ khoá lúc đó để dịch, cho dù không đủ nghĩa nhưng vẫn sát nhất so với nội dung người nói. 

“Nếu là phiên dịch thông thường, mình còn có thể lịch sự dừng lại và hỏi lại cho rõ từ chưa nghe được. Nhưng với dịch sân khấu hay dịch đồng thời, thì thời gian không cho phép làm điều đó – và đây thực sự là một thử thách rất lớn. Lúc này, người phiên dịch phải thật sự bình tĩnh, linh hoạt ứng biến, làm sao để giữ được bầu không khí, duy trì mạch cảm xúc mà không làm ảnh hưởng đến tiến trình của chương trình”, Quỳnh Mai cho hay. 

Quỳnh Mai cũng công nhận rằng, kết quả vẫn là phiên dịch viên đó đã hoàn thiện tốt hay không chứ không mấy ai quá quan tâm đến những tình huống phát sinh xảy ra ảnh hưởng đến chất lượng dịch. Do vậy khi làm phiên dịch viên cho các sự kiện giải trí lớn, có đông đảo công chúng dõi theo, hẳn nhiều người đều bắt gặp những bình luận, nhận xét như: “Tôi biết tiếng Hàn và phiên dịch viên này đang dịch sai nghĩa”. 

Nói về chuyện này, Quỳnh Mai bày tỏ: “Thực tế sẽ có lỗi từ người dịch nhưng cũng có thể bạn chỉ đang nhìn thấy một phần rất nhỏ trong toàn bộ quá trình. Nếu thật sự là do năng lực của phiên dịch viên chưa tốt, chắc chắn chúng mình sẽ ghi nhận để trau dồi, học tập thêm. Còn về những yếu tố khách quan không thể giải thích, mình sẽ chọn cách im lặng. Cá nhân mình cũng từng bị hiểu nhầm khá nhiều lần nên giờ cũng phần nào trưởng thành hơn trong cách đối diện với những bình luận như vậy”

Phiên dịch sự kiện: Áp lực từ văn hóa Hàn Quốc và 1 điều tối kỵ không thể bỏ qua - Ảnh 4.

Quỳnh Mai vừa là phiên dịch viên tiếng Hàn vừa làm MC song ngữ Việt - Hàn

Văn hoá làm việc của người Hàn Quốc khắt khe, yêu cầu cao, tối kỵ nhất một điều!

Đều là các phiên dịch viên tiếng Hàn và làm việc với người Hàn Quốc, cả chị Minh Phương, Quỳnh Mai và Thanh My đều có chung quan điểm: Văn hóa làm việc của người Hàn Quốc rất khắt khe, yêu cầu cao, đòi hỏi tính chuyên nghiệp. 

“Văn hóa làm việc của người Hàn Quốc đặt ra nhiều yêu cầu khắt khe đối với phiên dịch viên. Tính chính xác, sự kỷ luật và sự tôn trọng cấp bậc luôn được đề cao. Bên cạnh đó, trong môi trường có sự tham dự của nhiều VVIP, tất cả mọi người kể cả phiên dịch viên đều cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chú trọng vào chi tiết và sự khéo léo trong giao tiếp. Phiên dịch viên không chỉ cần giao tiếp tốt về mặt ngôn ngữ mà còn phải hiểu rõ về văn hóa, phong tục tập quán, các nguyên tắc ngoại giao cơ bản để luôn tuân thủ các quy tắc nghiêm ngặt và giữ được thái độ chuyên nghiệp nhất trong môi trường làm việc”, chị Phương chia sẻ. 

Đặc biết là khi làm việc với các tổ chức, khách VVIP Hàn Quốc, chị Minh Phương càng nhận ra họ làm việc rất nghiêm túc, kỷ luật và đề cao sự khéo léo trong giao tiếp.  Người Hàn Quốc rất coi trọng hiệu suất và chất lượng trong công việc, nên mỗi nhiệm vụ của mỗi cá nhân trong ekip đều phải được thực hiện tỉ mỉ và chính xác, không ảnh hưởng đến kết quả chung. 

Chẳng hạn nếu trong một chương trình, vừa có MC dẫn dắt biết tiếng Hàn, vừa có phiên dịch viên, tất cả sẽ cần làm việc trước với nhau để đảm bảo phối hợp hiệu quả. 

Phiên dịch sự kiện: Áp lực từ văn hóa Hàn Quốc và 1 điều tối kỵ không thể bỏ qua - Ảnh 5.

Chị Minh Phương cho hay văn hoá làm việc của người Hàn Quốc rất khắt khe, đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao

“MC là người dẫn dắt mạch chương trình, còn phiên dịch viên giữ nhiệm vụ chuyển tải chính xác nội dung bằng song ngữ. MC và phiên dịch viên cần thống nhất cách dẫn dắt để đảm bảo nhịp độ và nội dung truyền tải không bị gián đoạn. Vì vậy, MC cần tránh nói quá nhanh hoặc cắt lời khi phiên dịch viên chưa hoàn thành phần dịch. Đặc biệt, nếu không phải trường hợp bất khả kháng, hoặc tình huống cần thiết, nên hạn chế việc tự ý thêm thắt nội dung dẫn ngoài kịch bản nếu không có trao đổi trước với phiên dịch viên, vừa tránh kéo dài thời lượng chương trình, vừa tránh đưa phiên dịch viên và những người khác trong ekip vào tình thế bị động, nếu phiên dịch viên không ứng biến được sẽ dẫn đến dịch sai hoặc không dịch được làm sân khấu “chết”, các bên cần phiên dịch không hiểu được nhau, ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc của cả team. 

Ngược lại, phiên dịch viên cũng cần lắng nghe và phối hợp với MC, không ngắt lời MC hoặc khách mời, linh hoạt ứng biến theo chương trình khi có tình huống phát sinh, tránh làm gián đoạn chương trình hoặc ảnh hưởng đến bầu không khí chung”, chị Minh Phương nói thêm. 

Những điều này được Quỳnh Mai và Thanh My hoàn toàn đồng ý trong quá trình làm việc. 

Quỳnh Mai bày tỏ: “Trong quá trình làm việc với các chương trình, sự kiện có đối tác Hàn Quốc, mình cảm nhận rõ ràng sự nghiêm túc của họ. Mọi khâu đều được lên kế hoạch rất chi tiết: từ giờ giấc, trang phục, kịch bản, cho đến từng câu thoại đều được duyệt kỹ lưỡng.

Một trong những nguyên tắc "bất di bất dịch" là cần tuân thủ đúng nội dung kịch bản khi chương trình đã bắt đầu. Việc dẫn sai hoặc nói khác với nội dung kịch bản cũng có thể ảnh hưởng đến chương trình. Điều đó đòi hỏi người làm nghề phải rất nghiêm túc, chủ động luyện tập, phối hợp ăn ý với ekip và kiểm soát tốt mọi chi tiết trong phần việc của mình”. 

Phiên dịch sự kiện: Áp lực từ văn hóa Hàn Quốc và 1 điều tối kỵ không thể bỏ qua - Ảnh 6.

Quỳnh Mai có nhiều cơ hội tiếp xúc với các nghệ sĩ Hàn Quốc

Còn với Thanh My, khi cô từng đảm nhận những vị trí phiên dịch theo sát với thần tượng Hàn Quốc thì cho biết thêm: “Ekip người Hàn Quốc luôn yêu cầu cao về tính bảo mật thông tin. Phiên dịch viên không được thể hiện sự thái quá hay hâm mộ nghệ sĩ nào, đó là lý do họ thường không chọn fan vào làm nhân viên cho sự kiện. Cùng với đó, không sử dụng điện thoại quay chụp, tuân thủ nguyên tắc giờ giấc, xử lý công việc nhanh nhẹn”

Cuối cùng, để đưa ra một lời khuyên cho các phiên dịch viên từ kinh nghiệm nhiều năm theo nghề của mình, chị Minh Phương bày tỏ: “Bên cạnh khả năng thành thạo về ngoại ngữ, kiến thức chuyên môn và kỹ năng phiên dịch, một kỹ năng quan trọng không kém mà một phiên dịch viên cần rèn luyện chính là khả năng kiểm soát và cân bằng tâm lý để duy trì sự bình tĩnh và tập trung trong môi trường căng thẳng trước nhiều sự chú ý và áp lực thời gian, đồng thời đảm bảo luôn sẵn sàng linh hoạt ứng biến với mọi tình huống phát sinh. 

Bởi vì cái đích mà nhiều người hướng đến để trở thành một phiên dịch viên giỏi không chỉ dừng lại ở việc dịch đúng và đủ về mặt ngôn ngữ mà có thể truyền tải được cả tâm tư tình cảm của người nói, nắm bắt được tâm lý của các bên để biết điều tiết trong câu chữ, đảm bảo cuộc nói chuyện được diễn ra suôn sẻ và cả hai bên cảm thấy hài lòng nhất, hiểu nhau nhất có thể”

Ảnh: NVCC

Chia sẻ